Hiệu quả từ mô hình dân vận khéo về bảo vệ môi trường ở xã Đại Tiến

(Mặt trận) -Rác thải được phân loại ngay tại hộ gia đình, không sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, môi trường nông thôn cải thiện rõ rệt, cảnh quan ở khu dân cư xanh, sạch, đẹp hơn... Thành quả đó có sự đóng góp tích cực của Hội Nông dân xã Đại Tiến (huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng), trong đó vai trò chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng mô hình của Chủ tịch Hội Nông dân xã Dương Thị Hoa được cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã đánh giá cao.

Đón Xuân ấm trong căn nhà mới

Lâm Đồng: Đồng bào dân tộc thiểu số vui mừng đón Xuân trong nhà mới

Xuân ấm trong những ngôi nhà mới

 Chị Dương Thị Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Tiến (Hòa An, Cao Bằng) hướng dẫn các hộ dân phân loại rác thải tại nguồn.

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hiện nay xã Đại Tiến mới đạt 8/19 tiêu chí, trong đó có tiêu chí số 17 về vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm chưa đạt. Xác định tiêu chí môi trường là một tiêu chí quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân xã Đại Tiến đã xây dựng mô hình Dân vận khéo “Nông dân bảo vệ môi trường nông thôn”. Mô hình bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực và tạo được sức lan tỏa trong nhân dân, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân chung tay vì môi trường xanh, sạch, đẹp ở khu dân cư.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Tiến Dương Thị Hoa cho biết: Thực tế hiện nay vấn đề môi trường còn nhiều bất cập, tình trạng hộ gia đình chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh chiếm tỷ lệ cao, nhiều hộ chăn nuôi chưa có hệ thống xử lý chất thải, nước thải; xã chưa có điểm thu gom, xử lý rác thải tập trung, ý thức trách nhiệm của người dân còn thấp trong việc bảo vệ môi trường, còn vứt rác thải bừa bãi ra suối, cạnh bìa rừng, bờ đường và thói quen tiện đâu vứt đấy… nước thải sinh hoạt và chất thải chăn nuôi cũng chưa được quan tâm, xử lý còn để chảy bừa bãi gây ô nhiễm môi trường. Thực hiện mô hình, bản thân tôi và Ban Chấp hành Hội Nông dân xã Đại Tiến đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nội dung trong công tác bảo vệ môi trường đến toàn thể cán bộ, hội viên, nông dân, đồng thời chọn 1 xóm làm mô hình điểm; đưa nội dung “gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn” vào mô hình thực hiện. Thường xuyên chỉ đạo các chi hội tuyên truyền các nội dung về bảo vệ môi trường vào các buổi sinh hoạt của chi hội nông dân, tuyên truyền lồng ghép vào các buổi sinh hoạt định kỳ của xóm… Hội phối hợp tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức bảo vệ môi trường; kỹ thuật thu gom, phân loại rác thải của hộ gia đình, thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật; vệ sinh đường làng, ngõ xóm và hướng dẫn các hộ gia đình tận dụng các vật dụng có sẵn trong gia đình như túi, thùng nhựa không sử dụng đến để làm thùng đựng rác phân loại...

Với cách làm đó, mô hình đã đạt những kết quả bước đầu, các hộ gia đình biết cách phân loại rác thải tại nguồn, trang bị các vật dụng thu gom như túi, thùng đựng rác để thu gom rác thải. Đến nay, 100% hội viên tham gia mô hình đều có nhà tiêu hợp vệ sinh; 100% hộ dân đưa gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở; hằng tháng xóm tổ chức 1 buổi ra quân tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm…

Từ mô hình, giúp người nông dân thay đổi nhận thức, hành vi, thói quen bảo vệ môi trường trong lao động, sản xuất. Hiện nay, việc bảo vệ môi trường đang trở thành "nếp nghĩ", việc làm thường xuyên của người dân nơi đây, từ đó tích cực tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới vì sự phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, tại Hội thi cán bộ “Dân vận khéo” năm 2023, mô hình “Nông dân bảo vệ môi trường nông thôn” của Hội Nông dân xã Đại Tiến đạt giải nhất. Đây là động lực để mô hình lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng và Hội Nông dân xã phấn đấu đến năm 2025, mô hình sẽ được triển khai tại các xóm của xã, góp phần mang lại môi trường sống thân thiện, sạch, đẹp ở khu dân cư - Chị Dương Thị Hoa cho biết thêm.

Minh Hòa