Hàm Yên giảm nghèo để xây dựng nông thôn mới

(Mặt trận) - Để trở thành huyện nông thôn mới (NTM), Hàm Yên xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Vì vậy, thời gian qua, huyện đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ hiệu quả trong công tác giảm nghèo, giảm nghèo bền vững.

Lan tỏa Mô hình Khu dân cư kiểu mẫu

Hòa Bình: Xóa nhà dột nát giúp người nghèo ổn định cuộc sống

MTTQ các cấp huyện Châu Thành củng cố khối đại đoàn kết

Bà con thôn Nà Luộc, xã Phù Lưu phát triển cây chanh đem lại hiệu quả kinh tế cao giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo. 

Năm 2015, xã Minh Dân vẫn còn là một trong những xã có tỷ lệ hộ nghèo khá cao của huyện Hàm Yên với tỷ lệ 46%. Thế nhưng gần đây Minh Dân đã bứt phá vươn lên trở thành một trong 6 xã của huyện Hàm Yên hoàn thành NTM. Sau 5 năm thực hiện các giải pháp giảm nghèo quyết liệt, đến nay xã Minh Dân còn 9,6% hộ nghèo. Đây là thành quả đáng ghi nhận mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đã đạt được. Đồng chí Nguyễn Bá Lệ, Chủ tịch UBND xã Minh Dân cho biết, trong công tác giảm nghèo, điều quan trọng nhất là khơi dậy được ý chí vươn lên thoát nghèo của các hộ dân.

Chính vì vậy mà xã luôn tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội vận động, giúp đỡ các hộ nghèo tìm hướng thoát nghèo. Bà con nhân dân trong xã đã sử dụng nguồn vốn ưu đãi cho hộ nghèo chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Minh Dân đã vươn lên phát triển kinh tế từ việc trồng cây ăn quả. Đi dọc từ đầu đến cuối xã nơi nào cũng thấy sự trù phú với những vườn cam, vườn bưởi, vườn chanh. Gần đây, cây chanh được bà con trong xã trồng nhiều vì hiệu quả kinh tế rất cao. Nếu tính kỹ, mỗi một ha chanh ở đây cho thu nhập lên tới 300 đến 400 triệu đồng. Đến nay thu nhập bình quân đầu người toàn xã Minh Dân đạt 36 triệu đồng/người/năm.

Trong công tác giảm nghèo, bên cạnh việc thực hiện đầy đủ các chính sách của Đảng và Nhà nước hỗ trợ hộ nghèo như: chính sách tín dụng, y tế, xóa nhà ở tạm, chính sách lao động việc làm... thì Hàm Yên đã triển khai nhiều mô hình kinh tế, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển hàng hóa đã tạo cơ hội, động lực cho người dân vươn lên phát triển kinh tế, đồng thời thực hiện tốt các chính sách khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Tiêu biểu như: Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cam sành Hàm Yên theo tiêu chuẩn VietGAP liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm tại 13 xã vùng cam; Dự án Phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm Vịt bầu Minh Hương; Dự án Phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm cá lồng đặc sản xã Thái Hòa... Từ đó, tạo việc làm tại chỗ cho hàng trăm lao động trên địa bàn.

Xã Hùng Đức là một trong những địa phương có thế mạnh về phát triển kinh tế rừng. Tuy nhiên những năm trước đây Hùng Đức chưa thực sự phát huy thế mạnh về kinh tế rừng. Trước thực tế đó, huyện Hàm Yên, xã Hùng Đức đã tổ chức triển khai việc cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn FSC. Trong quá trình triển khai đã có trên 2.400 ha được người dân địa phương đăng ký thực hiện. Qua đó, giúp bà con nhân dân trong xã quan tâm hơn vào phát triển kinh tế rừng, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo của địa phương. Ông Bàn Văn Dưỡng, Trưởng thôn Cây Thông, xã Hùng Đức cho biết, thôn có 70 ha rừng đã được trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn FSC. Nhiều hộ gia đình phát triển kinh tế từ rừng đã thoát được nghèo. Năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo trong thôn chiếm đến 63% thì nay giảm còn 22%.

Giai đoạn 2016 - 2020, Hàm Yên đã vượt mục tiêu giảm nghèo và hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo. Theo đó, năm 2016 toàn huyện có gần 10 nghìn hộ nghèo, chiếm 33,44% thì đến năm 2020 giảm còn 3.747 hộ nghèo, chiếm 11,74%. Trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện Hàm Yên phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm từ 3% trở lên. Với mục tiêu đến năm 2025 Hàm Yên trở thành huyện NTM đầu tiên của tỉnh, thành quả này có sự đóng góp của công cuộc giảm nghèo của huyện trong những năm qua.