Gia Lai: Lan tỏa Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"

(Mặt trận) -Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai đã phát huy vai trò nòng cốt trong vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Lâm Đồng: Đồng bào dân tộc thiểu số vui mừng đón Xuân trong nhà mới

Xuân ấm trong những ngôi nhà mới

Phù Yên chăm lo Tết cho hộ nghèo

 Làm đường giao thông nông thôn ở thị xã An Khê

Những năm qua, diện mạo các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Gia Lai có nhiều khởi sắc. Đời sống người dân ngày càng được cải thiện. Nhân dân đẩy mạnh các hoạt động phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, tích cực tham gia các hoạt động thể dục thể thao, văn hóa-văn nghệ, nâng cao đời sống tinh thần. Tất cả những điều này có được là nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, đoàn kết, nhất trí của các tầng lớp Nhân dân trong triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh”.

Qua 5 năm triển khai cuộc vận động, cùng với các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, với vai trò chủ trì, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh Gia Lai đã phối hợp tuyên truyền, vận động, phát huy cao độ tinh thần tự nguyện, tự giác của người dân trong triển khai các tiêu chí của cuộc vận động.

Theo thống kê, trong giai đoạn 2016-2020, doanh nghiệp và người dân đã tham gia ủng hộ trên 328 tỷ đồng và hiến 132.963 m2 đất xây dựng các công trình; đóng góp 47.338 ngày công lao động làm nhà sinh hoạt cộng đồng, làm đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương nội đồng, làm vệ sinh đường làng, ngõ xóm… Quỹ “Vì người nghèo” các cấp đã vận động được trên 40 tỷ đồng để làm mới 718 căn nhà, sửa chữa 246 căn nhà “Đại đoàn kết” cho các hộ nghèo khó khăn về nhà ở; hỗ trợ vốn sản xuất cho hàng trăm hộ nghèo, khám-chữa bệnh cho người nghèo, giúp học sinh con hộ nghèo vượt khó học giỏi, chăm lo Tết cho người nghèo.

Thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13-2-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, Mặt trận các cấp đã huy động trên 145 tỷ đồng để xây dựng làng NTM. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 70/182 xã và 41 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn NTM; 25/38 phường, thị trấn đạt danh hiệu “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”.

Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh từ 19,71% (năm 2015) giảm còn 4,5% (cuối năm 2020); thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 52,54 triệu đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2015. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cũng được đầu tư ngày càng hoàn thiện. Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 79,26% tuyến đường trục thôn, làng và đường liên thôn, làng được cứng hóa, đảm bảo đi lại thuận tiện.  

Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều tiến bộ; quy mô mạng lưới giáo dục và đào tạo tiếp tục được đầu tư mở rộng và chuẩn hóa. Công tác y tế dự phòng được triển khai đồng bộ, toàn diện và có hiệu quả, đặc biệt là y tế cơ sở được củng cố và phát triển; đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn được khám-chữa bệnh miễn phí, cấp thẻ bảo hiểm y tế. Các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin truyền thông có nhiều tiến bộ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân.

Bên cạnh đó, MTTQ các cấp còn phối hợp với các tổ chức thành viên và ngành liên quan triển khai thực hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả phù hợp với từng khu dân cư và nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân; phát huy tinh thần tự giác, tự nguyện của người dân trên nhiều lĩnh vực. Tỷ lệ gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa năm sau cao hơn năm trước. Năm 2020, tỷ lệ gia đình đạt chuẩn văn hóa đạt 82%; tỷ lệ thôn, làng, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa đạt 82%.

Qua 5 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, cùng với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn đã thay đổi toàn diện, kinh tế-xã hội phát triển, cơ sở hạ tầng nông thôn được hoàn thiện; đặc biệt là người dân có ý thức hơn trong tham gia bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua từng năm, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

LÊ ĐẠI