(Mặt trận) -Mô hình Tổ Nhân dân tự quản là kênh tuyên truyền hữu hiệu nhất về những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương; là nơi tạo dựng lòng tin của dân đối với Đảng, cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân, thực sự đã trở thành những nhịp cầu kết nối ý Đảng với lòng dân.
Xác định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng đất nước ta, điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền và toàn xã hội, thắt chặt mối liên hệ máu thịt giữa Đảng với dân. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam các cấp trong tỉnh Đồng Tháp đã tham mưu với cấp ủy đảng cùng cấp lãnh đạo cả hệ thống chính trị thực hiện phong trào "Dân vận khéo" gắn với nhiệm vụ chính trị và cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, đồng thời hướng dẫn, triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” sâu rộng với các nội dung cụ thể, phong phú trên tất cả các lĩnh vực, tạo ra nhiều phong trào thiết thực, hiệu quả ở cơ sở, gắn với hoạt động của mô hình Tổ Nhân dân tự quản (NDTQ).
Để thực hiện có hiệu quả công tác “Dân vận khéo”, đòi hỏi chủ thể truyền đạt phải có kỹ năng về công tác tuyên truyền miệng. Bởi đây là một khâu quan trọng, trực tiếp nối liền Đảng, Nhà nước với nhân dân; là kênh thông tin chính thống, trực tiếp đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân; nắm bắt, phản ánh trung thực, kịp thời tư tưởng, tâm tư, nhu cầu, lợi ích, nguyện vọng của nhân dân; là một trong những kênh thông tin quan trọng nhất, là nhiệm vụ của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị, đóng vai trò quan trọng trong giáo dục, bồi đắp tư tưởng chính trị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, đồng thời là vũ khí sắc bén đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tạo nên sự thống nhất ý chí và hành động trong toàn xã hội; gắn truyền đạt với đối thoại, trao đổi, truyền tải trực tiếp những thông tin nội bộ cần thiết phục vụ công tác tư tưởng đối với tất cả các đối tượng ở mọi hoàn cảnh.
Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, tầm quan trọng của công tác “Dân vận khéo”, trong thời gian qua, MTTQ các cấp trong tỉnh Đồng Tháp đã phối hợp với các tổ chức thành viên MTTQ và các cơ quan có liên quan thực hiện có hiệu quả trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Trong đó, chú trọng đến việc hướng dẫn kỹ năng “Dân vận khéo” cho Ban quản lý các Tổ NDTQ thực hiện trong các buổi sinh hoạt của tổ ở cộng đồng dân cư và trong đời sống thường nhật của người dân.
Tổ NDTQ là "sản phẩm dùng chung" cho các ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa bàn dân cư, để chuyển tải các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của địa phương đến người dân thông qua sinh hoạt định kỳ và chuyên đề. Đây cũng là nơi nhân dân trao đổi, thảo luận, bàn bạc các công việc chung của cộng đồng, như: đoàn kết phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần, chăm sóc sức khoẻ, khuyến học, khuyến tài, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh... ở địa bàn dân cư.
Quán triệt chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tại Kết luận số 483-KL/TU ngày 04/8/2020 về hoạt động của Tổ NDTQ, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam Tỉnh, Ban thường vụ huyện uỷ, thành uỷ đã cụ thể hoá và triển khai thực hiện; tăng cường chỉ đạo cấp uỷ các cấp, trực tiếp là cấp cơ sở đối với tổ chức và hoạt động Tổ NDTQ trên địa bàn Tỉnh, kịp thời định hướng nội dung và phương thức hoạt động theo đúng tính chất là tổ chức của nhân dân.
Dưới sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của cấp uỷ các cấp, MTTQ, Công an, Hội Khuyến học phối hợp với các ngành có liên quan trong việc hướng dẫn và theo dõi hỗ trợ hoạt động của Tổ NDTQ; định hướng nội dung, phương pháp hoạt động không hành chính hoá; duy trì các hoạt động của Tổ NDTQ, gặp gỡ, tiếp xúc giữa cấp uỷ, các ngành với Ban quản lý Tổ NDTQ, giữa Ban quản lý với nhân dân theo hướng đơn giản, thiết thực; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để hoạt động có hiệu quả. Đến nay, đã củng cố và duy trì được 12.423 Tổ NDTQ (với 440.351 hộ thành viên; Tổ có quy mô đông nhất là 127 hộ, ít nhất là 06 hộ). Qua đánh giá, phân loại chất lượng hoạt động của các địa phương, hiện nay có 10.918 Tổ hoạt động ổn định, chiếm tỷ lệ 87,9%; có 1.505 Tổ hoạt động còn khó khăn, chiếm tỷ lệ 12,1%.
MTTQ các cấp duy trì công tác phối hợp kiểm tra, hướng dẫn, kịp thời định hướng nâng cao chất lượng hoạt động Tổ NDTQ. Quan tâm tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho các thành viên; đơn giản hoá các mẫu biểu, quy chế hoạt động và nội dung cam kết của cộng đồng theo định kỳ để có hướng dẫn thống nhất chung. Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam Tỉnh phối hợp soạn thảo, in ấn phát hành Sổ tay tự quản triển khai, hướng dẫn đến các Tổ NDTQ về phương thức, cách làm, kỹ năng tiếp nhận thông tin, nhận diện sự việc, chọn lọc có trọng tâm, trọng điểm, để chuyển tải nội dung sát hợp với quyền, lợi ích, nghĩa vụ của công dân; phương pháp theo dõi hoạt động, ghi chép, cập nhật, nắm bắt tình hình về những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chủ trương, quy định, các phong trào thi đua yêu nước của địa phương. Trên cơ sở biên soạn của MTTQ, chắc lọc từng nội dung, vấn đề ngắn gọn, cô đọng, súc tích nhưng vẫn bảo đảm đủ thông tin cần thiết để chuyển tải đến các thành viên trong tổ một cách nhanh nhất theo phương châm “dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện”. Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong Tỉnh thể hiện vai trò nòng cốt trong việc phối hợp tổ chức triển khai thực hiện, có sự phân công nhiệm vụ, nêu cao tinh thần trách nhiệm thúc đẩy mô hình hoạt động hiệu quả hơn, dấy lên phong trào thi đua yêu nước mạnh mẽ ở cộng đồng dân cư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, nâng cao đời sống dân trí, xây dựng xã hội lành mạnh, tiến bộ, văn minh, người dân tin tưởng, thấy được lợi ích thiết thân tích cực hưởng ứng, tự giác, chủ động tham gia; phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc đoàn kết gắn bó, chia sẻ, thương yêu đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau.
Một số nội dung mà Ban Quản lý tổ đã tổ chức triển khai được trong thời gian vừa qua như lịch xuống giống; vận động thành viên tổ chuyển đổi giống lúa chất lượng cao; liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tạo việc làm, giới thiệu việc làm; mô hình sản xuất tăng thu nhập; xây dựng gia đình văn hóa; đăng ký thực hiện mô hình cộng đồng an toàn vệ sinh thực phẩm; vận động Nhân dân thực hiện tuyến đường nông thôn mới toàn diện; treo cờ nhân các ngày lễ, Tết; tuyên truyền các thông tin về bảo vệ môi trường, về an ninh trật tự, tệ nạn xã hội; vận động khuyến học; công tác phòng, chống dịch Covid-19; các vấn đề Nhân dân quan tâm trên địa bàn...
Với phương châm hoạt động "lấy sức dân, lo cho dân" xuất phát từ tình hình thực tế của từng địa bàn dân cư, nhiều địa phương có cách làm hay, hiệu quả, đổi mới nội dung sinh hoạt. Điển hình như câu lạc bộ "Cà phê Tự quản" (huyện Cao Lãnh), mô hình "Ly trà đầu câu chuyện" (ở phường An Lạc, thành phố Hồng Ngự); mô hình "Quỹ tiết kiệm mùa xuân", "Tổ tiết kiệm trả tiền nền nhà trả chậm", "Tổ tiết kiệm mùa xuân" (huyện Tam Nông); mô hình "Khu dân cư an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ" (thành phố Sa Đéc), cùng nhiều mô hình thiết thực khác. Qua đó, thay đổi cách nghĩ, thói quen sinh hoạt, phát huy vai trò làm chủ, thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng, phát huy vai trò tự chủ, tự quản về bảo vệ an ninh trật tự với phương châm "Tự quản, tự phòng, tự hoà giải"; phòng, chống học sinh, sinh viên bỏ học, thực hiện tốt công tác khuyến học, khuyến tài; cùng bàn bạc liên kết, hợp tác trong sản xuất góp phần nâng cao thu nhập cải thiện đời sống; tham gia thực hiện xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; xây dựng đời sống văn hoá tại địa bàn dân cư.
Hàng năm, Tổ NDTQ phát huy tốt vai trò tự chủ, tự quản, nắm chắc địa bàn dân cư và tổ chức bình xét gia đình văn hoá bảo đảm thực chất, khách quan tạo được lòng tin của người dân, góp phần nâng cao chất lượng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá. Qua đó, Tổ NDTQ ngày càng khẳng định thêm vai trò, vị trí quan trọng trong việc tham gia quản trị cộng đồng dân cư, thể hiện tiêu biểu trên một số lĩnh vực: Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá: Cuối năm 2021, có 350.178 gia đình văn hoá, đạt tỷ lệ 93,31%. Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh: 519/522 ấp văn hoá nông thôn mới, đạt tỷ lệ 99,43%; 100/101 khóm văn minh đô thị, đạt tỷ lệ 99,01%; 101/104 xã văn hoá nông thôn mới, đạt tỷ lệ 97,12%; 21/21 phường, thị trấn văn minh đô thị, đạt tỷ lệ 100%; An ninh trật tư: Vận động các thành viên tham gia 49 lượt tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc; cung cấp 2.158 tin có giá trị phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, phòng, chống dịch Covid-19 cho cơ quan chức năng kịp thời xử lý, ngăn chặn nhất là tình hình an ninh trật tự; tham gia hoà giải 1.205 vụ, trong đó, hoà giải thành 1.012 vụ, đạt 84,32%. Tham gia các hoạt động an sinh xã hội: Đã vận động trên 72 tỷ đồng hỗ trợ hơn 20,5 tỷ đồng đến 30.615 lượt gia đình chính sách, đối tượng người có công với cách mạng cùng nhau vượt qua đại dịch Covid-19; hỗ trợ trao suất 150.800 suất quà, trị giá trên 50,7 tỷ đồng cho hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó; đã tiếp nhận 3.052 suất, tổng trị giá 2,076 tỷ đồng; vận động xây dựng, sửa chữa 52 cây cầu bê tông, hoàn thiện xây mới, sửa chữa trên 70 km đường giao thông nông thôn, 55 km đường "Thắp sáng đường quê"; xây dựng, sửa chữa 974 căn nhà đại đoàn kết, nhà nhân ái, nhà tình thương; tặng 32.500 phần quà, nhu yếu phẩm cho gia đình chính sách, nghèo, cận nghèo; tặng 5.200 suất học bổng, 730 xe đạp cho học sinh nghèo, khám bệnh cấp thuốc miễn phí 15.200 lượt người có hoàn cảnh khó khăn, với tổng trị giá trên 70 tỷ. Khuyến học, khuyến tài: có 356.902 gia đình học tập, tỷ lệ 85%; có 770 dòng họ học tập, tỷ lệ 71,23%; 679 cộng đồng học tập, tỷ lệ 97,28%; 923 đơn vị học tập, tỷ lệ 96,25%; vận động nuôi khoảng 22.660 con heo đất, ở hộ gia đình nuôi được 43.446 con với tổng số tiền thu được gần 26 tỷ đồng...
Thực hiện tinh thần chỉ đạo tại Công văn số 357-CV/TU ngày 19/7/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ đối với các Tổ NDTQ tình nguyện trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Các Tổ NDTQ đã phát huy tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và chấp hành tốt Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ; tuyên truyền, vận động các nguồn lực ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19; tích cực tham gia giám sát việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP..., góp phần bảo đảm việc hỗ trợ cho người dân được kịp thời, chính xác hơn. Đã phối hợp tham gia truy vết, theo dõi, quản lý người từ vùng dịch 16.640 trường hợp; tham gia giám sát người cách ly tập trung, tại nhà 44.040 trường hợp; yêu cầu khai báo y tế kịp thời 76.280 trường hợp; phát hiện 920 trường hợp có các dấu hiệu sốt, ho, khó thở; tuyên truyền chấp hành Chỉ thị 16/CT-TTg được 145.880 cuộc cho tổng số 1,5 triệu lượt người; thiết lập được 5.620 điểm "Vùng xanh".
Đặc biệt, thông qua hoạt động Tổ NDTQ đã hình thành nên phương thức họat động mới rất hiệu quả ở cộng đồng dân cư, đó là hoạt động “Ngày đại đoàn kết vì cộng đồng”. Toàn tỉnh đã có trên 8.500 Tổ NDTQ (đạt tỷ lệ trên 68%) tham gia thực hiện các hoạt động "Ngày đại đoàn kết vì cộng đồng" duy trì hoạt động thường xuyên hàng tuần, hàng tháng thu hút hơn 200.000 lượt người dân và cán bộ, đảng viên cư trú ở địa phương tham gia. Đây là kênh tuyên truyền phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư, nâng cao ý thức tự giác, tự nguyện, tự quản, tự chủ của các hộ dân trong bảo vệ môi trường “Sáng – xanh – sạch – đẹp – an toàn”, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và tạo môi trường ổn định, an toàn về an ninh trật tự trên địa bàn; tích cực thi đua lao động, sản xuất khơi dậy tiềm năng và khả năng tự chủ của Nhân dân trước các yêu cầu của xã hội đặt ra; tạo sự đồng thuận cao trong Nhân dân, lan tỏa sâu rộng trên địa bàn tỉnh, ngày càng nhiều Tổ NDTQ thực hiện hoạt động “Ngày đại đoàn kết vì cộng đồng” và thu hút đông đảo người dân ở khu dân cư tham gia. Đồng thời, cũng thông qua các buổi sinh hoạt, người dân tích cực đóng góp, đề xuất, kiến nghị đối với một số nội dung có liên quan đến chủ trương của Đảng, định hướng phát triển kinh tế - xã hội, tình hình an ninh, trật tự tại Tỉnh, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh.
Ngoài ra, còn phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền, giáo dục, cảm hóa các đối tượng vi phạm pháp luật đã chấp hành xong hình phạt được hoà nhập cộng đồng, các đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật trở thành công dân có ích cho xã hội; ký kết giao ước thi đua với nhiều nội dung tuyên truyền phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, phòng cháy, chữa cháy, tuyên truyền an toàn giao thông; thường xuyên tổ chức diễn đàn "Công an lắng nghe ý kiến nhân dân", qua đó, các thành viên đã cung cấp cho công an các địa phương nhiều nguồn tin có giá trị trong công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội.
Từ những hoạt động sinh động trên, nhằm kịp thời ghi nhận đóng góp của những tổ chức, cá nhân điển hình, năng động, sáng tạo trong hoạt động Tổ NDTQ và công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Tỉnh, UBND và Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã tặng hàng trăm Bằng khen, giấy khen cho Ban quản lý và thành viên Tổ NDTQ đã có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền, vận động thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, XDNTMĐTVM, đóng góp hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Tỉnh.
Hiệu ứng mang lại từ công tác “Dân vận khéo” được thể hiện rõ nét: Đây là tổ chức tự nguyện của Nhân dân, là nơi “sát dân, sát việc” nhất trong hệ thống chính trị hiện nay; nhằm phát huy cao nhất quyền làm chủ của Nhân dân; tính tự chủ, tự quản trong cộng đồng dân cư. Hiệu quả hoạt động của mô hình Tổ NDTQ đã tác động tích cực đến việc xây dựng tình làng nghĩa xóm, mọi người ứng xử thân thiện, hòa nhã, quan tâm gắn bó giúp đỡ, chia sẻ lẫn nhau kinh nghiệm làm ăn, những tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất và đời sống, góp sức cùng chính quyền giữ gìn, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giải quyết tốt các vấn đề phát sinh ngay tại khu dân cư. Thời gian qua, hoạt động của các Tổ NDTQ cho thấy rằng, việc triển khai mô hình này ở cộng đồng dân cư đã phát huy được những hiệu quả thiết thực, ý nghĩa, nhất là vận động nhân dân tham gia góp sức vì cuộc sống bình yên và nhận được sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân. Đây còn là kênh tuyên truyền hữu hiệu nhất về những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương. Đồng thời, khẳng định đây là nơi tập hợp quần chúng nhanh nhất, hiệu quả nhất để phổ biến các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến quần chúng nhân dân. Qua đó, phong trào thi đua yêu nước được phát động đến từng hộ gia đình, người dân hiểu rõ tầm quan trọng và hưởng ứng tích cực hơn, góp phần phát triển KT-XH ở địa phương; quyền dân chủ của công dân được phát huy và thể hiện rõ nét thông qua thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện cho nhân dân phát huy trách nhiệm công dân trong đóng góp xây dựng chính quyền, nắm bắt kịp thời những vấn đề bức xúc xã hội, kể cả việc dâng mưu, hiến kế cho Đảng, chính quyền nghiên cứu vận dụng đáp ứng nhu cầu đời sống xã hội; đã phát huy được sức mạnh tổng hợp giữa các ngành, công tác quản lý địa bàn chặt chẽ hơn, hộ gia đình đạt chuẩn an toàn về ANTT; văn hóa; hiếu học năm sau cao hơn năm trước; công việc sản xuất, chăm lo đời sống, xóa đói giảm nghèo được phát triển mạnh hơn, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương; là chỗ dựa vững chắc cho việc nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; là nơi tạo dựng lòng tin của Dân đối với Đảng, cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân. Xác định rõ nhiệm vụ, các Tổ NDTQ đã sáng tạo trong vận động, tập hợp nhân dân là thành viên của Tổ thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; đồng thời lắng nghe, chuyển tải nguyện vọng của nhân dân tới cấp ủy Đảng, chính quyền. Tổ NDTQ thực sự đã trở thành những nhịp cầu kết nối ý Đảng với lòng dân.
Đúc kết thực tiễn hoạt động của Tổ NDTQ thời gian qua, đã rút ra được một số kinh nghiệm như sau:
Một là, sự lãnh đạo của cấp uỷ, tổ chức đảng là nhân tố quyết định sự thành công trong việc hình thành về mặt tổ chức cũng như chất lượng hoạt động của Tổ NDTQ; xác định rõ về quan điểm và có sự nhất quán nhận thức trong hệ thống chính trị, đây không phải là mô hình của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội hay của ngành nào, cấp nào, mà đây là chủ trương thống nhất chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy phát huy quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân ở cơ sở, do đó tổ chức và hoạt động của Tổ NDTQ phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Cấp ủy các cấp, là nhiệm vụ của cả hệ thống chinh trị.
Hai là, xây dựng Quy chế hoạt động của Tổ phải cụ thể, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, sát với yêu cầu thực tế của địa bàn dân cư. Nội dung và hình thức hoạt động cần đa dạng do Ban Quản lý Tổ chủ động bàn bạc, thống nhất, triển khai trên cơ sở bám vào Quy chế hoạt động để phát huy sự đóng góp tích cực của cộng đồng dân cư, tránh hành chính hóa các hoạt động của Tổ; thường xuyên nâng cao chất lượng bộ máy quản lý Tổ NDTQ nhiệt tình, sáng tạo, uy tín, khoa học, được nhân dân tín nhiệm cao thì hoạt động sẽ có hiệu quả.
Ba là, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp chủ động tham mưu cấp uỷ về nội dung, giải pháp thực hiện và giữ vai trò nòng cốt trong định hướng hoạt động; sự lãnh đạo của các cấp uỷ bám sát yêu cầu thực tiễn ở cộng đồng đặt ra, tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động làm chuyển biến nhận thức nhân dân nhằm hướng đến mục tiêu "Tự nguyện, tự giác, tự chủ, tự quản", mọi hoạt động của Tổ NDTQ đều gắn với quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, góp phần thực hiện có hiệu quả các chương trình, nghị quyết, đề án trọng tâm của địa phương.
Bốn là, tổ chức tập huấn cho Ban quản lý Tổ NDTQ về nội dung, phương thức, kỹ năng tuyên truyền, điều hành, trọng tâm nhiệm vụ tổ chức thực hiện; kết hợp cung cấp thông tin, phổ biến kinh nghiệm, cách làm hay cho các tổ nghiên cứu vận dụng linh hoạt vào khu dân cư. Phải soạn thảo nội dung hướng dẫn một cách khoa học; xác định đối tượng truyền đạt, không lý luận về quan điểm; thông tin truyền đạt cho Ban quản lý tổ theo hướng dễ hiểu, dễ nắm vấn đề, dễ tổ chức triển khai thực hiện; người dân dễ tiếp thu, dễ nhớ, dễ làm.
Năm là, sự tham gia, hưởng ứng tích cực từ người dân, sẽ là yếu tố quan trọng làm cho hoạt động của các Tổ NDTQ ngày càng mang lại hiệu quả hơn. Vì vậy, cần linh hoạt từ định hướng nội dung, phương pháp theo dõi, duy trì các hoạt động của tổ đến chế độ gặp gỡ, tiếp xúc giữa Cấp ủy, các ngành với Ban Quản lý tổ, giữa Ban Quản lý tổ với nhân dân theo hướng đơn giản, thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức hoặc sơ cứng rập khuôn máy móc, nhằm góp phần nâng cao vai trò, tính tích cực, khơi dậy sức dân, chung tay xây dựng khu dân cư phát triển bền vững về mọi mặt, khắc phục tư tưởng trông chờ ỷ lại trong Nhân dân. Hoạt động Tổ NDTQ do MTTQ trực tiếp hướng dẫn về nội dung đã thật sự trở thành “cầu nối” giữa Đảng, Chính quyền, MTTQ với Nhân dân tại cơ sở.
Thực vậy, phát huy vai trò Tổ NDTQ trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” sẽ là yếu tố quan trọng góp phần thực hiện thành công các đề án lớn của tỉnh, Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ Tỉnh. Bởi, tất cả các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, kế hoạch của chính quyền địa phương triển khai thực hiện đạt được kết quả đều xuất phát từ dân, dân là chủ thể thực hiện tất cả những công việc trong đời sống xã hội; dân chính là những người sinh sống tại khu dân cư của các Tổ NDTQ.
Trần Thắng