Hiệu quả phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi ở tình Hà Giang

(Mặt trận) -Nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc của người tiêu dùng Việt Nam và góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nâng cao vị thế, giá trị hàng hóa Việt, ngày 19.5.2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 03-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Lâm Đồng: Đồng bào dân tộc thiểu số vui mừng đón Xuân trong nhà mới

Xuân ấm trong những ngôi nhà mới

Phù Yên chăm lo Tết cho hộ nghèo

Người dân xã Niêm Tòng (Mèo Vạc) tham quan, mua hàng tại phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi.

Để thực hiện, tỉnh Hà Giang đã thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ), ban hành các chương trình, kế hoạch của giai đoạn, hàng năm và tổ chức triển khai thực hiện với những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, như: Chỉ đạo các cơ quan thông tin, tuyên truyền của tỉnh xây dựng các chương trình, phóng sự, chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về Cuộc vận động; tăng cường các hoạt động phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; bảo vệ quyền, lợi ích người tiêu dùng; quảng bá các sản phẩm và tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa của Việt Nam sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã thông qua hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại và nâng cao năng lực cạnh tranh, ứng dụng thương mại điện tử... Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của người sản xuất, người tiêu dùng về mục đích, ý nghĩa của Cuộc vận động, để hiểu và nhiệt tình hưởng ứng tham gia bằng các hành vi cụ thể từ khâu sản xuất đến kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt Nam.

Một trong những giải pháp quan trọng góp phần thành công chung của Cuộc vận động đó là ngành Công thương đã tổ chức những phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi. Những phiên chợ này tạo ra không khí vui tươi, phấn khởi cho đồng bào các dân tộc nơi diễn ra phiên chợ; họ gặp gỡ, giao lưu, thưởng thức các tiết mục văn nghệ và quan trọng hơn họ được tiếp cận và mua sắm những mặt hàng thiết yếu phục vụ cuộc sống hàng ngày do Việt Nam sản xuất với giá cả hợp lý so với thu nhập của bà con.

Đồng chí Lê Thị Thu Hằng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công – Xúc tiến Công thương tỉnh Hà Giang cho biết: Với chức năng, nhiệm vụ được giao, từ đầu năm 2022 đến nay, Trung tâm tổ chức 4 phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi tại xã Lũng Cú (Đồng Văn), Niêm Tòng (Mèo Vạc), Thông Nguyên (Hoàng Su Phì) và Nà Chì (Xín Mần). Mỗi phiên chợ được tổ chức từ 3-4 ngày, với 24 gian hàng của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Hàng hóa trưng bày, giới thiệu bán tại các phiên chợ được sản xuất trong nước; đa dạng, phong phú về mẫu mã, chủng loại đã giúp bà con các địa phương nơi tổ chức phiên chợ và vùng lân cận tiếp cận với hàng hóa Việt Nam có giá cả phù hợp.

Đến phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi tại xã Niêm Tòng (Mèo Vạc), chị Lù Thị Mồ, xã Niêm Tòng chia sẻ: Nhà tôi ở cách nơi tổ chức phiên chợ khoảng 3 km, biết tin có phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi được tổ chức tại trung tâm xã, tôi và mấy người cùng xóm đến chợ rất sớm để mua sắm những mặt hàng thiết yếu cho gia đình. Tôi rất vui vì được tiếp cận và mua sắm những mặt hàng do Việt Nam sản xuất, giá cả lại rất phù hợp.

 Nhiều mặt hàng do Việt Nam sản xuất được bán tại phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi xã Niêm Tòng (Mèo Vạc). 

Đến dự, hòa cùng niềm vui của bà con các dân tộc mới thấy hiệu quả, sự lan tỏa của các phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi là rất lớn, góp phần vào thành công chung của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Đồng chí Vàng Seo Cón, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh – Cơ quan Thường trực BCĐ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Hà Giang cho biết: Phát huy kết quả đạt được, năm 2023 BCĐ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thành viên tổ chức triển khai đề án, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh sản xuất và quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại và khuyến công, đặc biệt là triển khai tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, biên giới để tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận, ưu tiên lựa chọn mua sắm, sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm...

Theo số liệu của Bộ Công thương, đến nay cả nước có trên 90% người dân Việt Nam đã chọn, ưu tiên dùng hàng do Việt Nam sản xuất. Đây là kết quả to lớn, toàn diện đối với một chủ trương lớn, mang ý nghĩa chính trị, kinh tế, nhân văn sâu sắc của Đảng và Nhà nước.

Văn Nghị