Hà Giang: Đưa hàng Việt đến người tiêu dùng nông thôn miền núi

(Mặt trận) - Đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, biên giới là một trong những hoạt động được các cấp, ngành của tỉnh Hà Giang chú trọng triển khai trong nhiều năm qua nhằm giúp người dân được sử dụng hàng hóa chất lượng, giá cả hợp lý, đồng thời giúp doanh nghiệp có thêm điều kiện tiếp cận và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, góp phần xây dựng văn hóa tiêu dùng hàng Việt trong nhân dân.

Lâm Đồng: Đồng bào dân tộc thiểu số vui mừng đón Xuân trong nhà mới

Xuân ấm trong những ngôi nhà mới

Phù Yên chăm lo Tết cho hộ nghèo

 Cán bộ Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Giang cung cấp thông tin để người tiêu dùng nhận biết các dấu hiệu hàng giả, hàng thật.

Thời gian qua, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Hà Giang được đẩy mạnh đến khắp các thôn, bản vùng sâu, xa trên địa bàn tỉnh. Tại các chợ truyền thống, cửa hàng bán lẻ, siêu thị từ trung tâm thành phố, thị trấn đến các xã, thôn, các mặt hàng sản xuất trong nước đã chiếm thị phần lớn. Cách trung tâm huyện Hoàng Su Phì 16 km, chợ phiên xã Nậm Dịch họp vào sáng Chủ nhật hàng tuần. Dạo một vòng quanh chợ, dễ dàng nhận thấy các sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước chiếm phần lớn, với đa dạng các mặt hàng từ lương thực, thực phẩm, quần áo, giày dép đến đồ điện tử, điện lạnh…

Anh Nguyễn Văn Hồng, thôn 10, xã Nậm Dịch cho biết: Gia đình tôi bán hàng ở chợ Nậm Dịch đã nhiều năm. Thời gian qua, cửa hàng nhập nhiều đồ dùng, thiết bị điện tử, điện lạnh do các doanh nghiệp trong nước sản xuất. Với ưu điểm là giá thành hợp lý, chất liệu tốt, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng nên khi khách hàng đến lựa chọn mua sắm, tôi luôn ưu tiên giới thiệu sản phẩm hàng Việt trước tiên. Dưới sự tuyên truyền của các cấp, ngành, những năm gần đây, người dân trong xã cũng ngày càng ưa chuộng và tích cực mua sắm, tiêu dùng các mặt hàng sản xuất trong nước.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hoàng Su Phì, Lù Văn Chung cho biết: Huyện đã thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Chỉ đạo MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến đoàn viên, hội viên và nhân dân về vai trò, ý nghĩa của Cuộc vận động đối với việc phát triển KT-XH. Phối hợp tổ chức hiệu quả các chương trình triển lãm, hội chợ, không gian trưng bày thu hút đông đảo người dân tham gia. Đẩy mạnh triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương tới các thị trường trong nước. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất trên địa bàn có môi trường kinh doanh thuận lợi, khuyến khích mở rộng quy mô sản xuất những sản phẩm đặc trưng, góp phần xây dựng thương hiệu hàng Việt.

Các ngành thành viên BCĐ tỉnh, BCĐ các huyện, thành phố đã bám sát quan điểm chỉ đạo của tỉnh, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Cuộc vận động dưới nhiều hình thức. Trong đó, Báo Hà Giang, Đài PT-TH tỉnh đã mở các chuyên trang, chuyên mục phản ánh hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, biên giới; việc khôi phục, phát triển các làng nghề của địa phương; phản ánh hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường trong việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý các vụ việc vi phạm liên quan đến hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng… Từ đầu năm đến nay, Cục Quản lý thị trường Hà Giang đã tổ chức tuyên truyền cho trên 3.000 lượt người; vận động được trên 450 cơ sở kinh doanh ký cam kết tuân thủ quy định của pháp luật về kinh doanh thương mại, không buôn bán, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Tổ chức trưng bày sản phẩm hàng thật, hàng giả tại thành phố Hà Giang, nhằm cung cấp thông tin, cách nhận biết để người tiêu dùng nhận diện được các dấu hiệu hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc... Từ đó nâng cao nhận thức trong việc mua các sản phẩm chính hãng, rõ nguồn gốc xuất xứ.

Cùng với đó, các ngành, địa phương cũng tăng cường triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, phân phối, tiêu thụ sản phẩm. Sở Công thương đã tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi; Sở Ngoại vụ xây dựng điểm trưng bày, bán các sản phẩm đặc trưng của tỉnh; huyện Đồng Văn xây dựng 6 điểm bán sản phẩm đặc trưng tại các điểm du lịch của huyện…

Đồng chí Triệu Quốc Lương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Giang cho biết: Thời gian qua, dưới sự quan tâm, lãnh, chỉ đạo sát sao của Thường trực, BTV Tỉnh ủy, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng được người tiêu dùng và doanh nghiệp trong tỉnh tích cực hưởng ứng. Hàng hóa sản xuất trong nước được bày bán tại các điểm kinh doanh, siêu thị, chợ truyền thống, cửa hàng bán lẻ chiếm tỷ lệ cao và được người tiêu dùng quan tâm, ưu tiên mua sắm. Trong đó, các sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng nhất là nhóm sản phẩm gia dụng, may mặc, lương thực, thực phẩm.

Thời gian tới, MTTQ tỉnh Hà Giang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng đối với hàng Việt Nam. Tăng cường phối hợp với các ngành thành viên BCĐ tỉnh đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, nhằm tạo lòng tin và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, phối hợp với các ngành liên quan thực hiện tốt việc hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi; xây dựng các điểm giới thiệu, bán sản phẩm đặc trưng của địa phương để người tiêu dùng lựa chọn…

Y.H - T.H