Hà Nam: Để hàng Việt chiếm lĩnh thị trường

(Mặt trận) -Những mặt hàng “Made in Vietnam” ngày càng chiếm ưu thế tại hệ thống siêu thị, hay trong các cửa hàng tạp hóa trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Điều đó có được là nhờ việc triển khai sâu rộng Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tuy nhiên, để người tiêu dùng thực sự hiểu hết những giá trị mà hàng Việt mang lại, Ban Chỉ đạo CVĐ tỉnh Hà Nam đang tiếp tục đổi mới nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng.

Lâm Đồng: Đồng bào dân tộc thiểu số vui mừng đón Xuân trong nhà mới

Xuân ấm trong những ngôi nhà mới

Phù Yên chăm lo Tết cho hộ nghèo

 Sản phẩm hàng Việt được bày bán tại siêu thị trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

Điểm bán hàng Việt tại siêu thị Phú Hòa Mart, phường Hòa Mạc, thị xã Duy Tiên tuy mới đi vào hoạt động hơn nửa năm nhưng đã trở thành một địa điểm mua sắm được người dân địa phương tin cậy. Chị Nguyễn Thu Hà, phường Hòa Mạc chia sẻ: “Tôi thường hay lui tới mua sắm vì ở đây có nhiều hàng Việt. Sản phẩm tại đây rất đa dạng, phong phú, giá cả hợp lý nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Đặc biệt là có nhãn mác, xuất xứ nguồn gốc rõ ràng nên chúng tôi rất yên tâm”.

Thời gian qua mô hình “Điểm bán hàng Việt Nam” với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” do Ban Chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và Sở Công Thương Hà Nam triển khai đã hỗ trợ xây dựng 3 điểm bán hàng Việt tại các siêu thị trên địa bàn thành phố Phủ Lý, thị xã Duy Tiên và huyện Lý Nhân. Qua đó, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận hàng hóa phong phú, đa dạng, có chất lượng cao, sản xuất trong nước. Các thành viên Ban Chỉ đạo CVĐ đã tích cực đôn đốc các cơ quan, đơn vị mình rồi lồng ghép tuyên truyền CVĐ gắn với phong trào thi đua yêu nước của các địa phương, cơ quan, đơn vị; nhất là việc mua sắm, đầu tư công và phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên trong hưởng ứng CVĐ. Anh Đỗ Trọng Xuyến, Quản lý siêu thị Lan Chi, thị xã Duy Tiên cho biết, hiện nay hàng Việt Nam chiếm 80 - 90% tổng lượng hàng tại siêu thị. Giá cả nhập vào ổn định, ít có đột biến nên được người tiêu dùng rất tin tưởng.

Trong những năm qua, với vai trò là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, MTTQ tỉnh Hà Nam đã có nhiều đổi mới trong hoạt động. MTTQ các cấp đã tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng CVĐ, lồng ghép nội dung tuyên truyền thông qua các buổi tập huấn, hội nghị báo cáo viên, sinh hoạt chi bộ, chi hội, các tổ chức đoàn thể... Trong đó, tập trung tuyên truyền về tiêu chuẩn, chất lượng, giá cả các mặt hàng, sản phẩm do doanh nghiệp trong nước, trong tỉnh sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, ứng dụng những tiến bộ của công nghệ, MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội đã đẩy mạnh tuyên truyền qua các trang thông tin điện tử, trên các nhóm Zalo, Facebook... Ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp với Sở Công Thương thông tin về chủ chương, chính sách của Chính phủ, của tỉnh trên trang thông tin điện tử; sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh; hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm, hỗ trợ đăng ký mã số, mã vạch cho các sản phẩm nông sản; duy trì điểm bán hàng Việt; hỗ trợ thông tin kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh với các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Hà Nam là địa bàn có diện tích sản xuất nông nghiệp còn tương đối lớn, do đó, Ban Chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên hàng Việt Nam” còn chú trọng quảng bá các sản phẩm OCOP trên địa bàn đến người dân. Trong năm 2022, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã công bố và trao hỗ trợ 23 sản phẩm của 12 chủ thể sản xuất, đạt tiêu chuẩn OCOP.

Ông Ngô Mạnh Ngọc - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam cho biết, thông qua sản phẩm góp phần thúc đẩy công tác tuyên truyền, quảng bá và giới thiệu để các sản phẩm an toàn, các sản phẩm đặc sản cũng như các sản phẩm OCOP trên địa bàn của tỉnh, để người tiêu dùng nắm được thông tin về chất lượng, từ đó khuyến khích cho sản xuất phát triển. Với vai trò là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh, chúng tôi đã bình xét, đánh giá, lựa chọn sản phẩm OCOP cũng như triển khai các chương trình, kế hoạch xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm… Thông qua việc này chúng tôi thấy phần nào đã hỗ trợ cho cơ sở sản xuất cũng như thúc đẩy sản xuất của tỉnh phát triển.

Ngoài việc tăng cường thông tin tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa của CVĐ đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, Ban Chỉ đạo CVĐ còn phối hợp tổ chức hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm đưa hàng Việt về nông thôn, thu hút đông đảo người dân tham gia; tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất những sản phẩm đặc trưng, góp phần xây dựng thương hiệu hàng Việt. Sau hơn 10 năm triển khai CVĐ, đến nay tại nhiều cửa hàng, siêu thị, chợ, trung tâm thương mại các sản phẩm hàng hóa sản xuất trong tỉnh, trong nước chiếm tới 80% cơ cấu hàng hóa, được bán với giá cả hợp lý, phù hợp với thu nhập của người dân. Các doanh nghiệp cũng ngày càng ý thức tầm quan trọng của hàng Việt.

Ông Vũ Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Nam cho biết, để CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thật sự có sức lan tỏa sâu rộng, hiệu quả, thiết thực, thu hút được sự tham gia của các tổ chức, cá nhân, trong năm 2023, Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Nam tiếp tục tập trung vào nhiều nội dung trọng tâm. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực hưởng ứng CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tạo cho người tiêu dùng nhận thức đúng đắn về chất lượng, sản phẩm hàng hóa của Việt Nam, từ đó tạo thói quen của người tiêu dùng đối với hàng Việt...

Có thể thấy, CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã khẳng định được vai trò, ý nghĩa cũng như tính thực tiễn khi thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân. Dựa trên những lợi thế này, các cấp các ngành của địa phương sẽ tiếp tục làm tốt vai trò tuyên truyền vận động giúp thay đổi nhận thức, thói quen người tiêu dùng khi sử dụng hàng nội địa.

PHƯƠNG NGUYÊN