Gia Lai: Vai trò của Mặt trận trong xây dựng đời sống mới

(Mặt trận) -Những năm qua, các cấp Mặt trận trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đưa các nội dung của Cuộc vận động (CVĐ) “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với đời sống các tầng lớp nhân dân. Qua đó, CVĐ đã khơi dậy, phát huy tinh thần tự nguyện, ý chí làm chủ của người dân nên đã tạo ra hiệu ứng tích cực và có sức lan tỏa rộng lớn trong xã hội.

Lan tỏa Mô hình Khu dân cư kiểu mẫu

Hòa Bình: Xóa nhà dột nát giúp người nghèo ổn định cuộc sống

MTTQ các cấp huyện Châu Thành củng cố khối đại đoàn kết

 Xã Tân An, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai chú trọng xây dựng đường giao thông nông thôn.

Xã Ia Rbol, thị xã Ayun Pa được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh chọn làm điểm triển khai thực hiện CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”. Ngay sau khi phát động, bà con nhân dân trong xã đã đồng tình hưởng ứng và tham gia tích cực. Có thể thấy chính bà con người Gia Lai sinh ra và lớn lên ở vùng đất này là những người cảm nhận rõ nhất sự đổi thay của quê hương mình. Ông Ksol Yan, buôn Krai, xã Ia Rbol cho biết, CVĐ như thổi luồng sinh khí mới cho bà con nhân dân trong làng. Địa phương vì thế cũng được khoác lên mình một diện mạo tươi trẻ, giàu bản sắc, hiện hữu qua từng nếp nhà, từng con đường làng khang trang, sạch đẹp.

Trên cơ sở 5 nội dung của CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, thị xã Ayun Pa đã phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc bằng việc linh hoạt triển khai các hoạt động, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, tiêu biểu như Tổ dân phố số 4, phường Sông Bờ, Thị xã Ayun Pa đã 5 năm liên tục được công nhận khu dân cư văn hóa. Tổ dân phố số 4 cũng được công nhận là hình mẫu xây dựng NTM, đô thị văn minh của tỉnh. Với phương châm lấy sự đồng thuận của nhân dân làm thước đo đánh giá sự thành công, nên mỗi một công trình nơi đây khi được xây dựng và hoàn thành đều ghi dấu ấn công sức của bà con.

Ông Nguyễn Văn Hận-Trưởng ban Công tác Mặt trận Tổ dân phố số 4, phường Sông Bờ cho biết, chúng tôi đã đi từng ngõ, gõ từng nhà quán triệt, vận động bà con có trách nhiệm để cùng thực hiện các nhiệm vụ chung. Trong đó, cũng lưu ý một số nhiệm vụ trọng tâm mà bà con cần đẩy mạnh thực hiện như đẩy mạnh các mô hình phát triển kinh tế, tham gia bảo tồn văn hóa dân tộc của người Ba Na. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ để củng cố thêm tình làng, nghĩa xóm, để mọi người trong Tổ đồng tâm hiệp lực, góp sức cùng thực hiện các nhiệm vụ chung. Chính tinh thần đoàn kết, cùng giúp nhau vươn lên trong cuộc sống mà Tổ dân phố số 4 đã duy trì được danh hiệu khu dân cư văn hóa suốt 5 năm liên tục.

Còn tại làng Kon Brung, xã Ayun, huyện Mang Yang có hơn 300 hộ, trong đó 100% là người dân tộc thiểu số (DTTS) Ba Na. Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành ngôi làng NTM kiểu mẫu của đồng bào DTTS theo Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai, bà con trong làng đã tích cực chung tay cùng với chính quyền địa phương triển khai nhiều nội dung hoạt động, trong đó chú trọng xây dựng đời sống văn hóa mới và nâng cao chất lượng tiêu chí về môi trường, tiêu chí thu nhập của người dân.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Văn Lẩm - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Ayun cho rằng, nhờ thực hiện tốt các tiêu chí của CVĐ mà đến nay đường làng ngõ xóm của bà con trong xã ngày càng khang trang, sạch đẹp. Hiện nay, nhà nào cũng có chuồng nuôi nhốt gia súc riêng và tránh xa nhà dân. Những khu vườn tạp được thay thế bằng màu xanh của rau, cây ăn trái. Đời sống kinh tế của bà con ngày càng được nâng cao với mức thu nhập bình quân đạt gần 32 triệu đồng/người/năm.

“Lúc đầu khi vận động bà con rất khó khăn nhưng nhờ uy tín của già làng cùng sự phối hợp nhịp nhàng của các Ban Công tác Mặt trận nên nhận thức của bà con dần thay đổi. Trong đó, chuyển biến rõ nhất chính là việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Hiện nay, tất cả các hộ gia đình trong xã đều có nhà vệ sinh, nhà tiêu hợp lý. Bên cạnh đó, cùng với suy nghĩ muốn buôn làng giàu đẹp trước tiên phải phát triển kinh tế gia đình nên ai lấy đều hăng say lao động, cùng nhau đoàn kết, chăm chỉ làm ăn. Trong các làng, xã đã hình thành nên các tổ, nhóm hỗ trợ nhau về vốn, kỹ thuật, ngày công phát triển sản xuất, nhờ đó đời sống vật chất và tinh thần của bà con ngày càng được nâng lên. Bà con sẵn sàng hiến tiền của, ngày công để địa phương xây dựng mở rộng đường làng, ngõ xóm cũng như xây dựng các công trình phúc lợi tại địa phương”, ông Lê Văn Lẩm chia sẻ.

Trên cơ sở những tiêu chí của Trung ương và của tỉnh đưa ra để làm khung áp dụng thì mỗi địa phương của tỉnh Gia Lai đã có những cách làm linh động riêng, phù hợp với thực tiễn cuộc sống tại địa phương mình. Để đánh giá khách quan, thực chất kết quả xây dựng NTM, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng NTM cấp huyện, cấp xã. Đến nay, toàn tỉnh đã có 3 đơn vị cấp huyện, 91 xã, 123 thôn, làng đạt chuẩn NTM. Trong đó 107 thôn, làng đồng bào DTTS và có 25/38 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Bà Phạm Thị Lan, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Gia Lai cho biết, giờ đây, khí thế xây dựng NTM như tràn về khắp các thôn, làng trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Đi tới đâu chúng tôi cũng nghe được những câu chuyện vui trong xây dựng NTM như bà con tự nguyện góp công, hiến đất, làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng rồi nhắc nhở nhau thi đua làm kinh tế, sản xuất cà phê, hồ tiêu, chăn nuôi bò, dê để vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Bên cạnh đó, để động viên bà con tích cực thi đua, xây dựng đời sống mới, hàng năm vào ngày 18/11, MTTQ các cấp trong tỉnh cũng tiến hành biểu dương, tôn vinh các gia đình cho nhiều đóng góp ở khu dân cư, những gia đình có sức lan tỏa và ảnh hưởng lớn trong cộng đồng để động viên bà con cùng nhau cố gắng vươn lên.

Những thôn, làng miền quê đáng sống, những đô thị văn minh luôn khiến bà con nhân dân tự hào. Điều đó có nghĩa NTM hay đô thị văn minh là quá trình chứ không phải là đích đến. Quá trình ấy đang dần đi đến thực chất đó là tinh thần làm chủ và sự hài lòng của người dân. Điều này đang được bà con nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Gia Lai thực hiện.

PHƯƠNG NGUYÊN