Hà Tĩnh: Chăm lo cho người nghèo bằng những việc làm thiết thực

(Mặt trận) - Để người nghèo có cuộc sống ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững, cả hệ thống chính trị huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) cùng xắn tay vào cuộc, chăm lo cho người nghèo với nhiều hoạt động thiết thực. Ngoài hỗ trợ xây dựng hàng trăm nhà Đại đoàn kết, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể huyện còn chú trọng tạo sinh kế, hỗ trợ giống cây, con, gây dựng các mô hình kinh tế để người nghèo phát triển sản xuất.

Niềm vui bên những căn nhà Đại đoàn kết ở huyện Châu Thành

MTTQ các cấp tỉnh Lâm Đồng xây dựng Khu dân cư hạnh phúc

Thành phố Hà Nội: Xây dựng khu dân cư an toàn, đáng sống

Năm 2022, huyện Kỳ Anh dự kiến sẽ hỗ trợ xây dựng từ 300 đến 500 nhà Đại đoàn kết cho các hộ khó khăn 

Kỳ Anh là huyện nghèo của Hà Tĩnh với 74% diện tích đất đai là đồi núi. Mảnh đất này thường xuyên gánh chịu cuồng nộ của thiên tai bão, lũ, thời tiết bất lợi. 2 năm qua, trong vòng xoáy của dịch Covid-19, cuộc sống người dân nơi đây, đặc biệt là người nghèo càng trở nên khó khăn hơn.

Với mục tiêu vực dậy cuộc sống cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách có hoàn cảnh khó khăn, đưa các hộ vượt qua hoàn cảnh, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể huyện Kỳ Anh tập trung thực hiện phong trào “Vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Ông Lê Mã Lương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Kỳ Anh cho biết: Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, để có nhiều nguồn lực hỗ trợ người nghèo, không chỉ MTTQ các cấp mà cả hệ thống chính trị trên địa bàn huyện cùng nỗ lực đổi mới cách thức kêu gọi, vận động, xây dựng Quỹ “Vì người nghèo”. Nhờ vậy, từ năm 2021 đến nay, hàng trăm hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ nhà Đại đoàn kết, sinh kế để vươn lên thoát nghèo.

Năm 2021, toàn huyện Kỳ Anh đã tiến hành khởi công xây dựng 179 nhà ở kiên cố cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách, bảo trợ xã hội… với tổng kinh phí 12,2 tỷ đồng. Không chỉ hỗ trợ tiền, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể huyện Kỳ Anh còn vận động anh em, dòng họ, con cháu và cộng đồng dân cư đóng góp tiền, ngày công, nguyên vật liệu… hỗ trợ các gia đình trong quá trình xây dựng nhà ở.

Qua rà soát, hiện nay có 577 hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn trên toàn huyện có nguyện vọng làm nhà ở. Trước sự cấp bách đó, huyện Kỳ Anh thành lập Ban chỉ đạo chuyên trách để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Theo kế hoạch của Ban chỉ đạo, đợt I năm 2022, huyện sẽ hỗ trợ xây dựng 200 nhà ở cho các đối tượng. Tùy vào hoàn cảnh của mỗi hộ sẽ hỗ trợ từ 70 - 80 triệu đồng.

“Đến thời điểm này, đã có nhiều tổ chức, đơn vị, nhà hảo tâm chung tay với huyện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn. Trong đó, Ngân hàng BIDV tài trợ 8 tỷ đồng, Ngân hàng VietinBank tài trợ 5 tỷ đồng và một số doanh nghiệp ủng hộ 2 tỷ đồng. Kế hoạch của huyện năm nay sẽ hỗ trợ xây dựng từ 300-500 nhà Đại đoàn kết cho các đối tượng” - ông Lương cho biết thêm.

Bên cạnh việc tập trung xây dựng, sửa chữa nhà ở, huyện còn chú trọng hỗ trợ sinh kế cho người nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn. Tùy vào đặc thù vùng miền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể ở đây có cách riêng để hỗ trợ, khuyến khích người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

Lâm Hợp là xã miền núi phía Tây của huyện Kỳ Anh, với lợi thế phát triển các mô hình lâm, nông kết hợp, địa phương đã hỗ trợ hàng trăm giống cây, con giống cho bà con. Bà Phạm Thúy Mùi - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Lâm Hợp cho biết: Ngoài việc hỗ trợ làm nhà ở (từ đầu năm đến nay đã khởi công xây dựng 15 nhà) chúng tôi còn chú tâm hỗ trợ các giống cây, con giống cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn.

Cụ thể, toàn xã Lâm Hợp đã có 26 hộ được hỗ trợ bò giống, 3 hộ được hỗ trợ 130 con gà giống, một hộ được giao 24 tổ ong giống và 2 hộ được hỗ trợ 100 con lợn. Ngoài ra, hàng nghìn cây giống như cam, bưởi, ổi, mít… cũng được phân phát cho bà con.

“Việc hỗ trợ xây dựng nhà ở và sinh kế như thế có ý nghĩa rất lớn đối với người nghèo. Từ những việc làm thiết thực này đã giúp người nghèo vượt qua hoàn cảnh, tạo động lực để người nghèo vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống” - bà Mùi nhấn mạnh.

Do bệnh hiểm nghèo, sức khỏe yếu, chị Nguyễn Thị Xuân (25 tuổi, trú thôn Tân Cầu, xã Lâm Hợp, huyện Kỳ Anh) chỉ có thể làm những công việc nhẹ nhàng. Thấu hiểu hoàn cảnh này, MTTQ xã Lâm Hợp hỗ trợ 1 triệu đồng để chị Xuân mua gà giống. “Sau khi nhận được hỗ trợ, tôi mua 50 con gà giống và thức ăn để chăn nuôi. Đến nay, gà phát triển tốt, tôi đã bán cả gà thịt, gà giống và trứng lấy tiền trang trải thêm cuộc sống” - chị Xuân bày tỏ.

Nhận được thông tin sẽ có 80 triệu đồng hỗ trợ làm nhà từ huyện Kỳ Anh, ngay từ đầu năm 2022, anh em, dòng họ, xóm giềng huy động, vay mượn thêm để xây căn nhà cấp 4 đảm bảo “3 cứng” cho 3 cha con anh Trương Văn Lai (trú thôn Đông Hà, xã Lâm Hợp) vào ở trước khi ngôi nhà cũ sập hoàn toàn.

“Vợ bỏ đi để lại 3 cha con sống trong căn nhà cũ kỹ của cha mẹ, giờ nhà đã xuống cấp nên khi nhận được tin sẽ có 80 triệu đồng hỗ trợ từ cấp trên, chúng tôi cố gắng xoay xở vay mượn thêm để xây nhà cho em. Nếu không có tiền hỗ trợ này, không biết khi nào 3 cha con Lai có nhà mà ở” - bà Phan Thị Huề (người thân của anh Lai) chia sẻ.