Đồng bào Công giáo Hưng Khánh chung sức xây dựng quê hương

(Mặt trận) -Thực hiện chủ trương của Đảng đưa đồng bào miền xuôi lên xây dựng kinh tế ở miền núi, năm 1974, bà con Công giáo ở tỉnh Nam Định lên xã Hưng Khánh huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái xây dựng kinh tế mới. Nay, với 2 họ giáo, gần 600 nhân khẩu, chiếm 8,5% dân số toàn xã, đồng bào Công giáo Hưng Khánh luôn đoàn kết, tích cực thi đua lao động sản xuất, góp sức xây dựng quê hương.

Phú Thọ: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Thanh Hóa: Hỗ trợ người nghèo “an cư” đón tết

Mặt trận Tổ quốc huyện Cai Lậy huy động tốt nguồn lực chăm lo an sinh xã hội

 Người dân đến giao dịch tại Quỹ tín dụng nhân dân xã Hưng Khánh.

Lên xã Hưng Khánh xây dựng kinh tế mới, những năm đầu, 25 hộ giáo dân tích cực khai hoang, lao động sản xuất để cuộc sống ngày càng trở nên sung túc. 

Ông Trần Văn Hùng - Chủ tịch Hội đồng Giáo xứ Mỹ Hưng chia sẻ: "Đồng bào Công giáo ở Hưng Khánh có cuộc sống ấm êm, sung túc, hạnh phúc là nhờ thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cụ thể, từ chủ trương chuyển đổi cơ cấu sản xuất, các chuỗi liên kết tiêu thụ chè, tre măng Bát độ, dâu tằm, các hợp tác xã, nhà máy, các loại hình dịch vụ phát triển nhanh, bền vững, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhà máy có người Công giáo tham gia lao động và làm chủ”. 

Đặc biệt, trong công tác xây dựng nông thôn mới, ngay từ những ngày đầu, các thôn nơi đông đảo đồng bào Công giáo sinh sống đã được quan tâm đầu tư làm đường bê tông, nhà văn hóa, hệ thống điện thắp sáng đường quê. Các gia đình giáo dân được hướng dẫn trồng các loại cây, con đem lại giá trị kinh tế cao, được động viên tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tại địa phương. 

Điểm sáng về những đóng góp của đồng bào Công giáo trong phát triển kinh tế, chính là sự góp sức của giáo dân trong xây dựng, điều hành, phát triển Quỹ tín dụng nhân dân xã Hưng Khánh. 

Ông Trần Văn Hùng - Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Hội đồng Giáo xứ Mỹ Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ tín dụng nhân dân Hưng Khánh cho biết: "Năm 1997, khi mới thành lập, Quỹ tín dụng nhân dân xã Hưng Khánh là mô hình chưa từng có trong tiền lệ, lần đầu tiên được xây dựng ở khu vực các xã phía Tây huyện Trấn Yên. Quỹ thống nhất tôn chỉ hoạt động vừa tương trợ về kinh tế cho bà con lương - giáo trong khu vực vừa chung tay cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện công tác an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau”. 

Hiện nay, vốn điều lệ của Quỹ hơn 10 tỷ đồng, tổng nguồn vốn 224 tỷ, tiền gửi 205 tỷ, dư nợ cho vay đạt 185 tỷ; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của Quỹ đạt trên 30%. Hàng năm, Quỹ đã cho hàng nghìn lượt hộ vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện giúp hàng trăm hộ thoát nghèo, nhiều hộ thu nhập từ vài trăm triệu đến 1 tỷ đồng/năm. 

Điển hình như ông Ngô Văn Dung ở thôn Tĩnh Hưng, xã Hưng Khánh vay vốn để kinh doanh dịch vụ và sản xuất hàng hóa, mỗi năm gia đình lãi trên 300 triệu đồng. Hay như hộ ông Vũ Văn Khiển, thôn Khe Lếch vay vốn để buôn bán vỏ quế mỗi năm lãi từ 200 - 300 triệu đồng… 

Ông Vũ Văn Khiển chia sẻ: "Nhờ được vay vốn ở Quỹ tín dụng nên công việc kinh doanh của tôi thuận lợi hơn nhiều”. Những nỗ lực của tập thể cán bộ, nhân viên Quỹ; trong đó, có sự góp sức không nhỏ của đồng bào Công giáo được cấp ủy, chính quyền huyện Trấn Yên ghi nhận, lựa chọn là mô hình điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh giai đoạn 2021 - 2023. 

Đồng chí Trần Văn Tam - Chủ tịch UBND xã Hưng Khánh đánh giá: "Đồng bào Công giáo trên địa bàn xã luôn phát huy truyền thống sống "tốt đời, đẹp đạo”, đoàn kết, gương mẫu trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là phong trào xây dựng nông thôn mới, góp phần đưa thôn Khe Năm và thôn Đát Quang - nơi có đông đảo bà con Công giáo sinh sống về đích nông thôn mới kiểu mẫu”. 

Từ những ngày đầu khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 30%, đến nay, trên 140 hộ của các giáo họ xã Hưng Khánh không còn hộ nghèo; số hộ có kinh tế khá giả chiếm tỷ lệ cao; trên 94% số hộ được công nhận là gia đình văn hóa. 

Ông Trần Quốc Hương ở thôn Khe Năm phấn khởi: "Chúng tôi nhận thấy mình thực sự là chủ thể là người được hưởng lợi, nên người dân tích cực tham gia vào quá trình xây dựng nông thôn mới. Chính vì thế, bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp hơn và thực sự là những vùng quê đáng sống”. 

Thời gian tới, đồng bào Công giáo xã Hưng Khánh tiếp tục thi đua phát triển kinh tế, làm giàu trên quê hương mình. Đồng bào Công giáo xã Hưng Khánh nguyện tiếp tục phát huy tinh thần "Mến Chúa yêu người”, lan tỏa các giá trị nhân văn, không ngừng khát vọng vươn lên, xây dựng quê hương Hưng Khánh nói riêng và huyện Trấn Yên nói chung ngày càng giàu mạnh. 

H.D