(Mặt trận) -Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp khiến đời sống người dân đảo lộn và gặp nhiều khó khăn. Với tinh thần giãn cách nhưng không xa cách, các ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể các cấp của tỉnh An Giang đã đồng loạt tổ chức nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả nhằm hỗ trợ người dân tốt nhất, cùng nhau vượt qua dịch bệnh.
|
Những phần quà thiết thực kịp thời đến tay người nghèo |
Từ ngày 13-7, lần lượt các “Cửa hàng 0 đồng” trên địa bàn huyện Thoại Sơn được mở cửa, nhiều người dân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn đến nhận quà hỗ trợ từ “Gian hàng 0 đồng” do MTTQ và các đoàn thể huyện Thoại Sơn tổ chức được huy động từ sự chung tay ủng hộ của các nhà hảo tâm. Địa phương tiến hành phát phiếu đến người nghèo, người mưu sinh gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 đến các “Gian hàng 0 đồng” nhận các thực phẩm, như: rau, củ, mì gói, trứng, gạo, nước tương, nước mắm… được các tình nguyện viên vào túi sẵn, mỗi người đến lấy một phần, tuân thủ thông điệp “5K” của Bộ Y tế.
Thị trấn Núi Sập có khoảng 260 hộ nghèo và cận nghèo, trung bình mỗi ngày “Gian hàng 0 đồng” phát khoảng 150 phần cho hộ nghèo, cận nghèo, người dân có hoàn cảnh khó khăn. Trong 2 ngày đầu thực hiện, gian hàng đã tiếp nhận ủng hộ của các nhà hảo tâm khoảng 100 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Lệ Dung (ngụ ấp Đông Sơn 1, thị trấn Núi Sập, tỉnh An Giang) bày tỏ niềm vui: “Nhờ có “Gian hàng 0 đồng” với đầy đủ rau, củ và nhu yếu phẩm cần thiết mà gia đình tôi đỡ lo cái ăn hàng ngày. Trong lúc dịch bệnh nguy hiểm, được chính quyền địa phương và các đoàn thể quan tâm hỗ trợ như thế này thật đáng quý”.
Thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, “Chuyến xe 0 đồng” đã thật sự phát huy vai trò. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vĩnh Phú Trần Thị Mân cho hay: “Bà con trong xã chấp hành tốt Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hạn chế ra đường. Mặc dù “Gian hàng 0 đồng” mở cửa đều đặn 2-3 lần/tuần phục vụ bà con nhưng chỉ những hộ ở gần UBND xã mới đến nhận. Các hộ nghèo, khó khăn còn lại của địa phương, chúng tôi hỗ trợ mang lương thực, thực phẩm đến từng nhà phát cho họ trên những “Chuyến xe 0 đồng”. Dù vất vả nhưng được góp công sức trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, ai nấy rất hăng say”.
Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch UBMTTQVN huyện Thoại Sơn Nguyễn Ngọc Thơ cho biết: “Việc thành lập các “Gian hàng 0 đồng” đã giúp các hộ nghèo, cận nghèo vượt qua khó khăn trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp. Đến thời điểm hiện nay, 17 “Gian hàng 0 đồng” của toàn huyện đã tiếp nhận sự ủng hộ của các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh hơn 1 tỷ đồng (gồm tiền và các nhu yếu phẩm) cần thiết. Thời gian tới, chúng tôi duy trì “Gian hàng 0 đồng” và “Chuyến xe 0 đồng” ở 17 xã, thị trấn để sẻ chia những khó khăn với các hộ nghèo, tiếp thêm niềm tin để người dân an tâm vượt qua dịch bệnh!”.
Với tinh thần “Tương thân tương ái”, Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo TP. Long Xuyên đã trao 15.350 trứng gà đến 10 phường, xã để hỗ trợ khó khăn cho 1.535 hộ sinh sống bằng nghề bán vé số trên địa bàn thành phố trong những ngày tạm nghỉ để phòng, chống dịch COVID-19. Tổng kinh phí hỗ trợ gần 46 triệu đồng, trong đó các nhà hảo tâm ủng hộ 13 triệu đồng, phần còn lại được trích từ nguồn quỹ hội.
Ngoài ra, hội trích kinh phí và vận động thêm nhiều nhu yếu phẩm cần thiết, khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn, gạo, trứng… hỗ trợ kịp thời cho người dân trong khu vực phong tỏa ở rạch Cái Dung (phường Mỹ Thạnh) và rạch Gòi Bé (phường Mỹ Thới); hỗ trợ nhiều phần quà thiết thực đến các lực lượng làm nhiệm vụ chốt chặn phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP. Long Xuyên. Những việc làm trên rất đáng trân trọng, vừa động viên, vừa tiếp thêm lửa để người dân vượt qua dịch bệnh.
Thời điểm này, có nhiều người không quản ngại khó khăn, gian khổ, ngày đêm "căng mình" thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19. Họ cùng với các tình nguyện viên thực hiện nhiệm vụ ở các chốt kiểm soát dịch, khu cách ly, đi từng ngõ, gõ từng nhà, truy vết… Đó là lý do để Tỉnh đoàn phối hợp Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh và Trường Cao đẳng Y tế An Giang tổ chức chương trình “Tập huấn kỹ năng cho thanh niên tình nguyện tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19” bằng hình thức trực tuyến, với sự tham gia của 150 tình nguyện viên trong các chốt phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, khiến mọi người giữ khoảng cách với nhau, dù vậy tình cảm người với người được thắt chặt bởi sợi dây vô hình “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Mọi người quan tâm nhau hơn, chia sẻ khó khăn cùng nhau, nhất là dành tình cảm, động viên, giúp đỡ những người làm công tác phòng, chống dịch COVID-19.
PHƯƠNG LAN