Hà Quảng nỗ lực thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát

(Mặt trận) -Thực hiện chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát, năm 2022, được sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án, sự ủng hộ của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng tập trung thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, gia đình chính sách. Giúp người nghèo “an cư, lạc nghiệp”, vươn lên ổn định cuộc sống.

Lan tỏa Mô hình Khu dân cư kiểu mẫu

Hòa Bình: Xóa nhà dột nát giúp người nghèo ổn định cuộc sống

MTTQ các cấp huyện Châu Thành củng cố khối đại đoàn kết

 Được sự hỗ trợ của Nhà nước, gia đình ông Vương Văn Tiến, xóm Nặm Nhũng, xã Lũng Nặm (Hà Quảng) xây dựng nhà ở khang trang.

Để triển khai hiệu quả công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân, xã Lũng Nặm chỉ đạo rà soát, thống kê, đánh giá thực trạng, tìm hiểu hoàn cảnh các hộ dân cần được xây dựng nhà ở mới để có kế hoạch ưu tiên hỗ trợ. Từ đó, lập danh sách trình lên các cấp có thẩm quyền huy động nguồn lực hỗ trợ.

Theo thống kê, hiện nay, Lũng Nặm có 196 hộ gia đình hoàn cảnh khó khăn đang sống trong những ngôi nhà tạm, nhà dột nát cần được hỗ trợ xây mới. Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Lũng Nặm Ngụy Văn Việt cho biết: Ngoài sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án, sự giúp đỡ của đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, xã tuyên truyền, vận động các hộ tự xóa nhà tạm, nhà dột nát. Đồng thời, vận động người dân tích cực đẩy mạnh phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa để nâng cao thu nhập. Năm 2022, xã xóa được 15 nhà tạm, nhà dột nát.

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Vương Văn Tiến, xóm Nặm Nhũng, xã Lũng Nặm khi gia đình đang hoàn thiện ngôi nhà xây gần 100 m2. Anh Tiến chia sẻ: Khi xã, xóm thông tin được Nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng để làm nhà, cùng với số tiền nhiều năm hai vợ chồng tích lũy được, vay mượn thêm bạn bè, anh em gia đình tôi quyết định xây dựng nhà mới khang trang hơn. Giờ có nhà mới gia đình tôi cố gắng làm việc để vươn lên thoát nghèo, chăm sóc con cái tốt hơn.

Xác định việc xóa nhà tạm, nhà dột nát là chương trình, nhiệm vụ có ý nghĩa nhằm củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đồng thời là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong công tác giảm nghèo, những năm qua, huyện tập trung tối đa các nguồn lực trong xã hội giúp đỡ các hộ hoàn cảnh khó khăn đảm bảo điều kiện về nhà ở. Với phương châm “công khai, minh bạch, rõ ràng”, cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức rà soát tình hình nhà ở của hộ nghèo, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng để tìm giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của bà con.

Thực hiện Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát giai đoạn 2021 - 2023, qua rà soát, tổng hợp, UBND huyện phê duyệt danh sách trình UBND tỉnh phê duyệt với tổng số 549 hộ thuộc diện hỗ trợ, trong đó, 367 hộ làm mới, 182 hộ sửa chữa. Trong quá trình thực hiện, UBND huyện tiếp tục rà soát 549 hộ, kết quả có 16 hộ không thực hiện được do không có khả năng đối ứng, 90 hộ được hỗ trợ từ các nguồn xã hội hóa khác (Quỹ “Vì người nghèo” 84 hộ, kinh phí tạm ứng 1 tỷ 680 triệu đồng; Hội Chữ thập đỏ 1 hộ, kinh phí 50 triệu đồng; Tập đoàn Viễn thông Quân đội 5 hộ, kinh phí 200 triệu đồng). Còn lại 443 hộ (298 hộ làm mới, 25 hộ sửa chữa từ 1 - 2 tiêu chí cứng, 120 hộ sửa chữa cả 3 tiêu chí cứng) chưa có nguồn kinh phí hỗ trợ.

Để hoàn thành kế hoạch xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo  giai đoạn 2021 - 2023, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện đã và đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo, kêu gọi các nguồn lực để hỗ trợ làm nhà, sửa nhà cho các hộ hoàn cảnh khó khăn, trong đó ưu tiên tập trung thực hiện các xã trong lộ trình về đích nông thôn mới. Ủy ban MTTQ huyện chỉ đạo mặt trận các địa phương và tổ chức chính trị - xã hội các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” các cấp, ủng hộ kinh phí, huy động ngày công để hỗ trợ, giúp đỡ làm nhà, sửa nhà cho các hộ nghèo. Đến hết năm 2022, toàn huyện xóa được 389/549 nhà tạm, nhà dột nát, đạt 70,85% kế hoạch.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Quảng Nguyễn Thị Phương cho biết: Quá trình thực hiện Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát, huyện luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo tỉnh, sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp, khơi dậy tinh thần “tương thân, tương ái”, đùm bọc lẫn nhau, giữ vững tình cảm gắn bó, đoàn kết trong nhân dân. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát theo đề án của tỉnh chưa kịp thời nên ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo tuyên truyền, vận động nhân dân triển khai thực hiện. Các hộ nghèo khó khăn về kinh phí đối ứng, nhiều hộ phải vay mượn thêm mới đủ khả năng thực hiện, một số hộ không thể thực hiện do không có khả năng đối ứng; địa hình một số nơi đi lại không thuận tiện; giá thành vật liệu xây dựng tăng, ảnh hưởng lớn đến quy mô, tiến độ xây dựng nhà ở cũng như việc lựa chọn vật liệu để làm nhà. Một số ít hộ gia đình còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa phát huy tinh thần tự lực, tự cường, huy động nội lực để tự làm nhà cho chính mình...

Để thực hiện tốt Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, bên cạnh các nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình giảm nghèo, nguồn xã hội hóa, huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân, huy động, đa dạng hóa nguồn lực để thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát. Chú trọng phối hợp giữa các tổ chức, ban, ngành, đoàn thể để thực hiện lồng ghép các nguồn kinh phí hỗ trợ cho các hộ nghèo hoàn thiện được ngôi nhà có quy mô, chất lượng, đảm bảo lâu dài. Vận động người dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, tích lũy để xây dựng nhà ở, từng bước tự xóa bỏ nhà tạm, nhà dột nát để ổn định cuộc sống lâu dài, góp phần hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

M.P