Giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số ở miền Trung

(Mặt trận) -Với sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ nghèo ở miền Trung đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo. Tuy vậy, vùng đặc thù này vẫn còn nhiều khó khăn bởi tác động của điều kiện địa hình và thiên tai khắc nghiệt hằng năm. Trong hoàn cảnh đó, việc lồng ghép các chương trình, đề án và huy động nhiều nguồn lực để giảm nghèo, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số sống bên mái Trường Sơn đang là một hướng đi hiệu quả.

Xuân ấm trong những ngôi nhà mới

Phù Yên chăm lo Tết cho hộ nghèo

Mang Tết đến với người nghèo huyện Tri Tôn

 Một góc bản Dộ-Tà Vờng, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình)

Với mục tiêu cùng đồng bào dân tộc thiểu số xóa đói, giảm nghèo, chính quyền các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Quảng Nam đã hỗ trợ xây dựng nhiều mô hình sinh kế giúp bà con có việc làm, tăng thu nhập, xây dựng bản làng văn hóa.

Đa dạng "cách" thoát nghèo

Ngân Thủy là xã miền núi của huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình có đông đồng bào dân tộc Vân Kiều sinh sống. Trước đây, nói đến Ngân Thủy, ai cũng nghĩ ngay đến một vùng đất nhiều khó khăn, giao thông cách trở. Thế nhưng bây giờ, Ngân Thủy đang là điểm sáng trong giảm nghèo của tỉnh Quảng Bình. Bí thư Ðảng ủy xã Ngân Thủy, Nguyễn Văn Hùng cho biết, công tác xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả cao là nhờ địa phương biết phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng đất. Từ khi có Ðoàn Kinh tế-quốc phòng 79 của Binh đoàn Tây Nguyên về đóng quân và khai thác đất trồng cây cao-su, nhiều con em của xã đã thành công nhân quốc phòng có tay nghề và biết nghĩ rộng để thoát nghèo. Kết cấu hạ tầng của xã nhờ thế được đầu tư hoàn chỉnh hơn. Xã vận động người dân trồng lúa nước, phục hồi giống nếp than bản địa, thực hiện các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Vụ đông xuân năm nay, lần đầu tiên xã miền núi này đạt sản lượng lúa gần 450 tấn, trong đó giống nếp than là nông sản đặc thù có giá bán cao. Có lúa nước để ổn định lương thực, đồng bào Vân Kiều ở Ngân Thủy phát triển thêm chăn nuôi gia súc dưới tán rừng, đào 23,5ha ao hồ nuôi cá và trồng rừng kinh tế. Ở Ngân Thủy đã xuất hiện nhiều tấm gương vượt khó thoát nghèo và vươn lên làm giàu, trong đó một số hộ là đồng bào Vân Kiều vốn trước đây chỉ quen với phương thức phát-đốt-cốt-trỉa. Ngân Thủy có nhiều hang, suối, đồng cỏ như thảo nguyên rất đẹp, là điểm đến của nhiều người yêu thích trải nghiệm, khám phá vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng. Ðồng bào Vân Kiều ở đây được doanh nghiệp hướng dẫn cách phục vụ du lịch, dịch vụ để có thêm nguồn thu, nên rất vui với nghề mới này.

Ði dọc quốc lộ 9, đường Trường Sơn lên huyện Ða Krông và Hướng Hóa ấn tượng đầu tiên với chúng tôi là mầu xanh bạt ngàn của những vườn chuối, vườn sắn trải dài trên các triền đồi; những vườn cà-phê, cao-su, tiêu xanh um; nhà cửa người dân mọc lên ngày càng nhiều và khang trang hơn. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã A Dơi, huyện Hướng Hóa, Hồ Xa Cách cho biết, lãnh đạo xã luôn trăn trở tìm hướng đi thích hợp nhằm khai thác tiềm năng để từng bước xóa đói, giảm nghèo cho người dân. Xã đã chú trọng phát triển diện tích cây sắn, cao-su, cây bời lời đỏ và trồng rừng kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhờ xác định hướng đi phù hợp, đến nay đời sống của người dân ở A Dơi có sự thay đổi đáng kể.

Ðồng chí Hồ Xa Cách nêu thí dụ về gương thoát nghèo ở xã là ông Hồ Văn Cơn, trú tại thôn Prin Thành. Trước đây, Hồ Văn Cơn là hộ nghèo được hỗ trợ lương thực thường xuyên. Từ khi xã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho hộ nghèo vay vốn và hướng dẫn cách làm ăn, ông Cơn mới cải tạo vườn để trồng cây bời lời đỏ và đến nay đã có thu hoạch. Gia đình còn trồng sắn, chuối, nuôi thêm đàn bò, mỗi năm, sau khi trừ chi phí, thu nhập gần 100 triệu đồng. "Từ hộ nghèo, nay gia đình ông Hồ Văn Cơn đã thành hộ khá và thành quả lao động ngày còn tăng thêm, hứa hẹn mang tới nguồn thu lớn hơn trong những năm tới"- đồng chí Hồ Xa Cách nói thêm.

So với hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị thì tỉnh Quảng Nam có đông đồng bào dân tộc thiểu số hơn, với hơn 140 nghìn người, chiếm 9,4% tổng dân số toàn tỉnh, gồm các dân tộc: Cơ Tu, Xơ Ðăng, Giẻ-Triêng, Co. Ðời sống nhân dân nơi đây còn nhiều khó khăn, hệ thống kết cấu hạ tầng còn tạm bợ. Do vậy, để phát triển kinh tế-xã hội ở khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Quảng Nam đã đề ra nhiều chính sách phát triển kinh tế vùng miền núi và thu được nhiều kết quả đáng kể. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh đầu tư hơn 9.350 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng và các mô hình kinh tế. Thông qua việc sắp xếp bố trí dân cư và phát triển sản xuất đã góp phần cải thiện kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, từng bước thay đổi phương thức sản xuất, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Nguyễn Văn Mé, người dân tộc Giẻ-Triêng ở thôn 1, xã Phước Ðức (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) chia sẻ, từ khi được Ngân hàng Chính sách cho vay 50 triệu đồng, địa phương hỗ trợ hơn 3.000 cây keo lai giống và 2 con lợn giống, ông đã đầu tư mở rộng sản xuất. Nhờ đó, từ hộ đặc biệt khó khăn của xã, gia đình ông Mé hiện có 2ha cây keo và gần 20 con lợn rừng lai. Dự tính, 2ha keo lai này sẽ cho thu nhập khoảng 120 triệu đồng. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phước Sơn, Lê Quang Trung cho biết, thời gian qua, huyện đã lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, mở rộng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thúc đẩy kinh tế miền núi phát triển bền vững.

 Trồng sâm Ngọc Linh tại xã Trà Linh, huyện Nam Trà My (Quảng Nam).

Thay đổi nhận thức, tăng cường nguồn lực

Cùng với những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo ở vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh miền trung vẫn còn những hạn chế, trong đó nổi cộm là đời sống phần lớn người dân vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Tại Quảng Bình, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 69,52% và tỉnh Quảng Trị là 69%.

Qua trao đổi, lãnh đạo Ban Dân tộc các địa phương đều có nhận xét: Ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có những khó khăn đặc thù, đó là, sinh sống dọc theo dãy Trường Sơn, nên địa hình dốc, ít đất sản xuất, đường giao thông khó khăn, nhất là vào mùa mưa lũ, ảnh hưởng trực tiếp đến việc tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Thứ hai là phong tục tập quán lạc hậu, ý thức tự vươn lên của một bộ phận người dân chưa cao; việc tiếp cận thông tin còn chậm, ứng dụng kỹ thuật mới vào công việc còn hạn chế. Thứ ba, thiên tai hằng năm ảnh hưởng nặng nề kết quả phát triển kinh tế-xã hội và kết quả giảm nghèo của từng địa phương. Vì thế cùng với việc tái nghèo, sau thiên tai còn phát sinh những hộ nghèo mới.

Ðể từng bước xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, các tỉnh miền trung đã có nhiều giải pháp sát, đúng với thực tiễn trên cơ sở lồng ghép, huy động các nguồn lực cho công tác này. Giữa tháng 5/2022, Tỉnh ủy Quảng Bình tổ chức hội nghị bàn giải pháp phát triển kinh tế-xã hội các xã biên giới, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, Vũ Ðại Thắng nhấn mạnh 7 nhiệm vụ cần tập trung thực hiện, trong đó đáng chú ý là tỉnh đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, phát huy thế mạnh của địa phương, phù hợp với văn hóa, tập quán từng dân tộc; hình thành và phát triển các vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao; nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, tạo sản phẩm đặc sản, giá trị cao.

Ðể làm được điều này, tỉnh Quảng Bình tập trung giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở cho người dân; đẩy nhanh việc hoàn thành các dự án định cư mới gắn với quy hoạch nông thôn mới; tạo sinh kế cho người dân sống gần rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, không gian sinh sống của đồng bào. Tỉnh ưu tiên nguồn lực nhà nước để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là đường giao thông, công trình thủy lợi, các thiết chế phục vụ sinh hoạt cho đồng bào.

Tương tự, tỉnh Quang Trị triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, trong đó dành sự ưu tiên kết nối các tuyến đường giao thông từ trung tâm xã đến thôn bản, tuyến đường liên kết với vùng sản xuất nông, lâm nghiệp; xây dựng và khai thác tốt các công trình nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người dân.

Theo Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam, Phan Việt Cường, địa phương này tập trung thực hiện tốt 5 nhóm dự án quan trọng. Ðó là bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển kinh tế rừng và lâm sản ngoài gỗ; tiếp tục tập trung thực hiện bố trí, sắp xếp dân cư, ổn định chỗ ở, sản xuất, phòng tránh thiên tai và biển đổi khí hậu gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới; đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tập trung đẩy mạnh việc chỉnh trang, cải tạo vườn tạp, rà soát và bố trí các loài cây ăn quả, cây công nghiệp có giá trị, chăn nuôi an toàn sinh học. Quảng Nam tăng cường bảo tồn, phát triển các ngành nghề truyền thống, gắn phát triển làng nghề với du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, du lịch vùng sâm, vùng dược liệu.

Xác định tín dụng chính sách xã hội là "đòn bẩy" để thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, nhất là ở vùng miền núi, giữa tháng 5 vừa qua, tỉnh Quảng Nam phối hợp Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo "Thực trạng, hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2021 và kế hoạch, giải pháp giai đoạn 2022-2025 tại khu vực miền núi các tỉnh miền trung và Tây Nguyên". Lãnh đạo các tỉnh trong khu vực dự hội thảo đã thống nhất cho rằng, tại miền núi, tín dụng chính sách xã hội đã làm thay đổi căn bản nhận thức của người dân, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã mạnh dạn vay vốn và làm ăn có hiệu quả. Các địa phương đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam hỗ trợ thêm nguồn vốn giúp hộ nghèo được vay vốn xây dựng nhà ở, vốn sản xuất, kinh doanh, có thu nhập ổn định để thoát nghèo.

T.L theo Báo Nhân dân