Hiệu quả “Vùng xanh” tự quản

(Mặt trận) -Với phương châm “phòng hơn chống”, chủ động bảo vệ những khu vực không có dịch COVID-19, thời gian qua, mô hình “vùng xanh” tự quản đã được các cấp chính quyền và người dân ở một số quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội quyết liệt triển khai một cách hiệu quả.

Lan tỏa Mô hình Khu dân cư kiểu mẫu

Hòa Bình: Xóa nhà dột nát giúp người nghèo ổn định cuộc sống

MTTQ các cấp huyện Châu Thành củng cố khối đại đoàn kết

Trước làn sóng dịch bệnh COVID-19 tiếp tục có nhiều diễn biến khó lường, cùng với việc thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch, những ngày qua, hàng trăm chốt bảo vệ “vùng xanh” đã được cơ quan chức năng ở một số quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội chủ động thiết lập để ngăn chặn sự xâm nhập, lây lan của dịch bệnh. “Vùng xanh” tự quản là cách gọi để chỉ những khu vực chưa ghi nhận trường hợp người dương tính với SARS-CoV-2, được quản lý trực tiếp bởi các cấp chính quyền và người dân trên địa bàn tự nguyện tham gia. Mục tiêu thiết lập các “vùng xanh” tự quản an toàn được xem là một trong những “chìa khóa” để thành phố Hà Nội sớm kiểm soát và nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh.

Ghi nhận thực tế cho thấy, “vùng xanh” an toàn đang được triển khai hiệu quả ở nhiều quận, huyện như: quận Hoàng Mai, quận Bắc Từ Liêm, huyện Phú Xuyên… Theo đó, nguyên tắc hoạt động của “vùng xanh” là chỉ cho phép người sinh sống ở trong “vùng xanh” được ra ngoài đi chợ, đi làm; còn với những người lạ, không tuân thủ biện pháp 5K, không có giấy tờ và lý do chính đáng thì không được vào trong “vùng xanh”. Nhìn chung, mô hình “vùng xanh” an toàn đang cho thấy nhiều tín hiệu tích cực và nhận được sự đồng tình ủng hộ của đại đa số người dân.

 Một chốt bảo vệ “vùng xanh” ở quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Chị Nguyễn Thị Ngọc, ở phường Tân Mai, quận Hoàng Mai (Hà Nội) chia sẻ: “Những ngày qua, thông tin về các ca dương tính với COVID-19 trên địa bàn quận Hoàng Mai đã khiến bản thân tôi cảm thấy hết sức lo lắng. Việc lập chốt bảo vệ “vùng xanh” do lực lượng chức năng và người dân trên địa bàn quận tự quản sẽ giúp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh giữa các quận, huyện với nhau, mang lại sự yên tâm cho mọi người và từ đó nâng cao ý thức chấp hành các quy định phòng, chống dịch…”.

Đồng tình với suy nghĩ trên, anh Bùi Tuấn Anh, ở xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên (Phú Xuyên) cho biết, với mục đích bảo vệ người dân trước sự tấn công của dịch bệnh, nhất là khi huyện ghi nhận những ca dương tính mới với COVID-19, ngay lập tức, nhiều “vùng xanh” đã được thành lập ở các thôn, làng, khu dân cư trên địa bàn huyện. “Việc thiết lập “vùng xanh” chống lây lan dịch bệnh COVID-19 là cách làm sáng tạo và mang nhiều ý nghĩa thiết thực, góp phần kiểm soát tốt hơn nữa tình hình dịch bệnh, bảo vệ an toàn sức khỏe của người dân…”, anh Tuấn Anh chia sẻ.

Trước đó, ở một số tỉnh, thành phố phía Nam đã triển khai rộng rãi mô hình bảo vệ “vùng xanh” an toàn và cho thấy nhiều hiệu quả tích cực. Còn tại Hà Nội, hàng trăm chốt kiểm soát “vùng xanh” đã được thiết lập và đang hoạt động một cách có hiệu quả. Tham gia hoạt động trực chốt 24/24 giờ là tổ COVID-19 cộng đồng, đại diện chính quyền, đoàn thể, tự vệ dân phố và đặc biệt là những tình nguyện viên, người dân trên địa bàn.

Thực hiện nghiêm tinh thần chỉ đạo của UBND thành phố, phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã lập chốt bảo vệ “vùng xanh” và vận động người dân tham gia tự quản. Hầu hết mọi người đều đồng thuận, phấn khởi và nhiệt tình hưởng ứng. Được biết, quận Bắc Từ Liêm đang đặt mục tiêu thiết lập “vùng xanh” tại tất cả các tòa chung cư, trường học... trên địa bàn để phát huy sức mạnh đoàn kết của cộng đồng trong “cuộc chiến” chống dịch COVID-19.

Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết, ở phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) chia sẻ: “Mong muốn được đóng góp sức mình vào công cuộc chống dịch chung, nhiều người dân đã tình nguyện tham gia trực chốt bảo vệ vùng xanh tại khu vực đang sinh sống. Theo tôi, thiết lập “vùng xanh” tự quản là cách làm phù hợp và cần được nhân rộng hơn nữa. Mô hình tự quản không chỉ làm giảm tải áp lực cho lực lượng chức năng làm nhiệm vụ mà còn góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi công dân trong phòng, chống dịch COVID-19”. 

Vì là mô hình tự quản nên lực lượng tham gia chủ yếu là từ người dân và hội viên các đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương. Và hiệu quả cao nhất mà mô hình “vùng xanh” tự quản đang mang lại đó chính là nâng cao tinh thần tự giác của mỗi người dân trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Theo ý kiến của nhiều người, hiệu quả từ các chốt kiểm soát “vùng xanh” không chỉ giúp ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào những vùng chưa có dịch, mà còn là cơ sở để từng bước mở rộng những khu vực an toàn, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Có thể thấy, giữa đại dịch COVID-19, việc duy trì những chốt chặn “vùng xanh” tự quản không chỉ thể hiện sự chủ động, mà còn giúp lan tỏa những thông điệp ý nghĩa về tinh thần đoàn kết, sức mạnh cộng đồng trong phòng, chống dịch. “Vùng xanh” an toàn còn là điều kiện để nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi công dân, mỗi gia đình đối với xã hội; điều kiện để mọi công dân cùng chung sức đồng lòng ngăn chặn và chiến thắng dịch bệnh./. 

Ngọc Mai