Gắn kết, thúc đẩy người dân tham gia bảo vệ môi trường

(Mặt trận) -Những năm qua, tỉnh Hưng Yên đã triển khai xây dựng các mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư. Qua thực tế, những cách làm sáng tạo này đã góp phần gắn kết, thúc đẩy người dân tham gia bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp.

Lan tỏa Mô hình Khu dân cư kiểu mẫu

Hòa Bình: Xóa nhà dột nát giúp người nghèo ổn định cuộc sống

MTTQ các cấp huyện Châu Thành củng cố khối đại đoàn kết

 Mô hình “Tuyến đường không rác” tại xã Tân Hưng (TP Hưng Yên).

Từ năm 2022, mô hình “Tổ dân phố không rác” được triển khai thí điểm tại khu phố Kim Đằng, phường Lam Sơn. Sau thời gian ngắn, mô hình đã mang lại những hiệu ứng tích cực và là điểm sáng trong công tác bảo vệ môi trường của TP Hưng Yên.

Ngày nào cũng vậy, sau khi dọn dẹp nhà cửa, các chị em trong khu phố lại tham gia quét dọn tuyến đường, phân loại thu gom rác nhờ vậy cảnh quan môi trường luôn được giữ gìn phong quang sạch đẹp. Bà Nguyễn Thị Khánh - Chi hội trưởng Hội Phụ nữ khu phố Kim Đằng cho biết, sau thời gian ngắn triển khai xây dựng, mô hình đã được đông đảo người dân đồng thuận hưởng ứng. Không chỉ chịu trách nhiệm giữ gìn vệ sinh chung trước cửa nhà mình, mỗi hộ gia đình đều trang bị thùng để phân loại rác thải trước khi các tổ vệ sinh môi trường thu gom.

Sau 2 năm triển khai, mô hình “Tổ dân phố không rác, thôn, làng không rác” đã được xây dựng và nhân rộng ở 17 xã, phường trên địa bàn TP Hưng Yên. Các khu dân cư đã duy trì nền nếp thực hiện phong trào “Chiều thứ 6 vì TP Hưng Yên sạch - đẹp” và đưa tiêu chí này vào quy ước văn hóa của thôn, khu phố. Tại xã Tân Hưng mô hình “tuyến đường không rác” đã được duy trì tại 7 thôn trên địa bàn. Ở các khu dân cư, các Ban Công tác Mặt trận và các tổ chức đoàn thể như Hội Phụ nữ, Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên thường xuyên vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện phân loại rác, không thả rông gia súc, tổ chức thu gom, xử lý chất thải, nước thải trong sinh hoạt, chăn nuôi, thay đổi các thói quen sinh hoạt ảnh hưởng đến môi trường. Bên cạnh công tác tuyên truyền vận động, Ban Công tác Mặt trận chủ động phối hợp với chính quyền các thôn xây dựng kế hoạch dọn vệ sinh môi trường ở các khu dân cư, thống nhất chọn ngày thứ 6 hàng tuần để tiến hành thu gom, xử lý rác thải tồn đọng…

Cùng với mô hình “Tổ dân phố không rác, thôn, làng không rác”, đến nay trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã xuất hiện hàng loạt mô hình sáng tạo, hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường, như mô hình “Nhà sạch vườn đẹp, nhà sạch ngõ sạch”, “Đường thôn, xóm 3 sạch”, “Đoạn đường phụ nữ tự quản xanh, sạch, đẹp, mô hình “Hàng cây cựu chiến binh tự quản”. Bà Nguyễn Thị Kim Thúy - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hưng Yên khẳng định, qua triển khai thực hiện, các mô hình tự quản đã tạo nên phong trào thi đua sôi nổi trong các khu dân cư. Không chỉ góp phần thay đổi nhận thức, hành vi thói quen của người dân trong việc bảo vệ môi trường, các mô hình đã gắn kết, thúc đẩy người dân tích cực đóng góp vào quá trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Theo thống kê của Ủy ban MTTQ tỉnh Hưng Yên, hiện trên địa bàn tỉnh có trên 200 mô hình tự quản về bảo vệ môi trường ở khu dân cư với các tên gọi khác nhau như: Tổ tự quản về vệ sinh môi trường, câu lạc bộ bảo vệ môi trường, các tuyến đường tự quản về bảo vệ môi trường. Với những hiệu ứng tích cực đó, trên cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm từ thực tiễn, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hưng Yên sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn MTTQ các địa phương duy trì, nhân rộng hoạt động của các mô hình tự quản tại cộng đồng dân cư để từng bước nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, của cộng đồng trong việc tham gia bảo vệ môi trường.

Vũ Mạnh