Đồng bào Khmer huyện Vĩnh Lợi hiến đất làm đường

(Mặt trận) -Vĩnh Lợi là một trong những địa phương có đông đồng bào Khmer với hơn 7,5% dân số của tỉnh Bạc Liêu. Thời gian qua, việc đồng bào Khmer hiến đất làm đường, xây trường học hay đóng góp kinh phí làm cầu nông thôn… đã không còn là chuyện hiếm ở huyện trọng điểm sản xuất lúa của Bạc Liêu.

Mặt trận Tổ quốc huyện Cai Lậy huy động tốt nguồn lực chăm lo an sinh xã hội

Bình Thuân: Lan tỏa yêu thương, chăm lo cho người nghèo

Hiệu quả từ Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo ở huyện Yên Sơn

 Người dân ấp Cái Giá (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) hiến đất mở rộng lộ nông thôn. Ảnh: C.L

Những công trình từ lòng dân

Những năm đầu chia tách tỉnh, nhắc đến các xã: Hưng Hội, Hưng Thành, Châu Hưng A… của huyện Vĩnh Lợi, ấn tượng đầu tiên của nhiều người sẽ là hình ảnh những căn nhà lá lụp xụp, những con đường lót đan tạm bợ. Tuyến đường chính đã vậy, các con đường khác dẫn về các xóm, ấp phần lớn chỉ là các lối mòn, người dân qua lại đông, nhiều đoạn xe máy phải chật vật mới có thể di chuyển, nhất là vào mùa mưa. Đời sống kinh tế lẫn y tế, giáo dục đều rất khó khăn.

Khi bắt tay vào thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM), nhờ phát huy vai trò của những người có uy tín trong đồng bào Khmer, công tác tuyên truyền, vận động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM được lan tỏa rộng khắp đến từng hộ dân. Tranh thủ sự đồng lòng của người dân, công tác XDNTM ở các xã nơi có đông bà con đồng bào Khmer sinh sống đã có bước ngoặt lớn.

Không chỉ tích cực ủng hộ, ông Sơn Bi (xã Hưng Hội) còn tham gia cùng với chính quyền địa phương vận động người thân xây cầu nông thôn. Ông Sơn Bi chia sẻ: “XDNTM cho quê hương cũng chính là nâng cao điều kiện sống cho chính bản thân và gia đình. Một con đường hay cây cầu được xây dựng nên sẽ giúp cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của gia đình dễ dàng hơn, từ đó kinh tế gia đình được nâng cao”. Với suy nghĩ đó, nhiều cây cầu, con đường bê-tông do sức đóng góp của người dân trong xã “mọc” lên ngày càng nhiều. Trường học, trạm y tế, nhà văn hóa ấp cũng được quan tâm đầu tư xây dựng khang trang.

Tại các ấp có đông đồng bào Khmer, cũng xuất hiện nhiều tấm gương Khmer điển hình chung tay cùng địa phương XDNTM với số tiền vận động, quyên góp lên tới vài tỷ đồng.

Quan tâm chăm lo đời sống

Đối với đồng bào dân tộc Khmer, nhà chùa có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của bà con. Trong công tác XDNTM, các nhà chùa đã chú trọng, quan tâm, vận động các phật tử cùng đồng hành. XDNTM đi đôi với các chính sách chăm lo, phát triển đời sống đồng bào dân tộc thiểu số đã giúp người dân thấy được lợi ích lâu dài. Có thể điển hình như Ban quản trị chùa Cái Giá giữa (chùa Soryaram) ở xã Hưng Hội. Trong các buổi sinh hoạt tôn giáo, Ban quản trị chùa Cái Giá giữa đã lồng ghép tích cực vận động phật tử tham gia xây dựng cảnh quan, phát triển kinh tế, đặc biệt là phong trào hiến đất xây mới, mở rộng lộ nông thôn.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận rằng, trong quá trình thực hiện, đâu đó vẫn còn vài hộ dân chưa hiểu hết ý nghĩa, mục đích của các công trình, phần việc trong XDNTM nên còn đòi “bồi thường, hỗ trợ” mới giao đất cho đơn vị thi công. Trước những ý kiến, kiến nghị này, chính quyền địa phương phối hợp với Ban dân chánh ấp, người có uy tín trong đồng bào xuống tận nhà để giải thích, làm rõ các khúc mắc trong lòng bà con. Từ đó, nhiều hộ đã vui vẻ giao đất mà không đòi quyền lợi.

Bên cạnh đó, bằng nhiều cách làm hay, sáng tạo như: thành lập các quỹ hùn vốn, cho vay xoay vòng, tổ hùn vốn mua bảo hiểm y tế, hỗ trợ cây - con giống, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, xây cất nhà cho những hộ còn gặp khó khăn về nhà ở, tạo điều kiện thuận lợi để các em nhỏ trong độ tuổi đều được đến trường…, tất cả những việc làm này đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho nhiều vùng nông thôn, nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống trên địa bàn huyện.

“Song song với việc thực hiện các nhiệm vụ trong XDNTM, huyện cũng đặc biệt quan tâm đến đời sống kinh tế, văn hóa của bà con Khmer trên địa bàn. Do vậy, huyện Vĩnh Lợi quyết tâm tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư cho vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống. Từ khi đời sống dần đi vào ổn định, bà con cũng rất nhiệt tình tham gia vào các hoạt động tại địa phương, góp phần hoàn thành các mục tiêu trong XDNTM”, ông Trần Minh Hải - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lợi, cho biết.

Khánh Linh