Hiệu quả triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ở huyện Cái Nước

(Mặt trận) -Thời gian qua, với sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức thành viên, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (Cuộc vận động) được triển khai đồng bộ, sâu rộng đến từng cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên, người lao động và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau. Hoạt động này góp phần lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội, làm chuyển biến nhận thức của người dân và mọi thành phần kinh tế đối với sản phẩm, hàng hoá Việt, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Mặt trận Tổ quốc huyện Cai Lậy huy động tốt nguồn lực chăm lo an sinh xã hội

Bình Thuân: Lan tỏa yêu thương, chăm lo cho người nghèo

Hiệu quả từ Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo ở huyện Yên Sơn

Xác định mục đích, yêu cầu và nhiệm vụ cần thiết của Cuộc vận động, Ban Chỉ đạo huyện Cái Nước đã phối hợp với các tổ chức thành viên và ban thường vụ Uỷ ban MTTQ Việt Nam các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng đến toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tạo sự thống nhất chung về nhận thức, hành động trong thực hiện.

MTTQ các cấp cùng với cấp uỷ, chính quyền khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc trong mỗi người Việt Nam, tạo nét đẹp trong văn hoá tiêu dùng của mỗi người. Ban Chỉ đạo huyện phối hợp với UBND huyện, Sở Công thương tổ chức mô hình thí điểm “Ðiểm bán hàng Việt Nam” tại trung tâm huyện. Ðây là điểm bán hàng Việt đầu tiên trong tỉnh.

 Cùng với Uỷ ban MTTQ các cấp trong huyện, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Cái Nước hưởng ứng Cuộc vận động với nhiều hình thức phong phú, từng bước góp phần phát triển tiềm năng của thị trường địa phương.

Bà Nguyễn Bé Sáu, Phó chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Cái Nước, cho biết: “Ðây là cuộc vận động lớn, được Ðảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị quan tâm, tổ chức thực hiện, nhằm xây dựng văn hoá tiêu dùng của người Việt Nam. Ban Chỉ đạo đã hướng dẫn các xã, thị trấn xây dựng được 12 mô hình khu dân cư tự hào dùng hàng Việt, cũng như điểm bán hàng Việt. Từ đó, vận động Nhân dân ưu tiên dùng hàng Việt Nam, xây dựng văn hoá tiêu dùng của người Việt”.

Ông Nguyễn Văn Nguyền, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam thị trấn Cái Nước, thông tin: “Năm 2017, Sở Công thương phối hợp với huyện Cái Nước thí điểm 1 cửa hàng bán hàng Việt. Tiếp nối những kết quả đạt được, đến nay, tại Khóm 1 có 120 hộ thực hiện mô hình “Khu dân cư tự hào dùng hàng Việt”. Thông qua Cuộc vận động, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh mua bán trên địa bàn thị trấn nhận thức được trách nhiệm trong việc kinh doanh hàng Việt. Từ đó chú trọng đến chất lượng, cũng như nguồn gốc xuất xứ và giá thành sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của các tầng lớp Nhân dân”.

Chị Phạm Ngọc Bích, chủ tiệm điện An Bình, Khóm 1, thị trấn Cái Nước, cho hay: “Tại tiệm điện của tôi hầu như đều là hàng Việt. Trong buôn bán tôi luôn lấy chữ tín làm đầu, các mặt hàng chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, bán đúng giá để mọi người yên tâm khi mua sắm”.

 Chị Phạm Ngọc Bích là 1 trong 120 hộ dân ở Khóm 1, thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước, thực hiện mô hình “Khu dân cư tự hào dùng hàng Việt”.

Bên cạnh đó, MTTQ huyện Cái Nước vận động các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia phát hiện, tố giác hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng... để cơ quan chức năng kịp thời xử lý, nhằm bảo vệ người tiêu dùng và bảo vệ uy tín của các mặt hàng Việt Nam có chất lượng. Bà Nguyễn Bé Sáu khẳng định: “Qua công tác tuyên truyền, mọi người đều nhận thức đúng và hành động đúng khi hưởng ứng Cuộc vận động. Bởi vì, khi lựa chọn sử dụng hàng Việt, họ trở thành người tiêu dùng thông thái, đánh giá đúng chất lượng sản phẩm trong nước. Khi sản phẩm Việt được người trong nước đánh giá cao, sẽ tạo uy tín trên trường quốc tế, thúc đẩy xuất khẩu”.

Ðể tiếp tục thực hiện hiệu quả Cuộc vận động, thời gian tới MTTQ huyện Cái Nước tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động với các nội dung, hình thức phong phú, phù hợp với từng đối tượng. Hướng dẫn người tiêu dùng biết cách truy xuất nguồn gốc hàng hoá, người kinh doanh không bán hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng... Ðặc biệt là hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP, góp phần thu hút người dân sử dụng hàng Việt sản xuất trong nước, cũng như sản xuất tại địa phương./.

Quỳnh Anh - Hoàng Vũ