Đồng Tháp: Chuyển biến tích cực và rõ nét trong công tác Bảo vệ môi trường

(Mặt trận) -Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét, đặc biệt, chỉ số Quản trị môi trường của tỉnh liên tục đứng đầu cả nước từ năm 2020 đến nay.

Phú Thọ: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Thanh Hóa: Hỗ trợ người nghèo “an cư” đón tết

Mặt trận Tổ quốc huyện Cai Lậy huy động tốt nguồn lực chăm lo an sinh xã hội

 Tích cực vận động các tổ chức, cá nhân cùng tham gia thực hiện tốt công tác BVMT, tạo cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp trên địa bàn

Đồng Tháp đang tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức đa dạng, thiết thực nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác BVMT trên địa bàn, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương.

Nhiều mô hình hay, sáng tạo

Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, triển khai hiệu quả các mô hình BVMT. Điển hình nhất là mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nhà của Hội LHPN huyện Tam Nông. Cụ thể, Hội LHPN xã An Hòa đã bố trí 2 thùng rác trong nhà dùng để chứa rác thải phân hủy và rác không phân hủy. Các loại rác thải không phân hủy có thể tái chế như túi ni-lông, chai nhựa, giấy,... sẽ thu gom, bán để gây quỹ, rác còn lại tập kết tại thùng rác trước nhà để xe chở đi tiêu hủy.

Tại xã An Long, Hội LHPN xã đã lập “Ngôi nhà tiết kiệm gắn kết yêu thương” để chứa các loại rác: lon, chai nhựa, túi ni-lông, giấy vụn... Hội thường xuyên vận động hội viên và người dân địa phương phân loại rác và mang đến tập trung vào Ngôi nhà này. Hằng tháng, số rác đó được Hội LHPN xã bán gây quỹ thực hiện các hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn.

Hiện tại, toàn huyện Tam Nông đã thành lập 107 Tổ phụ nữ “5 không, 3 sạch”, các cấp hội đã thực hiện trên 50 đoạn đường “3 sạch” với tổng chiều dài hơn 100km, ra quân trồng nhiều cây xanh trước nhà, trên các tuyến đường; phối hợp nhiều đợt ra quân phát tờ rơi tuyên truyền BVMT và vận động các hộ gia đình hội viên phụ nữ và cộng đồng dân cư thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, thu gom và xử lý rác, cam kết không vứt rác bừa bãi.

Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Tháp cũng đã triển khai nhiều đợt phát động chương trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả. Hàng nghìn thùng chứa đã được đặt trên các cánh đồng để người dân bỏ rác thải liên quan thuốc bảo vệ thực vật. Cách làm này đã giúp địa phương giảm thiểu tác hại của ô nhiễm rác thải nông nghiệp trên đồng ruộng và trong môi trường sống của người dân.

Ông Huỳnh Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Việc gìn giữ môi trường luôn được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Các cấp, các ngành trong tỉnh đã chủ động lồng ghép công tác BVMT trong việc xây dựng quy hoạch, chương trình hành động, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các quy hoạch, kế hoạch mang tầm chiến lược của địa phương.

Tạo chuyển biến tích cực

Theo Phó Chủ tịch Huỳnh Minh Tuấn, để tạo chuyển biến tích cực trong công tác BVMT, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp đã yêu cầu các cấp, các ngành, đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức đa dạng, thiết thực, phù hợp với đặc thù của từng địa phương, đơn vị; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài và là nghĩa vụ của mỗi người, mỗi cấp, mỗi cơ quan, đơn vị để xây dựng Đồng Tháp ngày càng “xanh - sạch - đẹp”.

Cùng với đó, tiếp tục đa dạng hóa các mô hình nhân dân tự quản trong công tác BVMT, sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội; thành lập nhóm, tổ, đội, câu lạc bộ để huy động, tập hợp nhân dân tham gia BVMT, thông qua mô hình, từng bước làm thay đổi nhận thức, điều chỉnh hành vi của cán bộ, đoàn viên, hội viên và người dân địa phương. Định kỳ, tổ chức đánh giá, lựa chọn mô hình hiệu quả, phù hợp để triển khai nhân rộng, tạo thành các phong trào ở các địa phương, đơn vị.

Đồng thời, có lộ trình giảm nhanh và tiến tới mục tiêu chấm dứt các hành vi xả rác thải sinh hoạt không đúng quy định của hộ gia đình, cá nhân tại khu đô thị, khu dân cư nông thôn. Rác thải nhựa trong nông nghiệp, sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng phải được thu gom và xử lý đúng quy định của pháp luật; các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải thực hiện cam kết không vi phạm pháp luật về BVMT trong quá trình hoạt động. Tổ chức vận động nhân dân tham gia vào các mô hình BVMT.

Để duy trì kết quả đạt được và phát huy những giải pháp mới, sáng tạo về BVMT, UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo Sở TN&MT thường xuyên tổng hợp, tổ chức sơ kết, đánh giá cụ thể các sáng kiến, mô hình, nhất là các mô hình về quản lý, phân loại, thu gom, xử lý chất thải, cải thiện chất lượng môi trường. Đồng thời, đẩy mạnh các phong trào BVMT, chống rác thải nhựa thiết thực gắn với lợi ích cộng đồng dân cư, duy trì thường xuyên các hoạt động tuyên truyền có hiệu quả, xây dựng thêm các mô hình điểm về BVMT và nhân rộng mô hình khi có điều kiện.

Ông Huỳnh Minh Tuấn cho biết: “Vừa sạch vừa góp phần giảm nghèo là mục tiêu của chúng tôi. Tới đây Đồng Tháp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng dân cư tham gia giám sát thực hiện các chính sách pháp luật về BVMT của các cơ quan Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp; vận động các tổ chức, cá nhân cùng tham gia thực hiện tốt công tác BVMT, tạo cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, giúp địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, đô thị văn minh; góp phần nâng cao đời sống của người dân nông thôn, đô thị”.

T.L