Hiệu quả từ những lò đốt rác ở ấp Gò Dồ Nhỏ

(Mặt trận) -Thời gian qua, Huyện Đoàn Mộc Hóa, tỉnh Long An phối hợp Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện chọn tuyến dân cư thuộc ấp Gò Dồ Nhỏ (xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An) hỗ trợ thực hiện mô hình Lò xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình. Đến nay, mô hình mang lại hiệu quả, từng bước thay đổi nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường.

Phú Thọ: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Thanh Hóa: Hỗ trợ người nghèo “an cư” đón tết

Mặt trận Tổ quốc huyện Cai Lậy huy động tốt nguồn lực chăm lo an sinh xã hội

 Ông Trần Văn Nhân thu gom rác thải quanh nhà, phơi khô trước khi đốt

Theo đó, mô hình đầu tư xây dựng 40 lò đốt rác miễn phí cho 40 hộ dân, chi phí xây dựng 1 triệu đồng/lò. Ngoài ra, người dân còn được hướng dẫn phân loại rác. Rác hữu cơ sẽ được ủ để làm phân bón cho cây trồng. Rác thải rắn như nhôm, nhựa được gom lại bán phế liệu, những loại rác thải còn lại được phơi khô trước khi đưa vào lò đốt. Ông Trần Văn Nhân (ấp Gò Dồ Nhỏ) chia sẻ: “Khi chưa có lò đốt, với rác thải sinh hoạt trong gia đình, tôi thường gom lại một góc vườn rồi đốt hoặc chôn xuống đất. Tuy nhiên, với cách làm này, rác còn sót lại bốc mùi hôi khó chịu, ảnh hưởng đến môi trường. Từ khi có lò đốt rác và được sự hướng dẫn của các đoàn viên, thanh niên, tôi phân loại riêng rác có thể ủ phân và rác bán ve chai, còn lại đem phơi rồi đốt. Với mô hình này, người dân có ý thức phân loại rác thải và giữ gìn vệ sinh môi trường”.

Có được kết quả này một phần do cán bộ, đảng viên trong xã gương mẫu đi đầu trong thực hiện mô hình. Khi thấy được lợi ích của việc phân loại rác và sử dụng lò đốt rác, người dân tích cực tham gia. Bí thư Đoàn xã Bình Thạnh - Cao Thị Thùy cho biết: “Ban đầu, Huyện Đoàn phối hợp xây dựng 10 lò đốt rác hộ gia đình. Sau khi thấy được hiệu quả tích cực của mô hình, UBND huyện chỉ đạo nhân rộng thêm 30 lò đốt rác. Đây là việc làm nhỏ nhưng mang lại hiệu quả thiết thực, xử lý rác thải tại chỗ, hạn chế gây ô nhiễm môi trường, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn sạch đẹp, khang trang,...”.

Mô hình lò xử lý rác thải tại xã Bình Thạnh góp phần bảo vệ môi trường trong khu dân cư. Thông qua mô hình này, ý thức của người dân về giữ gìn vệ sinh được nâng lên, hạn chế tình trạng rác thải vứt bừa bãi không đúng nơi quy định. Hy vọng thời gian tới, mô hình được phổ biến và nhân rộng./.

Chí Đang