Hội Nông dân các cấp tỉnh Quảng Ngãi tham gia bảo vệ môi trường

(Mặt trận) -Các cấp hội nông dân tỉnh Quảng Ngãi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia bảo vệ môi trường bằng nhiều hoạt động thiết thực, phù hợp. Qua đó, góp phần xây dựng những làng quê sạch, đẹp, văn minh.

Lan tỏa Mô hình Khu dân cư kiểu mẫu

Hòa Bình: Xóa nhà dột nát giúp người nghèo ổn định cuộc sống

MTTQ các cấp huyện Châu Thành củng cố khối đại đoàn kết

Hàng trăm mô hình hiệu quả

Hội Nông dân huyện Bình Sơn là đơn vị tiên phong trong triển khai xây dựng các mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường. Toàn huyện hiện có 22/22 cơ sở hội thực hiện 97 mô hình hiệu quả. Điển hình như mô hình "Bảo vệ môi trường” ở Chi hội Nông dân thôn An Cường, xã Bình Hải. Trước đây, người dân có thói quen vứt rác ra đường, dần thành bãi rác gây ô nhiễm môi trường. Chi hội Nông dân thôn An Cường đã phân công thành viên thường xuyên theo dõi để nhắc nhở người dân tập kết rác đúng nơi quy định; đồng thời lắp đặt camera tại các đoạn đường trong thôn. Nhờ vậy, ý thức bảo vệ môi trường của người dân dần được nâng cao, thói quen vứt rác bừa bãi cũng được khắc phục. Hiện nay, trên các đoạn đường đã được hội viên nông dân trong thôn tự giác trồng hoa, tạo cảnh quan xanh, đẹp và thông thoáng.

 Nông dân tham gia thu gom rác thải nhựa, làm sạch bãi biển

Hay như mô hình “Thu gom rác thải trên cánh đồng” ở các xã Đức Phong, Đức Hiệp (Mộ Đức) cũng được nông dân hưởng ứng. Theo đó, hội viên nông dân đóng góp tiền mua hố bi xi măng đặt trên các cánh đồng để làm nơi tập kết bao bì thuốc bảo vệ thực vật, sau đó, các chi hội trưởng chi hội nông dân của các thôn đến thu gom và vận chuyển về nơi xử lý rác của xã để xử lý. Nhờ vậy, tình trạng vứt rác, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật xuống kênh, mương như trước đây không còn nữa.

Còn ở các xã vùng cao của huyện miền núi Sơn Hà như Sơn Cao, Sơn Linh, Sơn Thủy và Sơn Thành đều có mô hình "Tổ vệ sinh - bảo vệ môi trường" do hội nông dân các xã thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2018. Với hình thức tập hợp hội viên nông dân tham gia vào thành viên của tổ để định kỳ hằng tháng phát động ra quân nạo vét, khơi thông cống rãnh, tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, trồng cây xanh tạo nên các đoạn đường xanh, sạch, đẹp, văn minh.

Lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường

Từ năm 2018 đến nay, các cấp hội nông dân tỉnh Quảng Ngãi đã vận động hơn 650 nghìn lượt người tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường ở nông thôn; tổ chức 678 buổi sinh hoạt với gần 24,5 nghìn lượt người tham dự các lớp truyền thông về Luật Bảo vệ môi trường, kiến thức về bảo vệ môi trường, quản lý sử dụng đất đai, sử dụng và bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách có hiệu quả.

Riêng trong năm 2022, hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường, ngày Môi trường thế giới (5/6), các cấp hội nông dân đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực, thu hút hàng chục nghìn cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh tham gia. Các cơ sở hội duy trì, phát triển các câu lạc bộ nông dân tự quản về bảo vệ môi trường, tổ thu gom xử lý rác thải. Đặc biệt, đối với các xã ven biển ở Quảng Ngãi, các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương chỉ đạo quyết liệt để góp phần giải quyết bài toán về ùn ứ rác thải sinh hoạt của người dân ven biển, góp phần mang lại cảnh quan xanh, sạch và văn minh ở các bãi biển. Điển hình như dự án “Tử tế với Sa Cần”, xã Bình Thạnh (Bình Sơn) hay các mô hình “Tử tế với Mỹ Khê”, “Tử tế với Sa Kỳ” (TP.Quảng Ngãi)... Tham gia các dự án, mô hình, hội viên nông dân, cùng với phụ nữ, thanh niên ra quân dọn rác ở các bãi biển Sa Cần, Sa Kỳ và Mỹ Khê, qua đó tạo cảnh quan xanh, sạch, văn minh, nhằm thu hút khách du lịch đến đây ngày một nhiều  hơn...

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Vinh, để tiếp tục phát huy và nâng cao hiệu quả hơn nữa đối với công tác bảo vệ môi trường, trong gian tới, các cấp hội nông dân trong tỉnh sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân nâng cao nhận thức chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tài nguyên môi trường. Cùng với đó là, đề ra những giải pháp cụ thể trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu như tăng cường công tác bảo vệ rừng, trồng rừng và phủ xanh đất trống, đồi núi trọc; khoanh vùng khu chăn nuôi theo hướng chuỗi liên kết, khép kín để hạn chế tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường nông thôn, nhằm hướng đến một nền nông nghiệp xanh và bền vững.

Ngọc Bích