Hưng Yên: Nâng cao sức mạnh, vai trò của khối Đại đoàn kết toàn dân tộc

(Mặt trận) - Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư trong tỉnh Hưng Yên đã trở thành nét đẹp, đưa công tác Mặt trận về với cộng đồng dân cư, hướng tới từng gia đình và mỗi người dân. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nâng cao sức mạnh và vai trò của khối Đại đoàn kết toàn dân tộc.

Diện mạo mới vùng nông thôn Hà Giang

Hiệu quả từ việc đổi mới, nâng cao chất lượng Công tác Mặt trận ở Lam Sơn

Mặt trận Tổ quốc TX. Cai Lậy: Dấu ấn qua một nhiệm kỳ

Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng trao hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Hưng Yên khi tham dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với bà con Khu dân cư Mão Xuyên, xã Nguyễn Trãi, huyện Ân Thi ngày 18/11/2023

Nhiều kết quả tích cực

Theo MTTQ tỉnh Hưng Yên, trong 20 năm qua, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh đã được cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị, MTTQ và các tổ chức thành viên quan tâm triển khai sâu rộng đến từng thôn, hộ gia đình, được đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng và thu được nhiều ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc.

Qua tổ chức Ngày hội, giúp người dân hiểu thêm về ý nghĩa, tầm quan trọng của MTTQ Việt Nam, khơi dậy, phát huy tình cảm, trách nhiệm của người dân xa quê, luôn hướng về quê hương và góp sức xây dựng quê hương, từ đó nâng cao sức mạnh đại đoàn kết góp phần phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng an ninh tại địa phương.

Theo MTTQ tỉnh Hưng Yên đánh giá, qua 20 năm tổ chức Ngày hội, với việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ đa dạng, phong phú đã khơi dậy, huy động được sức mạnh của nhân dân trong việc đóng góp, bảo tồn, giữ gìn các truyền thống tốt đẹp, giá trị lịch sử văn hóa của đất nước, quê hương, phong tục tập quá tốt đẹp của địa phương như: truyền thống trọng nhân nghĩa, trọng hiền tài, hiếu học, nhân ái, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau lúc khó khăn, hoạn nạn, kính trên, nhường dưới, trọng cao tuổi... nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang đã được nhân dân hưởng ứng và đồng thuận thực hiện.

Việc bình xét các danh hiệu thi đua hàng năm được triển khai, thực hiện trong dịp tổ chức Ngày hội ngày càng được coi trọng. Phong trào xây dựng gia đình “Ông bà mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền” tiếp tục được đẩy mạnh.

Từ năm 2003 đến năm 2023 toàn tỉnh Hưng Yên có trên 250.000 lượt gia đình được công nhận “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền” các cấp. Đến nay, tỉnh Hưng Yên có 88% số làng, khu phố đạt và giữ vững danh hiệu “Làng, khu phố văn hóa”; 91% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”.

Hằng năm 100% khu dân cư trong tỉnh tổ chức Ngày hội, trên 65% khu dân cư đã tổ chức được “Bữa cơm đại đoàn kết”. Việc tổ chức Ngày hội hàng năm được các tổ chức, cá nhân, con em quê hương đang sinh sống, công tác, làm ăn ở ngoại tỉnh, các tầng lớp nhân dân cùng tham gia, hướng về. Thông qua tổ chức Ngày hội, tình làng nghĩa xóm trong mỗi cộng đồng được nhân lên qua những hoạt động san sẻ với các gia đình khó khăn, hoạn nạn. Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đã tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, tích cực tham gia ủng hộ các loại quỹ “Vì người nghèo”, các loại quỹ nhân đạo từ thiện do MTTQ, các cấp, các ngành phát động.

Từ năm 2023 đến nay, MTTQ các cấp trong tỉnh Hưng Yên đã vận động, kêu gọi cán bộ, công chức, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh quyên góp, ủng hộ quỹ “Vì người nghèo” các cấp được gần 300 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ “Vì người nghèo” các cấp đã kịp thời hỗ trợ người nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở, thăm tặng quà Nhân dân Tết nguyên đán, hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó học giỏi, người nghèo khám chữa bệnh.

MTTQ các cấp trong tỉnh Hưng Yên đã phối hợp với các tổ chức thành viên, ngành chức năng triển khai, lồng ghép cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” với phong trào “Xây dựng khu dân cư 3 không”, “Vì người nghèo- không để lại ai bị bỏ lại phía sau”, “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc”, “Toàn dân phòng ngừa, tố giác tội phạm, cảm hóa giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư”, “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông”, “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”...

Đến nay, tỉnh Hưng Yên có trên 1.000 tổ tự quản giúp nhau phát triển kinh tế, hơn 1.600 mô hình tổ tự quản trên lĩnh vực an ninh trật tự; hơn 3.500 mô hình tổ tự quản trên lĩnh vực bảo vệ môi trường... có hơn 2.000 câu lạc bộ thể thao hoạt động, 800 câu lạc bộ, đội văn nghệ quần chúng và nhiều loại hình tự quản khác hoạt động có hiệu quả nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư Nghĩa chế, xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên 

Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân

Trong giai đoạn 2003-2023, thông qua việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, MTTQ các cấp đã thực hiện tốt nhiệm vụ phát huy dân chủ, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, Giám sát và phản biện xã hội, góp ý tham gia xây dựng đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh đạt nhiều kết quả.

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành nét đẹp văn hóa, có ý nghĩa trong đời sống của khu dân cư vì đây không chỉ là dịp đánh giá kết quả thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trong năm qua, mà còn là diễn đàn, đợt sinh hoạt chính trị dân chủ tập hợp và phát huy sức mạnh của các tổ chức, cá nhân, đoàn kết cùng nhau xây dựng khu dân cư ngày càng no ấm, hạnh phúc. Qua ngày hội, vai trò, trách nhiệm của MTTQ, các tổ chức chính trị, xã hội trong xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc. Tập hợp, vận động nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước ngày càng được tăng cường.

Bên cạnh đó, MTTQ các cấp thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân. Phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của nhân dân làm tốt vai trò “Cầu nối” giữa Đảng, chính quyền và nhân dân.

Nhân dân trong tỉnh Hưng Yên đã phát huy tốt vai trò giám sát, làm chủ từ cơ sở thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban công tác mặt trận, các chi hội, đoàn thể. Các Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn được MTTQ các cấp trong tỉnh tập trung chỉ đạo, phát huy vai trò, nâng cao chất lượng hoạt động. Đến nay, 161/161 Ban Thanh tra nhân dân ở cấp xã được thành lập, kiện toàn và hoạt động hiệu quả.

Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân góp phần phát huy dân chủ trong triển khai các dự án, quản lý đất đai, các khoản do nhân dân đóng góp, nâng cao chất lượng các công trình phúc lợi công cộng tại địa phương, tạo niềm tin, đồng thuận trong nhân dân, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ở địa phương.

MTTQ các cấp tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp ý kiến, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền. Phối hợp tổ chức các Hội nghị đối thoại trực tiếp, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về quyền và trách nhiệm trong giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư.

MTTQ các cấp trong tỉnh Hưng Yên cũng thường xuyên phản ánh tâm tư của nhân dân với Đảng, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, củng cố mỗi quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với Nhân dân. Khơi dậy ý chí và phát huy sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc, quy tụ sức mạnh của khối Đại đoàn kết dân tộc trong xây dựng nông thôn mới.

Đến hết năm 2022, Hưng Yên có 83 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 93 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,93%.