Hà Nội: Quyết liệt hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới

(Mặt trận) - Đến thời điểm hiện tại, thành phố Hà Nội đã có 368/382 xã (chiếm 96,3%) được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đối với 14 xã chưa về đích, thành phố và các địa phương đang tập trung quyết liệt tháo gỡ khó khăn, ưu tiên nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí để cuối năm 2021, Hà Nội hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở 100% số xã.

Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Bình Thuận phát huy vai trò trong xây dựng nông thôn mới

Yên Bái: 100% hộ dân bị thiệt hại về nhà do bão số 3 có nhà mới trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ

Khẳng định vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới

Xã Vân Hòa (huyện Ba Vì) đã đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới, đang trình thành phố Hà Nội ra quyết định công nhận. 

Vẫn còn tiêu chí chưa hoàn thành

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, đến hết năm 2020, Hà Nội còn 14 xã của hai huyện Ba Vì và Mỹ Đức chưa hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Thành phố đề ra mục tiêu tháng 6-2021 các địa phương phải hoàn thành tiêu chí để trình thành phố đánh giá, chấm điểm xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, tiến độ triển khai chậm, đến nay nhiều xã vẫn chưa hoàn thành.

Huyện Mỹ Đức hiện còn 5/21 xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới là: Bột Xuyên, Lê Thanh, Đồng Tâm, An Tiến và An Phú. Đơn cử, xã Bột Xuyên mới có 16/19 tiêu chí đạt, 2 tiêu chí cơ bản đạt, 1 tiêu chí chưa đạt. Cụ thể, theo yêu cầu, để đạt tiêu chí về trường học, địa phương phải có 3/3 trường đạt chuẩn quốc gia nhưng hiện mới có 1 trường trung học cơ sở đạt chuẩn; trường tiểu học đang sửa chữa, nâng cấp đạt 90% khối lượng xây lắp còn trường mầm non đang chờ bố trí nguồn vốn. Các xã chưa đạt của huyện Mỹ Đức cũng trong tình trạng tương tự, nhiều công trình vẫn chưa thi công hoặc tiến độ không đúng kế hoạch.

Huyện Ba Vì hiện còn 9/30 xã chưa được công nhận chuẩn nông thôn mới. Ngoài hai xã Vân Hòa và Ba Vì đã đủ điều kiện, đang trình Chủ tịch UBND thành phố ra quyết định công nhận, các xã Khánh Thượng, Tản Lĩnh, Vạn Thắng, Cam Thượng, Cẩm Lĩnh, Vật Lại, Đồng Thái vẫn loay hoay với một số tiêu chí chưa hoàn thành.

Bí thư Đảng ủy xã Vật Lại Đặng Tiến Hữu cho biết: “Khó nhất với địa phương là tiêu chí trường học. Trường Tiểu học Vật Lại cần được xây mới đạt chuẩn quốc gia. Địa phương đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chưa biết khi nào mới có thể triển khai thi công”. Đây cũng là khó khăn chung của các xã đang thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Ba Vì.

Dồn lực tháo gỡ khó khăn

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, thách thức với các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới chủ yếu là các tiêu chí về hạ tầng, cần nguồn kinh phí lớn. “Ba Vì và Mỹ Đức đều là các huyện khó khăn, nguồn ngân sách địa phương hạn hẹp, việc xã hội hóa trong xây dựng nông thôn mới hạn chế…”, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết.

Trước tình hình này, từ đầu năm, các huyện Ba Vì và Mỹ Đức đã triển khai nhiều giải pháp, ưu tiên nguồn lực cho các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới để sớm hoàn thiện tiêu chí. Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Lê Văn Trang cho hay, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các xã yêu cầu nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án đã được phê duyệt...

Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung, Thường trực Huyện ủy đã xây dựng kế hoạch chi tiết và tổ chức làm việc với các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới để tìm cách tháo gỡ, thúc đẩy các giải pháp thực hiện. Huyện Ba Vì cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ban chuyên môn và UBND các xã phấn đấu trong quý III có 3 xã và đến quý IV-2021 có thêm 4 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Hiện nay, các địa phương đang tập trung thực hiện giãn cách xã hội nhằm phòng, chống dịch Covid-19 nên một số công trình xây dựng hạ tầng đang phải tạm dừng thi công. Bí thư Đảng ủy xã Vật Lại (huyện Ba Vì) Đặng Tiến Hữu đề xuất: Với những công trình xây dựng trọng điểm của địa phương như trường học, đường giao thông..., nếu bảo đảm đủ điều kiện phòng, chống dịch bệnh, thành phố nên cho phép tiếp tục triển khai để bảo đảm tiến độ xây dựng nông thôn mới. Việc sớm hoàn thành những công trình này cũng sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.

Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới ở các xã chưa về đích, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” đã yêu cầu: “Các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị và địa phương chưa về đích nông thôn mới phải quyết liệt tập trung và dành nguồn lực đầu tư để bảo đảm hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới năm 2021”.

Tin tưởng, với sự vào cuộc quyết liệt cùng nhiều giải pháp của các địa phương, tiến độ hoàn thành các tiêu chí sẽ được đẩy nhanh, đáp ứng mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2021 thành phố Hà Nội đã đề ra.