Giảm nghèo bền vững tạo động lực xây dựng nông thôn mới

(Mặt trận) -Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (GNBV) giai đoạn 2016-2020, tỉ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn 2,75% năm 2020, trung bình giảm 1,43%/năm. Tỉ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 4%/năm. Có hơn 8 triệu người thoát nghèo, cận nghèo. Chương trình không chỉ giúp giảm tỉ lệ nghèo, mà còn tạo động lực để nhiều địa phương vươn lên, hoàn thành xây dựng nông thôn mới (NTM).

Phú Thọ: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Thanh Hóa: Hỗ trợ người nghèo “an cư” đón tết

Mặt trận Tổ quốc huyện Cai Lậy huy động tốt nguồn lực chăm lo an sinh xã hội

 Đa dạng mô hình sinh kế phù hợp với điều kiện tự nhiên là chìa khóa giúp các xã khó khăn hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Tiên An là xã miền núi thuộc huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Toàn xã có 1.077 hộ/4.745 nhân khẩu, trong đó, 22 hộ với 90 nhân khẩu dân tộc Cor. Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Tiên An là xã đặc biệt khó khăn.

Từ đó đến nay, Đảng bộ, chính quyền xã Tiên An đã đẩy mạnh xã hội hóa công tác giảm nghèo, phát huy hiệu quả các nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác để phục vụ thực hiện công tác GNBV. Địa phương này tranh thủ nguồn lực đầu tư của Trung ương để xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển hệ thống giao thông, kiên cố hóa kênh mương, thủy lợi. Cùng với việc triển khai đầy đủ các chính sách về giảm nghèo, xã Tiên An còn phân công cán bộ, công chức giúp đỡ về tinh thần, vật chất để hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện thoát nghèo một cách bền vững.

Giai đoạn 2016-2020, xã Tiên An đã hỗ trợ phát triển sản xuất theo Chương trình 135 cho 152 hộ nghèo, cận nghèo và hộ vùng đồng bào dân tộc các loại cây, con giống. Đồng thời, khuyến khích, tạo thuận lợi cho người dân có nhu cầu phát triển kinh tế gia trại, trồng các loại cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao như cây măng cụt, sầu riêng, bưởi da xanh....

Nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo mạnh dạn đăng ký xây dựng mô hình kinh tế vườn, chăn nuôi đến nay đã vươn lên trở thành những hộ khá giả, thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/năm. Kết quả mà Tiên An đạt được là rất ấn tượng, tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6,22% vào cuối năm 2019 và đạt 19/19 tiêu chí NTM.

Một điển hình khác GNBV là xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Xã biên giới này có 17 dân tộc sinh sống với nhiều phong tục tập quán khác nhau, trong đó có dân tộc Brâu với dân số dưới 1.000 người. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia GNBV giai đoạn 2016-2020, UBND xã Pờ Y xây dựng kế hoạch về giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều. Công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiến hành kỹ lưỡng để làm cơ sở thực hiện các giải pháp giảm nghèo.

Quá trình thực hiện GNBV, xã Pờ Y tranh thủ các nguồn đồng thời phát huy nội lực, lao động sáng tạo để đạt được các chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, xã Pờ Y tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh đầu tư các công trình hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất và triển khai các chương trình giáo dục, y tế, vay vốn tạo việc làm, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo...

Theo UBND xã Pờ Y, qua 5 năm thực hiện, các chương trình, dự án đầu tư xây dựng, hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm... đã phát huy được hiệu quả rõ rệt. Cơ sở hạ tầng nông thôn cơ bản được kiên cố hóa. Đời sống nhân dân ổn định và từng bước được nâng lên. Năm 2020, tỉ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 3,26%. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 12 triệu đồng/ người/năm lên 39 triệu đồng vào năm 2020. Xã Pờ Y được công nhận xã đạt chuẩn NTM vào năm 2018.

Khu vực ven biển cũng ghi nhận những thành tựu rất ấn tượng từ Chương trình mục tiêu quốc gia GNBV. Tiêu biểu trong số đó là xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Xã Long Vĩnh có hơn 3.300 hộ với hơn 14.000 nhân khẩu, trong đó, đồng bào Khmer chiếm gần 30%. Năm 2017, Long Vĩnh vẫn là xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển. Vậy mà chỉ sau hơn 1 năm, từ xã nghèo, Long Vĩnh đã vươn lên thành xã NTM.

UBND xã Long Vĩnh cho biết, xác định giảm nghèo là mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội quan trọng hàng đầu, hằng năm, UBND, MTTQ xã và các đoàn thể, chi bộ các ấp đều xây dựng kế hoạch phân công đảng viên, hội viên giúp đỡ các hộ nghèo. Đến nay, mỗi đoàn thể có từ 3 đến 5 mô hình giảm nghèo có hiệu quả cho hội viên của mình.

Một công tác khác được xã Long Vĩnh tập trung thực hiện là phân loại hộ nghèo; xác định rõ nguyên nhân nghèo, nhu cầu của từng hộ, để có biện pháp giúp đỡ thiết thực. Cụ thể, đối với nhóm hộ nghèo, cận nghèo có quyết tâm vươn lên để thoát nghèo nhưng không có tay nghề, không có tư liệu sản xuất thì UBND xã tạo điều kiện học nghề, tạo việc làm mới; vận động tham gia xuất khẩu lao động... Nếu là những hộ thiếu vốn, thiếu kỹ thuật thì ưu tiên trợ giúp vốn sản xuất và nâng mức vốn đầu tư hợp lý, tập huấn kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất... Nếu là những hộ có người khuyết tật, bệnh đau, quá tuổi lao động thì thực hiện chính sách bảo trợ xã hội thường xuyên...

Long Vĩnh còn chú trọng tới việc hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình GNBV. Địa phương này đã hỗ trợ hơn 2,2 tỉ đồng cho 9 mô hình nuôi dê, nuôi cua, nuôi bò với 179 hộ nghèo tham gia. Đồng thời, triển khai các gói hỗ trợ hộ nghèo cải thiện vệ sinh môi trường, trợ giá con giống; duy trì giúp đỡ vốn sản xuất thông qua các “Quỹ vì người nghèo”, “Tổ tiết kiệm-tín dụng”...

Tính chung giai đoạn 2016-2020, Long Vĩnh đã giảm 779 hộ nghèo, tỉ lệ giảm bình quân hàng năm 4,71%. Hiện, địa phương này còn 93 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 2,78% (trong đó có 53 hộ nghèo dân tộc Khmer, chiếm tỷ lệ 1,85%). Các chương trình, chính sách GNBV được thực hiện đồng bộ và có hiệu quả đã góp phần rất lớn giúp Long Vĩnh được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2018.

Nguyễn Bích