Đổi thay diện mạo nông thôn mới vùng cửa ngõ Tây Bắc

(Mặt trận) - Với sự vào cuộc quyết liệt, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã đạt nhiều kết quả toàn diện. Đến nay, diện mạo NTM vùng cửa ngõ Tây Bắc đã ngày càng khởi sắc, đời sống người dân không ngừng được nâng lên; tạo nền tảng vững chắc để Hòa Bình ngày càng phát triển, văn minh, giàu đẹp.

Phú Thọ: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Thanh Hóa: Hỗ trợ người nghèo “an cư” đón tết

Mặt trận Tổ quốc huyện Cai Lậy huy động tốt nguồn lực chăm lo an sinh xã hội

Người dân chung sức xây dựng nông thôn mới. Ảnh Đ. Hòa 

Chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương

Về thăm Yên Trị, huyện Yên Thủy - xã NTM kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh Hòa Bình, hình ảnh ấn tượng là một vùng quê no ấm với cơ sở hạ tầng khang trang, người dân phấn khởi thi đua sản xuất phát triển kinh tế, cùng nhau bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh đường làng ngõ xóm. Chủ tịch UBND xã Bùi Phi Diệp cho biết, chính quyền xã và Nhân dân đã thực hiện đồng bộ tiêu chí, vận dụng lồng ghép chương trình, dự án, cũng như thực hiện tốt nhiều cuộc vận động, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa theo phương châm dựa vào nội lực của cộng đồng dân cư là chính, có sự hỗ trợ một phần từ ngân sách nhà nước; đồng thời, khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tham gia. Việc xây dựng NTM phải bảo đảm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”. Đến nay, đời sống của người dân không ngừng được nâng cao, xã không còn hộ nghèo. Xã đang hướng đến mục tiêu thu hút các nhà đầu tư xây dựng điểm nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng gắn với dịch vụ chăm sóc sức khỏe bằng thảo dược, thuốc nam gia truyền…; phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đạt trên 75 triệu đồng/người/năm.

Tại xã Độc Lập, TP. Hòa Bình, thực hiện chủ trương đưa xã cán đích NTM trong năm 2023, Hội Nông dân xã đã cùng các ngành, đoàn thể tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên, nông dân tham gia xây dựng NTM. Thông qua các buổi tuyên truyền, vận động, hàng trăm hộ dân là cán bộ, hội viên, nông dân đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu đi đầu trong việc hiến hàng nghìn m2 đất làm đường giao thông và kênh mương. Phong trào hiến đất đã lan tỏa rộng khắp, qua đó góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện tiêu chí giao thông nông thôn trên địa bàn.

Từ năm 2016 đến nay, người dân xã Độc Lập đã hiến hơn 35.000m2 đất để làm đường giao thông và kênh mương. Trong đó, giai đoạn 2022 - 2023, hiến hơn 24.000m2. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Quế cho biết: Độc Lập có được sự đổi thay như hôm nay cũng nhờ sự đồng thuận của người dân trong quá trình xây dựng NTM. Để có được sự đồng thuận đó, xã đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó tập trung đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu rõ được mục đích, ý nghĩa của chương trình, qua đó đã tạo được sự hưởng ứng nhiệt tình của các tầng lớp Nhân dân.

Dồn sức cho chặng đường kế tiếp

Thực tế cho thấy, tỉnh Hòa Bình bước vào triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại do điểm xuất phát là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, địa hình phức tạp, trình độ dân trí không đồng đều. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã sát sao chỉ đạo thực hiện thường xuyên, tập trung cao và đặt lên hàng đầu đối với công tác tuyên truyền, vận động về xây dựng NTM, giúp cán bộ, Nhân dân có nhận thức đúng về chương trình và thay đổi nếp nghĩ, cách làm, dần khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, theo đó đã tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao. Cũng nhờ hệ thống hạ tầng nông thôn phát triển mạnh mẽ đã góp phần quan trọng thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 73/129 xã đạt chuẩn NTM (bằng 56,6%); bình quân tiêu chí NTM toàn tỉnh đạt 16 tiêu chí/xã; toàn tỉnh có 21 xã nông thôn mới nâng cao, một xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 60 khu dân cư kiểu mẫu, 174 vườn mẫu. Có 3 địa phương đã được công nhận đạt chuẩn NTM, gồm: TP. Hòa Bình (năm 2018), huyện Lương Sơn (năm 2019), huyện Lạc Thủy (năm 2020).

Nhằm giữ vững và phát huy thành quả đạt được, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò người đứng đầu; đưa ra mục tiêu xây dựng NTM phải trở thành nhiệm vụ chính trị trọng tâm của mỗi địa phương và các sở, ban, ngành. Đồng thời, tỉnh đã xây dựng kế hoạch, lộ trình phù hợp tiếp tục thực hiện xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, khu dân cư kiểu mẫu và vườn mẫu. Tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Từ nay đến cuối năm 2023, tỉnh Hòa Bình phấn đấu có thêm 6 xã đạt chuẩn NTM; chuẩn hóa từ 16 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt 3 sao trở lên. Cùng với đó, tiếp tục hoàn thành các công trình thiết yếu để đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống cư dân nông thôn (giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế...); thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn, tạo mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho Nhân dân.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nguyễn Huy Nhuận cho biết, để hoàn thành các chỉ tiêu trên, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tỉnh Hòa Bình sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách nhằm huy động nguồn lực, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn, phát triển sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp thu dung nhiều lao động nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn. Ngoài ra, tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm huy động các nguồn lực cho xây dựng NTM, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách cho các xã đặc biệt khó khăn, các xã đăng ký đạt chuẩn trong giai đoạn 2021 - 2025. Song song đó, từng bước chuyển đổi tư duy, nâng cao nhận thức, năng lực cho đội ngũ cán bộ, người dân nhằm phát huy tinh thần chủ động, tự nguyện, tự giác, phát huy nội lực, tham gia đóng góp tích cực cho chương trình xây dựng NTM.