Hà Giang: xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc nâng cao tiêu chí thu nhập

(Mặt trận) - Hết năm 2020, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang chính thức “cán đích” Nông thôn mới (NTM). Hiện nay, xã đang tiếp tục triển khai, thực hiện nhiều giải pháp nhằm duy trì và nâng cao các tiêu chí, trong đó, tiêu chí số 10 về thu nhập được xã đặc biệt quan tâm.

Lâm Đồng: Đồng bào dân tộc thiểu số vui mừng đón Xuân trong nhà mới

Xuân ấm trong những ngôi nhà mới

Phù Yên chăm lo Tết cho hộ nghèo

Nuôi bò vỗ béo giúp chị Sùng Thị Pà (trái), thôn Pả Vi Hạ có nguồn thu nhập ổn định. 

Được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2020, đây là niềm tự hào nhưng cũng là thách thức lớn đối với xã Pả Vi, nhất là trong việc tiếp tục duy trì và nâng cao các tiêu chí đã đạt. Riêng đối với tiêu chí thu nhập, được xem là một trong các tiêu chí khó thực hiện, dễ bị biến động, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid – 19 hiện nay cũng như các vấn đề về hạn hán, thiên tai, dịch bệnh khó lường có thể xảy ra... Trước thực tế này, nhằm duy trì và nâng cao tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM, xã đang tập trung vào một số giải pháp như: Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, có giá trị cao của địa phương như chăn nuôi bò, lợn đen, ong; đồng thời chú trọng công tác xuất khẩu lao động, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch…, Chủ tịch UBND xã Pả Vi, Thào Minh Sơn cho biết.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, xã Pả Vi chú trọng phát triển chăn nuôi gia súc hàng hóa, coi đây là ngành kinh tế mũi nhọn. Hiện tại, xã đang duy trì và nhân rộng một số mô hình chăn nuôi có hiệu quả kinh tế cao, như: Mô hình nuôi bò vỗ béo thôn Pả Vi Hạ, Mã Pì Lèng, Há Súng; mô hình nuôi lợn thịt thôn Sà Lủng, Kho Tấu… Trưởng thôn Pả Vi Thượng, Sùng Mí Chá, cho biết: Những năm qua, sản xuất nông nghiệp của thôn chủ yếu là cây ngô nhưng còn nặng tính quảng canh thuần túy; chăn nuôi bò, dê được xác định là thế mạnh của thôn nhưng nguồn thức ăn lại chủ yếu là cỏ tự nhiên. Nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của thôn trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, thời gian qua, chính quyền thôn đã tăng cường vận động người dân phát triển đàn gia súc hàng hóa gắn với trồng các giống cỏ có năng suất cao. Đến nay, toàn thôn có gần 800 con gia súc và hơn 135 ha cỏ. Thời gian tới, thôn tiếp tục vận động người dân phát triển đàn gia súc, chuyển diện tích đất kém hiệu quả sang trồng cỏ; đồng thời đẩy mạnh công tác thụ tinh nhân tạo cho đàn gia súc, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong chăn nuôi.

Cùng với phát triển chăn nuôi, xã Pả Vi cũng đẩy mạnh phát triển du lịch nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Nhờ hội tụ nhiều phong cảnh đẹp, kỳ vĩ cùng nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông đã trở thành điểm mạnh để xã phát triển du lịch. Trong đó, Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông, thôn Pả Vi Hạ là điểm nhấn du lịch quan trọng của xã; hiện tại, có 26 hộ đang kinh doanh dịch vụ homestay. Năm 2020, làng văn hóa này đón hơn 37 nghìn lượt khách, doanh thu từ dịch vụ ăn uống và lưu trú đạt hơn 7,4 tỷ đồng. Hiện nay, UBND xã Pả Vi tiếp tục chỉ đạo Ban quản lý Làng Văn hóa tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, như: Tăng cường quản lý, duy tu bảo dưỡng, đầu tư mới các công trình hạ tầng; quản lý, điều hành và phát triển các dịch vụ du lịch gắn với khai thác và bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc; đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn thực phẩm…

Theo Chủ tịch UBND xã Pả Vi, Thào Minh Sơn: Tính hết năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 36 triệu đồng/năm; đến năm 2025, xã phấn đầu nâng mức thu nhập này lên 40 triệu đồng/người/năm. Để đạt chỉ tiêu này, xã đã xây dựng kế hoạch duy trì và nâng cao tiêu chí thu nhập. Trước mắt, tiếp tục đẩy mạnh phát triển Đề án nửa triệu con đại gia súc hàng hóa, thực hiện hiệu quả chương trình cải tạo vườn tạp; khuyến khích, vận động nhân dân đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh; phát triển du lịch theo hướng bền vững…