Hiệu quả từ mô hình phân loại rác tại nguồn

(Mặt trận) -Việc phân loại rác tại nguồn được triển khai hiệu quả ở từng gia đình trên địa bàn xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai đã góp phần giảm bớt lượng rác thải, đảm bảo tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu của địa phương.

Mang Tết đến với người nghèo huyện Tri Tôn

Niềm vui được đón Tết trong những ngôi nhà mới ở Quảng Trị

TP Đà Nẵng: Phát động chương trình Xóa nhà tạm, nhà dột nát” năm 2025

 Bà Hà An Thụy - Chủ tịch Hội LHPN xã Lang Minh (bên trái) hướng dẫn người dân phân loại rác tại nguồn.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm ở ấp Tây Minh, xã Lang Minh chia sẻ, trước kia gia đình bà hay để rác chung, lộn xộn. Nhưng khoảng gần một năm nay, gia đình đã bắt đầu phân loại rác theo hướng dẫn của cán bộ hội phụ nữ xã. “Gia đình tôi và hai nhà nữa chung nhau 3 thùng rác được chia làm 3 màu xanh, cam, vàng. Màu xanh thì chứa rác hữu cơ, màu cam là rác vô cơ, màu vàng để rác phế liệu như chai thủy tinh, sành sứ, nhựa. Cứ thế mà nhớ để thực hiện” - bà Thắm nói.

Còn theo anh Chiến Dì Phố (ấp Tây Minh), việc phân loại rác ngay tại chỗ có nhiều cái lợi như vừa có thêm rác hữu cơ là thức ăn thừa, rau, củ để bón cho cây trong vườn hoặc làm thức ăn chăn nuôi vừa lọc ra một số loại rác có thể tái chế hoặc bán cho người thu mua phế liệu. “Từ khi xã phát động mô hình phân loại rác, bà con nhân dân đều đồng tình ủng hộ, tự giác phân loại các chất thải. Chỉ mất thêm một chút công sức ngay tại nhà nhưng bù lại đường làng, ngõ xóm sạch đẹp hơn” - anh Phố hào hứng.

Hiện nay, mô hình phân loại rác tại nguồn đã được triển khai đến 100% hộ dân trên địa bàn xã Lang Minh. Đa số người dân đều đồng thuận trong việc thực hiện mô hình này. Được biết, trước đây bình quân mỗi ngày các hộ gia đình ở xã Lang Minh thải ra khoảng 5 tấn rác, việc thu gom cũng gặp nhiều khó khăn, rác ứ đọng gây ô nhiễm môi trường. Từ khi triển khai mô hình phân loại rác tại nguồn, lượng rác đã giảm khoảng 40%. Đơn vị thu gom và các bãi xử lý rác thải cũng giảm được áp lực.

Là xã thuần nông nên Lang Minh có lợi thế khi vận động, tuyên truyền cũng như hướng dẫn nhân dân phân loại các chất thải hữu cơ có thể làm phân bón hoặc thức ăn cho vật nuôi. Bà con cũng có thói quen thu gom phế liệu để bán nên địa phương cũng dễ dàng trong khâu triển khai. Toàn xã hiện có khoảng 1.500 thùng chứa rác để thu gom và phân loại rác tại nguồn. Kinh phí để mua thùng rác đều do nhân dân tự nguyện đóng góp, mỗi thùng trị giá 200 nghìn đồng. Công tác thu gom rác được thực hiện theo tần suất 3 lần/tuần. Cụ thể vào các ngày thứ 3, thứ 6 thu gom chất thải thực phẩm, thứ 5 thu gom chất thải khác.

Ông Đoàn Văn Thiện - Chủ tịch UBND xã Lang Minh cho biết: Đến nay, xã đạt tỷ lệ đăng ký thu gom và thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đúng quy định là trên 90%. Tổng khối lượng chất thải phát sinh trên địa bàn sau phân loại chỉ còn khoảng hơn 3,6 tấn/ngày. Việc thực hiện phân loại rác tại nguồn, tái sử dụng nguồn rác hữu cơ làm phân bón là một trong những giải pháp giúp giải quyết bài toán khó về tiêu chí môi trường. Trong đó, các khu dân cư kiểu mẫu đang đi đầu trong thực hiện việc phân loại rác tại nguồn với sự tích cực tham gia của người dân và các đoàn thể. Để phát huy hiệu quả của mô hình này, xã giao cho Hội Liên hiệp phụ nữ xã chủ trì.

Mới đây, UBND huyện Xuân Lộc cũng đã tổ chức hội nghị để các xã trên địa bàn học tập kinh nghiệm triển khai mô hình phân loại rác tại nguồn ở xã Lang Minh, xem đây là nội dung quan trọng trong thực hiện tiêu chí về môi trường của quá trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu.

Bà Hà An Thụy - Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ xã Lang Minh chia sẻ, mô hình phân loại rác tại nguồn phù hợp với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” của Hội, nhằm góp phần thực hiện hiệu quả tiêu chí về môi trường. Mô hình thu hút sự tham gia tích cực của người dân, đặc biệt là phát huy được vai trò của người phụ nữ trong gia đình. “Quá trình sinh hoạt hội, chúng tôi đã thông tin, chia sẻ đến hội viên những hiệu quả trong việc phân loại rác tại nguồn. Phụ nữ gần như quán xuyến mọi việc nội trợ, vệ sinh nhà cửa trong gia đình nên việc triển khai đồng bộ từ xã đến các hộ nhận được sự đồng thuận cao” - bà Thụy nói.

M.T