(Mặt trận) -Thời gian qua, MTTQ các cấp tỉnh Đồng Nai luôn chú trọng việc xây dựng, nhân rộng, nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư, từ mô hình tổ tự quản an ninh trật tự, đảm bảo an toàn giao thông, dân giúp dân làm kinh tế đến xây dựng gia đình hạnh phúc...
|
Mô hình Tiếng kẻng an ninh tại xã Quảng Tiến, H.Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai |
Hoạt động của các mô hình tự quản đã góp phần tích cực vào việc giữ vững tình hình an ninh trật tự, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Đoàn kết, gắn bó để vươn lên
Chia sẻ về khu dân cư nơi mình sinh sống, ông Nguyễn Văn Ngôn, Trưởng ban công tác Mặt trận ấp Đại Thắng (xã Vĩnh Thanh, H.Nhơn Trạch) phấn khởi bày tỏ, một trong những kết quả nổi bật của ấp phải kể đến là việc xây dựng, nhân rộng được thêm nhiều mô hình tự quản hiệu quả ở khu dân cư. Điển hình như mô hình Khu dân cư thực hiện tốt chương trình 4 giảm, Khu dân cư an toàn về an ninh trật tự, tuyến đường an toàn, Khu dân cư không có trọng án hình sự, mô hình Tình nguyện viên phòng chống ma túy, Tổ an ninh trật tự…
Bên cạnh đó, còn là các mô hình nhằm phát huy tinh thần đoàn kết giúp nhau giảm nghèo, làm giàu chính đáng của bà con. Trong đó, mô hình Dân giúp dân đã được người dân trong ấp thực hiện sôi nổi, nhiều hộ khá giàu trong ấp đã tích cực hỗ trợ các hộ nghèo, khó khăn về nguồn vốn, kinh nghiệm làm ăn để vươn lên. Cán bộ ban ấp tích cực giới thiệu việc làm cho bà con trong khu dân cư; tuyên truyền, phổ biến cho bà con ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, vận động bà con tham gia các tổ hợp tác, HTX nông nghiệp kiểu mới; tích cực hỗ trợ phát triển các chuỗi liên kết tạo sức cạnh tranh và hiệu quả để phát triển kinh tế hộ gia đình...
“Kết hợp với hiệu quả từ nhiều mô hình khác, từ chỗ còn nhiều khó khăn, đến nay, đời sống người dân đã được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người của 234/234 hộ đều trên 60 triệu đồng/người/năm, đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Toàn ấp không còn hộ nghèo” - ông Ngôn nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam H.Nhơn Trạch Phạm Sỹ Linh, những năm qua, MTTQ các cấp trên địa bàn huyện luôn chú trọng công tác giúp đỡ người nghèo thoát nghèo và phát triển bền vững. Cùng với mô hình Dân giúp dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã xây dựng được nhiều mô hình khác giúp đỡ người nghèo vươn lên trong cuộc sống như: mô hình Tổ hợp tác nuôi bò, Tổ hợp tác trồng rau, Tổ tương trợ, hỗ trợ vốn không tính lãi, cho mượn đất để xây dựng nhà tình thương... Qua các mô hình này, nhiều hộ gia đình đã từng bước thoát nghèo, có cuộc sống ổn định, nhà cửa khang trang.
Góp phần bảo đảm an ninh trật tự
Tại xã Quảng Tiến (H.Trảng Bom), mô hình Tiếng kẻng an ninh được triển khai từ năm 2015 đến nay đã phát huy hiệu quả thiết thực, góp phần không nhỏ trong việc đấu tranh, phòng ngừa hiệu quả các loại tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Những chiếc kẻng được lắp ở vị trí trọng yếu, mỗi khi phát hiện tội phạm, người dân sẽ đánh kẻng để báo hiệu cho mọi người cùng nhau vây bắt.
Ông Lê Văn Hào, người dân trên địa bàn xã Quảng Tiến cho biết, từ khi mô hình Tiếng kẻng an ninh đi vào hoạt động, địa phương đã nhiều lần ngăn chặn thành công các vụ trộm cắp, cướp giật trên địa bàn, bắt giữ nhiều đối tượng tội phạm.
Từ hiệu quả ấy, mô hình đã và đang lan tỏa khắp trên địa bàn H.Trảng Bom cũng như nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tạo sự đoàn kết, gắn bó, giúp phát huy tình làng nghĩa xóm, nhắc nhở cộng đồng đề cao cảnh giác, đấu tranh trấn áp tội phạm, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Trong khi đó, với đặc thù là địa bàn tập trung đông công nhân lao động, cùng với nhiều mô hình thiết thực khác, xã Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu) đã xây dựng và nhân rộng được các mô hình Khu nhà trọ tự quản. Qua đó, góp sức hiệu quả vào gìn giữ an ninh trật tự, tạo sự an tâm cho người lao động làm việc và gắn bó.
Ông Lương Ngọc Nhẹ, chủ một nhà trọ tại xã Thạnh Phú cho biết, hiện khu nhà trọ của ông có 5 dãy, 140 phòng với hơn 300 người tạm trú. Những năm qua, tại khu nhà trọ của mình, ông thành lập tổ tự quản về an ninh trật tự với 10 công nhân lao động tham gia, ông đảm nhiệm vai trò làm đội trưởng.
Không dừng ở đó, học tập theo cách quản lý của công an, ông Nhẹ còn lập file dữ liệu bao gồm hình ảnh và các thông tin cá nhân của công nhân lao động ở từng phòng trên máy tính. Vì vậy, dù số lượng tạm trú lên đến hơn 300 người nhưng ông đều nhớ mặt, nhớ tên và các thông tin liên quan khiến công nhân lao động rất an tâm gắn bó.
Tạo sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư
Tại TP.Long Khánh, Trưởng ban Dân vận Thành ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Long Khánh Phạm Văn Hoàng cho biết, thời gian qua, thành phố ngày càng có nhiều mô hình mới, cách làm hay gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, điển hình trên lĩnh vực kinh tế - xã hội mang lại hiệu quả thiết thực, có sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư.
“Ở địa bàn dân cư đã xuất hiện nhiều mô hình rất hiệu quả như: mô hình Khu dân cư tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, Tổ xe ôm tự quản, Tổ nhân dân tự quản, Ngõ hẻm thanh niên tự quản… Từ đó, nhân dân góp sức cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh” - ông Phạm Văn Hoàng cho hay.
Bí thư Huyện đoàn Xuân Lộc Nguyễn Thiện Bình cho biết, bên cạnh các mô hình tự quản đang áp dụng hiệu quả, mới đây, Huyện đoàn đã triển khai mô hình Ấp không có thanh niên mắc các tệ nạn xã hội nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của thanh niên cũng như người dân trong việc phòng chống tệ nạn ma túy, xây dựng lối sống tốt đẹp, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Với đặc thù là tỉnh có đông đồng bào theo đạo (chiếm tới 70%), tỉnh xây dựng thêm nhiều mô hình tự quản mới và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; trong đó chú trọng đến các đối tượng là các chức sắc tôn giáo cùng người có đạo, công nhân lao động…
Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vũ Đình Trung cho biết, nhằm góp phần xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng gia đình văn hóa trong đồng bào tôn giáo, MTTQ các cấp chú trọng nhân rộng nhiều mô hình hay như: cơ sở thờ tự tiên tiến; Cơ sở tự viện văn minh; Cơ sở thờ tự sáng - xanh - sạch - đẹp... Đặc biệt, 100% khu dân cư vùng đồng bào tín đồ các tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã có quy ước, hương ước thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, giữ gìn an ninh trật tự, bài trừ các hủ tục, mê tín dị đoan... Nhờ vậy, góp phần đẩy lùi thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.
Bên cạnh đó, đồng bào tín đồ các tôn giáo còn xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình hay, hiệu quả khác nhằm đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Có thể kể đến như: mô hình Đội nữ dân phòng giữ gìn an ninh trật tự trong vùng đồng bào có đạo, Xứ đạo bình yên (H.Thống Nhất, H.Long Thành); mô hình “5 quản, 3 phòng, 3 bảo vệ” về an ninh trật tự trong đồng bào phật tử xã Phước Thái (H.Long Thành); Tiếng kẻng an ninh ở vùng đồng bào Công giáo xã Quảng Biên (H.Trảng Bom); Xóm đạo bình yên (xã Xuân Bắc, H.Xuân Lộc); Xứ đạo an toàn về an ninh trật tự (H.Định Quán)... Qua đó, góp phần đấu tranh, phòng ngừa hiệu quả các loại tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.
Việc xây dựng các mô hình tự quản đã góp phần quan trọng vào kết quả chung trong cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh của toàn tỉnh. Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai, đến nay, toàn tỉnh có 937/962 ấp, khu phố đạt danh hiệu ấp, khu phố văn hóa, đạt tỷ lệ 97,4%; 98,89% hộ gia đình văn hóa; 100% ấp, khu phố đăng ký thực hiện xây dựng ấp, khu phố văn hóa với chủ trương nâng cao chất lượng gắn với thực hiện chương trình “4 giảm”, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
|
Hồ Thảo