Hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước

(Mặt trận) -Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự phối hợp của chính quyền và các tổ chức thành viên, đặc biệt là sự đồng thuận của Nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Kạn đã phát động, triển khai hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, góp phần quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Diện mạo mới vùng nông thôn Hà Giang

Hiệu quả từ việc đổi mới, nâng cao chất lượng Công tác Mặt trận ở Lam Sơn

Mặt trận Tổ quốc TX. Cai Lậy: Dấu ấn qua một nhiệm kỳ

Trao nhà đại đoàn kết cho gia đình ông Triệu Văn Huyên, thôn Nà Xe, xã Tân Tú (Bạch Thông). 

Chung sức xây dựng nông thôn mới

Với tinh thần chủ động, ủy ban MTTQ từ tỉnh đến cơ sở đã đề ra nhiều kế hoạch và phát động các phong trào thi đua yêu nước, qua đó, đã phát huy được sức mạnh và tinh thần tự quản của Nhân dân, tạo động lực phát triển kinh tế, góp phần thực hiện chính sách giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Cụ thể, trong 5 năm qua, phong trào thi đua “Bắc Kạn chung sức xây dựng nông thông mới” gắn cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, MTTQ các cấp và các đoàn thể vận động Nhân dân đóng góp được hơn 10 tỷ đồng, hiến 190.162m2 đất, đóng góp trên 55.000 ngày công lao động xây dựng 808 công trình giao thông đường xã, thôn; xây dựng và tu sửa 1.139 nhà văn hóa thôn. 70 cơ quan, đơn vị của tỉnh đã xây dựng kế hoạch, hỗ trợ giúp đỡ các xã xây dựng nông thôn mới với tổng giá trị gần 20 tỷ đồng.

Trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi đã xuất hiện nhiều gương điển hình nông dân dám nghĩ dám làm, quyết tâm tìm tòi, đưa vào thử nghiệm và nhân rộng các loại giống cây, con mới cho thu nhập cao, đặc thù cho từng vùng mang lại hiệu quả sản xuất. Điển hình như: Bà Đào Thị Huyền, thôn Đồng Tâm, xã Kim Lư (Na Rì) phát triển mô hình nấu rượu và chăn nuôi vườn – ao - chuồng cho thu nhập 200 - 300 triệu đồng/năm; ông Giàng Văn Tiến, xã Nghiên Loan (Pác Nặm) thực hiện mô hình chăn nuôi vỗ béo trâu, bò, giúp giải quyết việc làm ổn định hằng năm cho 15 người lao động, góp phần giảm nghèo cho các hộ nghèo trong xã; bà Triệu Tài Dương, xã Ngọc Phái (Chợ Đồn) phát triển mô hình sản xuất gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản cho thu nhập bình quân 380 triệu/năm, tạo công ăn việc làm cho 13 lao động....

Trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phòng, chống tội phạm, ma túy, HIV/AIDS, mua bán người, bảo đảm trật tự an toàn giao thông được MTTQ các cấp phối hợp với các ngành, đoàn thể, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tuyên truyền, đấu tranh với các đối tượng cơ hội, lôi kéo quần chúng kích động chống phá, hình thành “điểm nóng” về an ninh trật tự. Đến nay, toàn tỉnh có 1.328 tổ an ninh nhân dân, 1.303 tổ hòa giải hoạt động có hiệu quả, góp phần quan trọng vào giữ gìn đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Một trong những kết quả nổi bật của MTTQ các cấp trong tỉnh trong 05 năm qua là phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Phong trào thi đua đã được các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân tích cực hưởng ứng và triển khai nhiều hình thức vận động phong phú, góp phần quan trọng vào kết quả của công tác an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Từ năm 2016 đến hết tháng 4/2020, Quỹ "Vì người nghèo" các cấp đã vận động được hơn 23 tỷ đồng. MTTQ các cấp đã phối hợp với các đoàn thể tổ chức thăm và tặng trên 72 nghìn suất quà cho hộ nghèo, gia đình chính sách, người khuyết tật, trẻ em mồ côi, trị giá gần 27 tỷ đồng. Hỗ trợ xây dựng mới 870 nhà đại đoàn kết với tổng trị giá trên 19 tỷ đồng, hỗ trợ gà giống trị giá 450 triệu đồng. Qua phong trào, giúp nhiều người nghèo ổn định cuộc sống, vươn lên phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững và chung sức xây dựng nông thôn mới. Điển hình như: Ông Hừa A Dỉa, thôn Cốc Lào, xã Giáo Hiệu (Pác Nặm), sau khi được hỗ trợ, gia đình đã ổn định cuộc sống, vươn lên phát triển kinh tế và tự nguyện làm đơn xin thoát nghèo.

Các tổ chức đoàn thể, địa phương đã triển khai nhiều chương trình giúp đỡ cho đoàn viên, hội viên của mình như: “Mái ấm Công đoàn” của Liên đoàn Lao động tỉnh, “Mái ấm cho phụ nữ nghèo” của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, “Mái ấm đồng đội” của Hội Cựu chiến binh... Ngay tại mỗi thôn, làng, khu dân cư, bà con cũng đã có nhiều cách tương trợ, giúp đỡ nhau như: Hỗ trợ cây, con giống, cho mượn giống vốn không tính lời, giúp đỡ ngày công lao động… Đây chính là những trợ lực tốt để người nghèo vượt qua thời điểm khó khăn.

Từ 2016 đến nay, Quỹ Cứu trợ của tỉnh đã huy động được trên 10 tỷ đồng để hỗ trợ khẩn cấp cho 271 hộ gia đình trong tỉnh bị thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn; hỗ trợ làm nhà cho 50 hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách... Tặng 750 suất quà Tết cho hộ nghèo, các hộ khó khăn bị ảnh hưởng do thiên tai với tổng trị giá 300 triệu đồng.

Với những kết quả đạt được, từ năm 2015 đến nay có 53 tập thể, cá nhân Mặt trận các cấp trong tỉnh vinh dự được Chính phủ, MTTQ Việt Nam, Bộ Công an, UBND tỉnh tặng bằng khen, cờ thi đua.

Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước

Song song với những kết quả đạt được, các phong trào thi đua do MTTQ phát động thời gian qua vẫn còn một số hạn chế như: Việc tuyên truyền các phong trào thi đua, phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến chưa duy trì thường xuyên, chủ yếu tập trung vào các đợt cao điểm, thiếu tính thuyết phục. Một số nơi thi đua còn mang tính hình thức, tác dụng và hiệu quả thực tiễn chưa cao. Công tác kiểm tra, giám sát chưa có sự tập trung thường xuyên trong việc hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và cổ vũ, động viên thi đua; công tác sơ kết, tổng kết còn chưa sâu...

Để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, giai đoạn 2020 - 2025, Ủy ban MTTQ tỉnh đề ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả phong trào thi đua yêu nước. Tổ chức phát động các phong trào thi đua gắn với các chủ đề thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương. Tăng cường vận động các tầng lớp Nhân dân củng cố và phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, phát huy tinh thần sáng tạo, thi đua thực hiện các công trình, sản phẩm, việc làm có ý nghĩa thiết thực trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, phòng chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội ở khu dân cư, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp tổ chức các phong trào thi đua gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của Mặt trận Tổ quốc các cấp và các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đẩy mạnh các phong trào thi đua, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; phong trào “Cả nước chung tay Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; phong trào “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế”; phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 - 2025. Nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, xây dựng người cán bộ Mặt trận gần dân, trọng dân, lắng nghe ý kiến nhân dân, thực hiện tốt nội dung “Rèn luyện tư cách người cán bộ Mặt trận” theo Quy định của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam./.

Việt Bắc