Đồng Tháp: Mô hình Tổ Nhân dân tự quản tiếp tục phát huy hiệu quả

(Mặt trận) - Thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc, Công an, Hội Khuyến học các cấp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp thực hiện tốt nhiệm vụ do cấp ủy phân công, nhất là phối hợp với các ngành có liên quan trong việc hướng dẫn và hỗ trợ hoạt động của Tổ Nhân dân tự quản (NDTQ) về nội dung, phương pháp hoạt động, đặc biệt là vận động người dân nâng cao ý thức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Lan tỏa Mô hình Khu dân cư kiểu mẫu

Hòa Bình: Xóa nhà dột nát giúp người nghèo ổn định cuộc sống

MTTQ các cấp huyện Châu Thành củng cố khối đại đoàn kết

 Lãnh đạo tỉnh tham dự buổi biểu dương, khen thưởng Tổ Nhân dân tự quản số 3 thuộc ấp An Thọ,
xã An Phước, huyện Tân Hồng vì có thành tích xuất sắc trong phòng, chống dịch Covid-19 

Trong thời gian qua, xuất phát từ tình hình thực tế của từng địa bàn dân cư cũng như yêu cầu nhiệm vụ của xã, phường, thị trấn và ấp, khóm, các cấp ủy lãnh đạo khảo sát, phân tích, sơ kết rút kinh nghiệm thực tiễn hoạt động của Tổ NDTQ trên địa bàn. Đồng thời hướng dẫn, định hướng, xây dựng quy chế hoạt động, đề ra giải pháp nâng chất hoạt động các Tổ NDTQ yếu, trung bình, phát huy hiệu quả Tổ NDTQ khá, tiến hành củng cố, sáp nhập, chia tách phù hợp với quy mô của địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức sinh hoạt của các Tổ NDTQ.

Theo thống kê của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, tính đến cuối tháng 5/2021, toàn tỉnh có 12.478 Tổ NDTQ (giảm 109 tổ so với cuối năm 2019), với 438.116 hộ thành viên (tăng 10.098 hộ thành viên so với cuối năm 2019); quy mô Tổ NDTQ nhiều nhất là 127 hộ, còn ít nhất là 6 hộ. Qua đánh giá hoạt động của các địa phương, có 10.212 Tổ NDTQ hoạt động ổn định (chiếm 81,8%); có 2.266 Tổ NDTQ hoạt động còn khó khăn (chiếm 18,2%). Mặt trận Tổ quốc các cấp duy trì công tác phối hợp kiểm tra, hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc định hướng nâng cao chất lượng hoạt động Tổ NDTQ; triển khai có hiệu quả sổ tay tự quản trong việc ghi chép, theo dõi, quản lý điều hành của Tổ NDTQ; đơn giản hóa các mẫu biểu, quy chế hoạt động và nội dung cam kết của cộng đồng theo định kỳ để có hướng dẫn thống nhất chung. Một số Huyện ủy, Thành ủy chỉ đạo các chi bộ, đảng bộ, các xã, phường, thị trấn hỗ trợ kinh phí cho Tổ NDTQ theo tháng, quý hoặc năm để bảo đảm hoạt động cho Ban Quản lý Tổ NDTQ.

Ngoài ra, Tổ NDTQ phối hợp với các cơ quan có liên quan giáo dục các đối tượng vi phạm pháp luật và có dấu hiệu vi phạm pháp luật hòa nhập cộng đồng, trở thành công dân có ích cho xã hội; ký kết giao ước thi đua và thực hiện có hiệu quả nhiều nội dung tuyên truyền phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, phòng cháy, chữa cháy, tuyên truyền về an toàn giao thông và nhiều nội dung khác. Thường xuyên tổ chức diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến Nhân dân”, các thành viên của Tổ NDTQ đã cung cấp cho Công an các địa phương nhiều nguồn tin có giá trị, qua đó triệt xóa các tụ điểm về tệ nạn xã hội. Với phương châm hoạt động “Lấy sức dân, lo cho dân”, xuất phát từ tình hình thực tế của từng địa bàn dân cư, nhiều địa phương có cách làm hay, hiệu quả để đổi mới nội dung sinh hoạt các tổ. Chẳng hạn: huyện Cao Lãnh có Câu lạc bộ “Cà phê tự quản; mô hình “Ly trà đầu câu chuyện” ở phường An Lạc, TP Hồng Ngự; mô hình “Quỹ tiết kiệm mùa xuân” của Tổ NDTQ số 13, ấp An Phú, xã An Long, huyện Tam Nông...

Thông qua hoạt động của các Tổ NDTQ đã góp phần thay đổi cách nghĩ, thói quen sinh hoạt, phát huy vai trò làm chủ, thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng, phát huy vai trò tự chủ, tự quản về bảo vệ an ninh trật tự với phương châm “Tự quản, tự phòng, tự hòa giải”; phòng, chống học sinh, sinh viên bỏ học, thực hiện tốt công tác khuyến học, khuyến tài; cùng bàn bạc liên kết, hợp tác trong sản xuất góp phần nâng cao thu nhập cải thiện đời sống; tham gia thực hiện xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; xây dựng đời sống văn hóa tại địa bàn dân cư. Cụ thể: thực hiện cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đến cuối năm 2020 toàn tỉnh có 380.793 gia đình văn hóa (đạt 92,51%); kết quả xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh có 561 ấp văn hóa nông thôn mới (đạt 96,89%); 118 khóm văn minh đô thị (đạt 99,16%); 105 xã văn hóa nông thôn mới (đạt 89,74%); 26 phường, thị trấn văn minh đô thị (đạt 100%). Các Tổ NDTQ tham gia nhiều hoạt động an sinh xã hội: vận động xây dựng 410 căn nhà, xây dựng 35 cầu bê tông và 36km đường giao thông nông thôn, 70.165 suất quà hỗ trợ hộ nghèo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn... với tổng trị giá lên đến hàng chục tỷ đồng.

Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, trên địa bàn có 8.502/12.478 (đạt 68,2%) Tổ NDTQ tham gia thực hiện các hoạt động “Ngày đại đoàn kết vì cộng đồng” duy trì hoạt động thường xuyên hàng tuần, hàng tháng thu hút hơn 180.000 lượt người dân và cán bộ, đảng viên cư trú ở địa phương tham gia. Đồng thời thông qua các buổi sinh hoạt, người dân tích cực đóng góp, đề xuất, kiến nghị đối với một số nội dung liên quan đến chủ trương của Đảng, định hướng phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đặc biệt, các Tổ NDTQ đã phát huy tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao ý thức và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Kịp thời cung cấp thông tin nhanh, hỗ trợ truy vết các đối tượng đi hoặc về từ ngoài tỉnh (hoặc từ các vùng có dịch) đến địa phương; vận động ủng hộ kinh phí, đóng góp ngày công, tham gia hưởng ứng hoạt động may khẩu trang, ủng hộ nhu yếu phẩm hỗ trợ người dân gặp khó khăn và các cán bộ, chiến sĩ biên phòng trực các chốt bảo vệ biên giới phòng, chống dịch Covid-19, góp phần rất lớn vào công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.