Đồng Nai: Những mô hình hay trong hoạt động khuyến học

(Mặt trận) -Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Bảo Quang (TP.Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) đã phối hợp cùng Hội Khuyến học (HKH) xã thực hiện mô hình Cộng đồng các dân tộc thiểu số (DTTS) tiếp bước các em đến trường và mô hình Các tôn giáo đồng hành cùng công tác khuyến học, khuyến tài hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn. Cách làm sáng tạo này bước đầu đã mang lại hiệu quả.

Thái Nguyên dồn lực xóa nhà tạm, nhà dột nát

Phước Đông: Quyết tâm xây dựng thành công xã nông thôn mới kiểu mẫu

Quảng Trị: Đẩy mạnh huy động nguồn lực chăm lo cho người nghèo

 Nhờ được tặng xe đạp nên em Lý Thanh Hương có thể tự đi học

Sự tham gia nhiệt tình của các chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong đồng bào các DTTS đã giúp các mô hình phát triển, huy động được đông đảo người dân tham gia công tác khuyến học, khuyến tài.

* Khi các già làng làm công tác khuyến học

Bảo Quang là xã thuần nông của TP.Long Khánh, có nhiều hộ dân là người DTTS sinh sống, chủ yếu thuộc các dân tộc: Chơro, Tày, Nùng, Hoa…; trong đó có nhiều học sinh người DTTS có hoàn cảnh khó khăn, cần được hỗ trợ.

Năm 2018, Ủy ban MTTQ xã Bảo Quang phối hợp cùng HKH xã thành lập mô hình Cộng đồng các DTTS tiếp bước các em đến trường. Mô hình hoạt động gồm 24 thành viên, bao gồm người có uy tín trong đồng bào DTTS, đại diện Ban chấp hành HKH xã và ban giám hiệu các trường học trên địa bàn. Ông Hoàng A Pẩu (dân tộc Hoa), Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Bàu Cối làm Tổ trưởng.

Năm học 2022-2023, mô hình Các tôn giáo đồng hành cùng công tác khuyến học, khuyến tài hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn đã tổ chức trao tặng gần 100 thẻ bảo hiểm y tế; tặng 3 xe đạp; gần 30 suất học bổng cho học sinh, sinh viên và hỗ trợ cho 4 giáo viên có hoàn cảnh khó trên địa bàn xã Bảo Quang với tổng số tiền 65 triệu đồng.

Ông Pẩu kể: “Ban đầu, chúng tôi tự tiết kiệm chi tiêu để đóng góp, rồi sau đó kêu gọi thêm gia đình, bạn bè, các mạnh thường quân đóng góp. Chương trình khuyến học này thường được tổ chức vào đầu năm học. Chúng tôi tặng xe đạp, dụng cụ học tập, thẻ bảo hiểm y tế và học bổng cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn… để phần nào san sẻ bớt gánh nặng cho gia đình các em. Ngoài ra, trong năm học, nếu thấy trường hợp nào đặc biệt khó khăn cần giúp đỡ thì chúng tôi trao học bổng cho các em. Bà con các DTTS thấy được ý nghĩa của chương trình nên hưởng ứng rất nhiệt tình”.

Tính đến nay, mô hình khuyến học này đã vận động được gần 80 triệu đồng để trao tặng 10 xe đạp; 55 suất học bổng; 17 thẻ bảo hiểm y tế và tặng nhiều phần quà tập viết, sách giáo khoa cho con em đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã. Riêng năm học 2022-2023, các thành viên đã trao tặng 27 suất học bổng (500 ngàn đồng/suất) cho học sinh, 6 suất học bổng cho sinh viên (1 triệu đồng/suất) và trao tặng 3 chiếc xe đạp với tổng trị giá gần 22 triệu đồng.

Em Lý Thanh Hương, học sinh lớp 6/4, Trường THCS Bảo Quang là một trong những học sinh được tặng xe đạp vào đầu năm học 2022-2023. Hương chia sẻ: “Cha em làm phụ hồ, mẹ làm công nhân ở ngoài TP.Long Khánh nên em phải tự đi học. Với chiếc xe đạp được tặng, em đi học thuận tiện hơn”.

* Các tôn giáo cùng nhau làm khuyến học

Các tôn giáo luôn là những lực lượng tham gia tích cực vào công tác khuyến học, khuyến tài và có nhiều đóng góp cho hoạt động này. Vì vậy, xã Bảo Quang đã xây dựng mô hình Các tôn giáo đồng hành cùng công tác khuyến học, khuyến tài hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn.

Mô hình đi vào hoạt động từ năm 2019, do Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Bảo Quang làm tổ trưởng. Các thành viên gồm có: đại diện HKH xã, Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp 5 và các chức sắc tôn giáo đại diện cho các cơ sở tôn giáo đóng trên địa bàn xã.

Từ năm 2019 đến nay, các thành viên mô hình đã đóng góp và vận động mạnh thường quân ủng hộ được trên 150 triệu đồng. Qua đó, tặng hơn 60 suất học bổng, hơn 150 thẻ bảo hiểm y tế, 10 xe đạp và nhiều dụng cụ học tập khác cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã; hỗ trợ 17 giáo viên có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 85 triệu đồng.

Đại đức Thích Hạnh Tín, Trụ trì chùa Huyền Trang (xã Bảo Quang), Phó trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.Long Khánh chia sẻ: “Các tôn giáo cùng nhau làm khuyến học là một mô hình hay. Nhờ có mô hình này, các chức sắc tôn giáo trên địa bàn xã có dịp gặp nhau nhiều hơn và hiểu nhau hơn. Chúng tôi không phân biệt tôn giáo, cùng đóng góp cho công tác khuyến học, khuyến tài, qua đó góp phần truyền thông điệp sống “Tốt đời, đẹp đạo” đến tín đồ các tôn giáo, tạo nên tinh thần đoàn kết trong cộng đồng. Khi các chức sắc tôn giáo cùng nhau làm việc thì sức lan tỏa trong cộng đồng sẽ càng mạnh mẽ hơn”.

Chủ tịch HKH TP.Long Khánh Đặng Dương Huệ cho biết, thực hiện xây dựng xã hội học tập, TP.Long Khánh đã có nhiều mô hình khuyến học ra đời và hoạt động hiệu quả. Ngoài 2 mô hình nêu trên, TP.Long Khánh còn có các mô hình như: Phụ nữ các tôn giáo đồng hành với công tác khuyến học (P.Xuân Bình); Những đồng tiền lẻ san sẻ ước mơ (đơn vị học tập P.Xuân Hòa); Nuôi heo đất khuyến học (P.Xuân Trung, P.Xuân Thanh, P.Bảo Vinh…); Hỗ trợ kinh phí hàng tháng cho sinh viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn (P.Suối Tre)…

“Các mô hình đã phát huy hiệu quả, giúp đỡ cho nhiều học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được tiếp bước đến trường; đồng thời, đóng góp cho sự phát triển của hoạt động khuyến học trên địa bàn thành phố. Chỉ tiêu của HKH TP.Long Khánh trong năm 2023 là xây dựng được quỹ khuyến học phát triển hơn, bình quân 55 ngàn đồng/người dân, chưa tính tiền nuôi heo đất khuyến học” - ông Huệ cho biết.

    Hải Yến