Hiệu quả mô hình khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường ở Thanh Hóa

(Mặt trận) -Phát huy tinh thần sáng tạo của người dân trong thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh”, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa đã triển khai xây dựng các mô hình “Khu dân cư (KDC) tự quản bảo vệ môi trường (BVMT)”. Qua thực tiễn triển khai những mô hình này đã góp phần nâng cao nhận thức và huy động được sự tham gia của người dân trong BVMT từ mỗi KDC.

Lan tỏa Mô hình Khu dân cư kiểu mẫu

Hòa Bình: Xóa nhà dột nát giúp người nghèo ổn định cuộc sống

MTTQ các cấp huyện Châu Thành củng cố khối đại đoàn kết

 Ra mắt mô hình khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường thôn Phú Thành, xã Thành Hưng, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa.

Thôn Thượng Đại, xã Hoằng Xuyên (Hoằng Hóa) là một trong 4 KDC được Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa lựa chọn xây dựng mô hình điểm “KDC tự quản BVMT” . Mô hình được thành lập với mục đích tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về BVMT gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ở KDC phát triển bền vững. Sau hơn 1 năm thực hiện mô hình, đến nay 100% số hộ gia đình được sử dụng nước hợp vệ sinh, 100% hộ gia đình có công trình vệ sinh, 100% số hộ chăn nuôi đều có bể chứa phân an toàn đối với khu vực sinh hoạt của con người. Chất thải sinh hoạt trong mỗi gia đình đều được thu gom đến đúng nơi quy định, rác thải khô được gom vào hố để đốt. Đặc biệt, túi nilon, vỏ bao bì phân hóa học đã được thu gom, xử lý đúng nơi quy định. Người dân tích cực tham gia trồng cây xanh, trồng đường hoa tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.

Những tuyến đường nội thôn ở thôn Phú Thành, xã Thành Hưng (Thạch Thành) luôn được bà con quét dọn thường xuyên, tạo nên cảnh quan sạch đẹp. Để nâng cao ý thức của người dân trong xử lý, thu gom rác thải, thôn đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân đóng góp ngày công, nguyên vật liệu để xây dựng lò đốt rác. Việc sử dụng lò đốt được chia theo cụm dân cư, bà con được hướng dẫn phân loại rác để xử lý hiệu quả. Bên cạnh đó, Nhân dân trên địa bàn cũng cam kết không xả thải nước sinh hoạt, nước thải chăn nuôi trực tiếp ra môi trường. Mới đây, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ xã Thành Hưng đã công bố quyết định thành lập mô hình “KDC tự quản BVMT” tại thôn Phú Thành. Thông qua mô hình, góp phần quan trọng nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về trách nhiệm BVMT ngay tại gia đình. Qua đó giúp bà con hiểu rõ và thực hiện tốt các quy định như: thu gom, phân loại rác thải bằng vật dụng bảo đảm vệ sinh; bỏ rác đúng nơi quy định; không xả nước thải, không vứt vật nuôi chết bừa bãi gây mất vệ sinh môi trường... xây dựng KDC xanh, sạch, đẹp, không ô nhiễm môi trường sống, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng NTM, đô thị văn minh.

Theo số liệu thống kê của Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa, từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 226 mô hình “KDC tự quản BVMT” và “KDC xanh, sạch, đẹp; xã, phường an toàn và trong sạch môi trường”. Việc xây dựng mô hình điểm “KDC tự quản BVMT” đạt được những kết quả thiết thực. Từ việc xây dựng mô hình đã góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và các tầng lớp Nhân dân ở KDC về nhiệm vụ BVMT. Người dân đã có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh, sử dụng nguồn nước sạch, xây nhà tắm, công trình vệ sinh của các hộ gia đình hợp lý; nước thải, rác thải được xử lý, thu gom, phân loại đảm bảo đúng quy định; đóng góp đầy đủ các loại phí BVMT. Các hoạt động tự quản từng bước đi vào nền nếp, được duy trì đều đặn, thường xuyên, góp phần giữ gìn vệ sinh trên địa bàn KDC. Hàng tuần, tổ tự quản tổ chức vệ sinh chung vào ngày cuối tuần, riêng các hộ gia đình hàng ngày phải thực hiện tốt việc vệ sinh, phát quang bụi rậm xung quanh nơi ở, bảo đảm sạch sẽ thoáng mát. Đến nay, 100% số hộ gia đình tham gia mô hình được sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% hộ gia đình có công trình vệ sinh; 100% số hộ chăn nuôi đều có bể chứa phân và an toàn đối với khu vực sinh hoạt của con người...

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai xây dựng các mô hình vẫn còn gặp không ít khó khăn, như ở một số địa phương vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp với hệ thống mặt trận triển khai xây dựng các mô hình chưa đồng đều, có nơi còn giao khoán công việc này cho mặt trận. Năng lực, trình độ các thành viên trong ban vận động ở một số nơi còn yếu, còn thụ động trong việc theo dõi tiến độ, kiểm tra chất lượng xây dựng mô hình. Thói quen, tập quán sinh hoạt còn lạc hậu ở một số KDC; ý thức gìn giữ, BVMT của một bộ phận Nhân dân, doanh nghiệp chưa thật sự chuyển biến rõ nét.

Thu Hằng