Hiệu quả từ những tổ Covid cộng đồng

(Mặt trận) -Tổ Covid cộng đồng cùng với chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm từng bước thay đổi nhận thức của người dân, nhất là bà con vùng dân tộc thiểu số với nhiều hình thức khác nhau.

Lâm Đồng: Đồng bào dân tộc thiểu số vui mừng đón Xuân trong nhà mới

Xuân ấm trong những ngôi nhà mới

Phù Yên chăm lo Tết cho hộ nghèo

 Thành viên Tổ Covid-19 cộng đồng tuyên truyền cho bà con về các biện pháp phòng dịch.

Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhất là tại  Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) và các tỉnh phía Nam. Đáng lo ngại trong lần bùng phát dịch thứ 4 này là xuất hiện biến chủng Delta, lây lan rất nhanh. Để đối phó với dịch bệnh, rất nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó các Tổ Covid-19 cộng đồng phát huy hiệu quả rất tốt,  là cánh tay nối dài của các lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống dịch.

Các tổ Covid-19 cộng đồng do UBND cấp xã/phường ra quyết định thành lập. Tổ hoạt động trên tinh thần tình nguyện với nòng cốt là các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể tại cộng đồng, người tình nguyện tại khu dân cư dưới sự tổ chức, quản lý của chính quyền địa phương và sự hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật của ngành Y tế. Tùy theo điều kiện thực tế, mỗi tổ phụ trách từ 40-50 hộ gia đình và có phân công danh sách hộ gia đình cụ thể cho từng tổ.

Nhiệm vụ của tổ là hằng ngày đi từng ngõ, gõ từng nhà để: Thực hiện truyền thông, vận động, nhắc nhở nhân dân các biện pháp phòng, chống dịch; yêu cầu và hướng dẫn người dân tự theo dõi sức khỏe, chủ động khai báo y tế khi bản thân hoặc người trong gia đình có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh.

Tổ cũng có nhiệm vụ giám sát, phát hiện và báo cáo cho chính quyền địa phương và y tế xã, phường những trường hợp nghi mắc Covid-19 được phát hiện tại gia đình; báo cáo các cấp có thẩm quyền những trường hợp không tự giác khai báo y tế, không chấp hành thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định và thực hiện các nhiệm vụ khác phù hợp với khả năng do Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cấp xã/phường phân công.

Thực tế đã chứng minh trong nhiều đợt dịch, tổ Covid-19 cộng đồng hoạt động vô cùng hiệu quả, góp phần đặc biệt quan trọng trong việc kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh. Như tại huyện Mèo Vạc (Hà Giang) hiện có 199 tổ phòng chống Covid -19 cộng đồng/199 thôn, bản, tổ dân phố với gần 1.000 thành viên tham gia.

Tổ Covid cộng đồng cùng với chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm từng bước thay đổi nhận thức của người dân, nhất là bà con vùng dân tộc thiểu số với nhiều hình thức khác nhau. Trong đó tập trung việc tuyên truyền trực tiếp thông qua hình thức đến từng hộ gia đình phát tờ rơi, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh…

Hiện tỉnh Sơn La cũng có tổng số 3.586 tổ Covid cộng đồng với 19.386 thành viên tham gia. Mỗi tổ Covid cộng đồng gồm 2-3 thành viên phụ trách từ 30 - 50 hộ gia đình ở từng khu vực bản/tiểu khu. Cùng với công tác tuyên truyền, các thành viên trong tổ phối hợp chặt chẽ với chính quyền trong việc truy vết, giám sát, theo dõi các trường hợp người dân đi về tại các tỉnh/thành phố về địa bàn, nhất là các trường hợp đi về từ vùng dịch. Đối với các trường hợp thực hiện cách ly tại nhà, thành viên trong tổ thường xuyên đến thăm hỏi, giúp đỡ mua lương thực, thực phẩm, thuốc men...

Theo Sở Y tế Bắc Kạn, tính đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 1.634 tổ phòng, chống Covid-19 tại cộng đồng ở các khu vực dân cư, tổ dân phố, thôn, bản vùng cao thuộc 8 huyện, thành phố. Các tổ đã phát huy hiệu quả rất tích cực trong việc tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; phát hiện các trường hợp nghi mắc Covid-19, không chấp hành quy định về phòng, chống dịch Covid-19; tích cực hỗ trợ cơ quan chức năng truy vết các đối tượng liên quan người nhiễm Covid-19...              

NGỌC  ÁNH