Hội Nông dân các cấp tỉnh Quảng Ngãi tích cực bảo vệ môi trường

(Mặt trận) -Thời gian qua, Hội Nông dân các cấp tỉnh Quảng Ngãi đã đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần làm thay đổi nhận thức, hành vi của cộng đồng đối với công tác này.

Phú Thọ: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Thanh Hóa: Hỗ trợ người nghèo “an cư” đón tết

Mặt trận Tổ quốc huyện Cai Lậy huy động tốt nguồn lực chăm lo an sinh xã hội

Hội Nông dân huyện Bình Sơn là đơn vị tiên phong trong triển khai xây dựng các mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường. Toàn huyện hiện có 97 mô hình đang hoạt động hiệu quả. Đơn cử như mô hình “Bảo vệ môi trường” ở Chi hội An Cường, xã Bình Hải. Trước đây, người dân có thói quen vứt rác tại các khu vực đường vắng vẻ, lâu dần nhiều đoạn đường trở thành bãi rác gây ô nhiễm môi trường. Chi hội Nông dân thôn An Cường đã phân công hội viên thường xuyên theo dõi để nhắc nhở người dân tập kết rác đúng nơi quy định và được UBND xã hỗ trợ kinh phí lắp đặt camera tại các đoạn đường này. Đến nay, các đoạn đường đầy rác thải trước đây đã không còn. Thay vào đó là những đoạn đường trồng đầy hoa, sạch sẽ và thoáng đãng hơn trước.

 Từ các hoạt động của mô hình khu dân cư bảo vệ môi trường, người dân thôn An Phương, xã Thanh An (Minh Long) đã thay đổi thói quen theo hướng tích cực.

Mô hình Khu dân cư bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu thôn An Phương, xã Thanh An (Minh Long) được thành lập từ đầu năm 2021, với hơn 50 hộ dân tham gia giữ gìn vệ sinh khu dân cư. Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh An Đinh Văn Trường cho biết, khi mới thành lập mô hình cũng gặp nhiều khó khăn do người dân chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh chung. “Từ khi mô hình hoạt động, mọi người chung tay dọn dẹp làm cho đường sá sạch sẽ hơn; người dân trong thôn cũng không vứt rác bừa bãi nữa”, chị Đinh Thị Tre, người dân thôn An Phương, chia sẻ.

Tại các xã Sơn Cao, Sơn Linh, Sơn Thủy và Sơn Thành (Sơn Hà), xã Tịnh Đông (Sơn Tịnh)... cũng có mô hình “Tổ vệ sinh - bảo vệ môi trường”, do hội nông dân các xã thành lập, đi vào hoạt động từ năm 2018 đến nay mang lại hiệu quả thiết thực. Đặc biệt là thay đổi hành vi, thói quen của người dân theo hướng tích cực, thân thiện hơn với môi trường.

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đến nay các cấp hội nông dân trong tỉnh đã xây dựng và duy trì trên 200 mô hình bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Với sự phối hợp chặt chẽ giữa các chi hội nông dân, trưởng thôn và các đoàn thể, các mô hình này đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Qua đó, tạo chuyển biến tích cực, rõ nét trong nhận thức cũng như hành động của người dân trong việc tham gia đóng góp ngày công, hiến đất, tài sản để làm mương thoát nước, đường giao thông; đóng góp kinh phí để lắp đèn chiếu sáng, trồng hoa và cây xanh tạo cảnh quan.

“Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, trong gian tới, Hội Nông dân các cấp tỉnh Quảng Ngãi sẽ tăng cường tham gia bảo vệ rừng, thực hiện trồng rừng và phủ xanh đất trống, đồi núi trọc; tuyên truyền người dân không nên đốt rẫy, đốt rừng để làm nương; thực hiện khoanh vùng khu chăn nuôi theo chuỗi liên kết, khép kín để hạn chế tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nền nông nghiệp  xanh, phát triển bền vững”, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Trần Ngọc Vinh cho biết.

PV