Hậu Giang: Thiết thực hỗ trợ sinh kế cho người dân

(Mặt trận) -Đầu năm đến nay, Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Hậu Giang đã tích cực hỗ trợ sinh kế nhằm giúp cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.

Xây dựng nông thôn mới hiệu quả, bền vững

Tuyên Quang huy động mọi nguồn lực xóa nhà tạm, nhà dột nát

Hòa An thực hiện hiệu quả công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát

Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Lương Nghĩa ra mắt mô hình “Hỗ trợ con giống giúp hộ nghèo phát triển kinh tế”. 

Bà Hà Thị Mỹ Anh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, cho biết, trên địa bàn xã còn không ít hộ dân gặp khó khăn trong cuộc sống, do đó việc hỗ trợ sinh kế để tạo điều kiện cho bà con cải thiện đời sống là công tác được Mặt trận xã quan tâm. Cụ thể vào cuối tháng 8 vừa qua, đơn vị tổ chức ra mắt mô hình “Hỗ trợ con giống giúp hộ nghèo phát triển kinh tế”.

Tại buổi ra mắt, mô hình cho 8 hộ nghèo mượn vốn không tính lãi suất, mỗi hộ 5 triệu đồng để mua bán nhỏ, mua con giống chăn nuôi. Trong 12 tháng, các hộ sẽ hoàn trả lại vốn. Tổng kinh phí thực hiện mô hình là 40 triệu đồng do Ủy ban MTTQ Việt Nam xã vận động.

Bà Danh Thị Hạnh, hộ đồng bào Khmer ở ấp 10, xã Lương Nghĩa, chia sẻ: “Tôi dùng số tiền 5 triệu đồng được cho mượn để mua gà về nuôi và buôn bán nhỏ. Tôi rất biết ơn sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương. Tôi sẽ cố gắng làm ăn, chi xài tiết kiệm để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống”.

Trước đó, vào cuối tháng 7, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Long Mỹ tổ chức ra mắt mô hình “Hỗ trợ vốn khởi nghiệp cho hội viên nông dân nghèo, cận nghèo”. Theo đó, 10 hội viên nông dân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã Vĩnh Viễn A được vay số vốn 10 triệu đồng/hộ trong thời gian 24 tháng với lãi suất 0% để thực hiện các mô hình phát triển kinh tế gia đình.

Hình thức trả vốn chia làm 2 lần, lần đầu trả 50% vốn vào tháng thứ 12 và 50% còn lại trả vào tháng thứ 24. Kinh phí thực hiện mô hình được trích từ Quỹ “Vì người nghèo” của huyện. Ngoài hỗ trợ về vốn, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện còn phối hợp với ngành chức năng có liên quan chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất, góp phần giúp người dân thực hiện mô hình làm ăn đạt hiệu quả cao, sớm ổn định cuộc sống.

Chưa kể, thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Long Mỹ còn triển khai có hiệu quả một số mô hình như: “Hỗ trợ vốn khởi nghiệp, lập nghiệp cho thanh niên nghèo, cận nghèo”; “Giảm nghèo 2 trong 1 cho đồng bào dân tộc thiểu số” ở xã Lương Nghĩa… Tính đến nay, huyện đã trích số tiền hơn 400 triệu đồng từ Quỹ “Vì người nghèo” để thực hiện các mô hình hỗ trợ sinh kế cho người dân.

Phụng Hiệp là huyện có địa bàn rộng, dân số đông nhất tỉnh, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội dù được quan tâm nhưng vẫn còn yếu kém, đời sống nhân dân tuy được nâng lên nhưng tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao. Vì vậy, công tác chăm lo, hỗ trợ cho hộ nghèo được cả hệ thống chính trị trên địa bàn huyện Phụng Hiệp đặc biệt quan tâm; trong đó, Mặt trận thể hiện vai trò rất rõ nét.

Đơn cử như mới đây, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phụng Hiệp tổ chức ra mắt mô hình hỗ trợ sinh kế, giúp vốn mua bán, sản xuất, trồng trọt cho 20 hộ nghèo trên địa bàn xã Hiệp Hưng. Tại đây, 20 hộ nghèo thuộc 4 hội, đoàn thể thanh niên, phụ nữ, nông dân và cựu chiến binh, mỗi hộ được mượn 10 triệu đồng, không tính lãi và trả dần trong 3 năm. Năm thứ nhất, hoàn vốn 3 triệu đồng, năm thứ hai 3 triệu đồng và năm thứ ba là 4 triệu đồng.

Bên cạnh việc ra mắt mô hình ở xã Hiệp Hưng, từ đầu năm 2022 đến nay, MTTQ huyện Phụng Hiệp còn triển khai hướng dẫn nhân rộng mô hình hỗ trợ sinh kế tại xã Hòa Mỹ, thị trấn Kinh Cùng và Cây Dương, với 22 hộ được hỗ trợ nguồn vốn 100 triệu đồng. Đáng chú ý là MTTQ huyện phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên hướng dẫn các xã, thị trấn có xây dựng mô hình sinh kế phải khảo sát thực tế về nhu cầu sử dụng nguồn vốn của người dân, đồng thời hướng dẫn bà con sử dụng nguồn vốn có hiệu quả.

Tính từ năm 2018 đến nay, từ nguồn Quỹ an sinh phúc lợi xã hội, MTTQ huyện Phụng Hiệp đã hỗ trợ cho 101 hộ nghèo ở 9/15 xã, thị trấn, với số vốn 757 triệu đồng, giúp cho 47 hộ thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Bà Nguyễn Thị Tuyết Vân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phụng Hiệp, cho biết, thời gian qua, Mặt trận huyện tích cực vận động xã hội hóa xây dựng các mô hình hỗ trợ sinh kế giúp người dân thoát nghèo.

Đồng thời, phối hợp với ngành nông nghiệp, lao động - thương binh và xã hội hướng nghiệp, mở các lớp đào tạo nghề cho người dân. Qua đó, giúp bà con sử dụng vốn vay để thực hiện các mô hình sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt có hiệu quả, thu nhập tăng lên, ổn định cuộc sống.

Việc hỗ trợ sinh kế cho người dân cũng được Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Long Mỹ quan tâm thực hiện. Vào tháng 6 năm nay, đơn vị này ra mắt mô hình hỗ trợ sinh kế “Bò giống sản sinh - gia đình phát triển” ở xã Tân Phú. Tại đây, Mặt trận thị xã trao 10 con bò giống cho 10 hộ nghèo, chí thú làm ăn và có điều kiện chỗ nuôi cho bò sinh sản, với tổng trị giá 150 triệu đồng được trích từ “Quỹ Vì người nghèo” của thị xã.

Theo bà Lữ Kim Thao, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Long Mỹ, thông qua mô hình nhằm tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong công tác giảm nghèo bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân trên địa bàn. Qua đó, góp sức cùng với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Tân Phú đạt các tiêu chí nông thôn mới, đặc biệt là tiêu chí hộ nghèo.

Thống kê trong 8 tháng đầu năm nay, Mặt trận các cấp trên địa bàn tỉnh đã xây dựng, nhân rộng 71 mô hình hỗ trợ sinh kế cho gần 2.400 hộ nghèo về bò giống, nuôi lươn; hỗ trợ buôn bán nhỏ, xây dựng các mô hình kinh tế cá thể... với tổng kinh phí gần 22 tỉ đồng.

Đáng chú ý là Mặt trận các cấp có sự lựa chọn những hộ cần giúp đỡ để hỗ trợ hoặc cho mượn vốn thực hiện mô hình sinh kế một cách công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận cao từ phía người dân. Các đơn vị còn thường xuyên quan tâm theo dõi và hỗ trợ về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi giúp mô hình làm ăn của người dân đạt hiệu quả cao.

Qua đó để thấy các mô hình hỗ trợ sinh kế không chỉ hỗ trợ “cần câu” bằng nguồn vốn, cây, con giống mà còn chỉ cho người dân “cách câu cá” thông qua việc định hướng mô hình và hỗ trợ kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Hiệu quả do các mô hình mang lại giúp không ít người dân cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống.

Theo báo Hậu Giang