Hàm Yên: Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị

(Mặt trận) - Quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh. Chính vì vậy, việc xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trong tỉnh cũng đang phải thích nghi với quá trình này, đảm bảo vừa giữ được bản sắc các vùng quê, vừa tiệm cận với quá trình phát triển đô thị.

Thái Nguyên dồn lực xóa nhà tạm, nhà dột nát

Phước Đông: Quyết tâm xây dựng thành công xã nông thôn mới kiểu mẫu

Quảng Trị: Đẩy mạnh huy động nguồn lực chăm lo cho người nghèo

Hợp tác xã Cam sành Sơn Nữ liên kết trồng, chăm sóc, tiêu thụ cam sành theo tiêu chuẩn hữu cơ cho người dân một số xã ở Hàm Yên. 

Sau thành phố, Hàm Yên cũng đang tập trung với mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới. Ông Đàm Ngọc Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hàm Yên cho biết, sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, Hàm Yên đã có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy vậy, khu vực nông thôn của huyện còn nhiều hạn chế: Phát triển thiếu quy hoạch, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu kém chưa đồng bộ; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và đổi mới cách thức sản xuất nông nghiệp còn chậm, phổ biến vẫn là sản xuất nhỏ lẻ, phân tán; năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng nhiều mặt hàng thấp; công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề phát triển chậm chưa thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động ở nông thôn. Thêm vào đó, tình trạng môi trường ngày càng ô nhiễm, năng lực thích ứng, đối phó với thiên tai còn nhiều hạn chế; đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn còn thấp; tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chênh lệch giàu nghèo giữa nông thôn và những vùng thị tứ, thị trấn, giữa các địa phương còn lớn.

Để đạt mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2025, Hàm Yên đã xây dựng Đề án “Xây dựng huyện Hàm Yên đạt chuẩn nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025”. Cùng với tập trung chỉ đạo các xã đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Hàm Yên tập trung triển khai thực hiện 9 tiêu chí huyện nông thôn mới. Đến nay đã đạt 4/9 tiêu chí huyện nông thôn mới là tiêu chí Quy hoạch, Thủy lợi, Sản xuất, Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, còn lại 5 tiêu chí đang triển khai thực hiện là  Giao thông, điện, Y tế - Văn hóa - Giáo dục, môi trường, công tác an ninh, trật tự xã hội. Giai đoạn 2021 - 2025, Hàm Yên tiếp tục lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ để nâng cấp 50,05 km đường huyện nhằm từng bước đồng bộ, hoàn chỉnh hệ thống mạng lưới giao thông trên địa bàn huyện; bên cạnh đó đầu tư xây dựng 1 bến xe và 2 trạm dừng nghỉ nhằm tạo sự đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Phấn đấu hết năm 2024, 100% số xã của Hàm Yên được sử dụng điện lưới quốc gia và đảm bảo chất lượng. Đồng thời xây dựng công trình xử lý nước thải của Cụm công nghiệp Tân Thành đạt tiêu chuẩn, quy hoạch và đầu tư xây dựng 2 bãi rác của huyện tại xã Thái Sơn, Minh Dân; thu hút đầu tư dự án Nhà máy xử lý rác thải tại xã Thái Sơn.

Xã Thái Sơn là một trong những xã quyết tâm hoàn thành về đích nông thôn mới năm 2021. Lợi thế của địa phương này là nằm dọc trục đường quốc lộ, tuy nhiên, để tiệm cận với quá trình phát triển đô thị, Thái Sơn đã cứng hóa 13,8/16,8 km đường trục xã, gần 17 km đường trục thôn, gần 15 km đường ngõ xóm và kiên cố hóa hơn 2 km đường nội đồng, hệ thống kênh mương được kiên cố hóa là gần 17 km. Xã đã quy hoạch vùng sản xuất tập trung, chuyên canh như: vùng trồng cam, chè theo tiêu chuẩn VietGAP; vùng sản xuất rau hữu cơ; vùng trồng cây gia vị, cây dược liệu; vùng chuyên canh mía; trang trại tổng hợp... Một trong những tiêu chí quan trọng mà không phải cứ có nguồn lực là giải quyết được, đó là tiêu chí môi trường. Thái Sơn đã thành lập 14 mô hình tự quản về bảo vệ môi trường, qua đó hướng dẫn các khu dân cư tổ chức nhiều hoạt động quét dọn, phát quang bụi rậm, cắt cỏ, trồng hoa, thu gom xử lý rác thải nhựa, làm sạch các đoạn đường khu dân cư và khuôn viên nhà văn hóa thôn.

Theo Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh, gắn kết xây dựng nông thôn mới với đô thị hóa và tái cơ cấu ngành nông nghiệp là chủ trương của Đảng và được các ngành, các địa phương đồng bộ các giải pháp thực hiện. Trong đó, giải pháp tập trung là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn sản xuất với thị trường để hình thành sự liên kết nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ và thị trường ngay trên địa bàn nông thôn.  

Phú Thịnh (Yên Sơn) sau nhiều năm hình thành vùng gỗ nguyên liệu, đã tiến tới trồng rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC để nâng cao chất lượng rừng, tăng thu nhập cho người nông dân. Đồng chí Phạm Ngọc Chung, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, cả xã đã có trên 400 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC. Các sản phẩm có chứng chỉ FSC có giá trị cao hơn so với giá thị trường từ 20 đến 30%, đây cũng được coi như tấm vé thông hành giúp thâm nhập thị trường tốt hơn. Hàng năm diện tích trồng rừng mới trên đất rừng sau khai thác ở Phú Thịnh đạt từ 60 ha đến 100 ha. Hướng tới sản xuất hàng hóa, liên kết chuỗi giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới, Phú Thịnh hiện đã xây dựng nhãn hiệu hàng hóa “Rượu men lá ATK” và liên kết với Hợp tác xã Chăn nuôi và Sản xuất giống gia cầm Minh Tâm (Sơn Dương) triển khai mô hình liên kết theo chuỗi giá trị trồng dưa leo, trên ruộng 1 vụ. Ngoài ra xã cũng mở rộng diện tích cây ăn quả có giá trị kinh tế như bưởi, nhãn, vải, thanh long... với diện tích hơn 31 ha, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Năm 2021, Tuyên Quang phấn đấu có thêm 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới gồm Thổ Bình, huyện Lâm Bình; Kiên Đài, Tân An huyện Chiêm Hóa; Tân Thành, Thái Hòa, huyện Hàm Yên; Tân Long, Phú Thịnh, huyện Yên Sơn; và Hợp Thành, Tú Thịnh, huyện Sơn Dương. Các giải pháp đầu tư hạ tầng cho kinh tế - văn hóa - xã hội, phát triển sản xuất sẽ góp phần thu hẹp khoảng cách chất lượng cuộc sống giữa nông thôn và thành thị, mở ra nhiều cơ hội khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế nông thôn.