Đổi mới toàn diện hoạt động, nâng cao chất lượng tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc

(Mặt trận) -Những năm qua, MTTQ TP Hà Nội đã làm tốt công tác đoàn kết nhân dân, toàn dân thống nhất mục tiêu xây dựng Thủ đô văn minh, văn hiến và hiện đại. Với chủ đề “Đoàn kết - Dân chủ - Trách nhiệm - Sáng tạo - Phát triển”, Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam TP Hà Nội khóa XVIII, nhiệm kỳ 2024-2029 sẽ tiếp tục xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc để từ đó, xây dựng Thủ đô ngày một giàu đẹp hơn.

Mang Tết đến với người nghèo huyện Tri Tôn

Niềm vui được đón Tết trong những ngôi nhà mới ở Quảng Trị

TP Đà Nẵng: Phát động chương trình Xóa nhà tạm, nhà dột nát” năm 2025

 Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cùng lãnh đạo thành phố Hà Nội dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc cấp thành phố. Ảnh: Quang Vinh.

“Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”

Hà Nội vào thu. Mùa thu cũng là dịp gắn liền với những sự kiện trọng đại của Thủ đô và đất nước, với mùa thu Cách mạng năm 1945, để rồi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời; mùa thu năm 1954, là ngày toàn dân náo nức đón chờ đoàn quân chiến thắng trở về Giải phóng Thủ đô, ngày 10/10 lịch sử. Và mùa thu năm nay, cũng là dịp thành phố tổ chức Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam TP Hà Nội lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2024-2029.

Nhìn lại 5 năm trước, không ai không ngạc nhiên khi diện mạo của Thủ đô mỗi ngày một đổi thay. Những con đường mới mở, những công trình lớn mọc lên định hình dáng vẻ một Thủ đô hiện đại. Trong khi đó, tại khu vực nông thôn, nông thôn mới len về mọi ngõ ngách của những xã vùng sâu, vùng xa với tiếng máy vang lên trên những cánh đồng, những nhà lưới, nhà màng ni-lông điển hình cho những phương thức canh tác hiện đại. Sức bật của Thủ đô thể hiện đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Và trong bất kỳ thành tựu nào, không thể không nói đến kết quả tất yếu của khối đoàn kết toàn dân, trong đó, Mặt trận đóng vai trò đoàn kết, tập hợp cả cộng đồng.

Nhiệm kỳ 2019-2024 diễn ra trong bối cảnh Thủ đô và đất nước đạt được nhiều thành tựu quan trọng sau quá trình hơn 30 năm đổi mới. Song vào năm thứ hai của nhiệm kỳ công tác, Hà Nội gặp thách thức lớn nhất trong những năm gần đây, đó là đại dịch Covid-19. Đại dịch khiến hàng loạt hoạt động của toàn xã hội bị đình trệ trong suốt gần hai năm, đồng thời, gây tổn hại to lớn về người và của. Nhưng trong bối cảnh ấy, công tác Mặt trận vẫn luôn có nhiều đổi mới và đạt được những kết quả quan trọng ở tất cả các mặt công tác.

Vấn đề trước tiên khi nói đến hoạt động của Mặt trận là mối quan hệ giữa Đảng với Mặt trận là mối quan hệ đặc biệt. Đảng vừa lãnh đạo đồng thời là thành viên của Mặt trận. Mặt trận hoạt động để đưa chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống. Ngược lại, Mặt trận phát huy vai trò của mình trong xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Nhiệm kỳ vừa qua để lại những dấu ấn nổi bật trong hoạt động xây dựng Đảng, chính quyền của hệ thống Mặt trận. Mặt trận các cấp chủ động phối hợp xây dựng quy chế, ký kết và triển khai thực hiện chương trình phối hợp công tác giữa Mặt trận với HĐND, UBND, các ngành, đoàn thể. Đồng thời, phát huy dân chủ, tham gia giám sát, phản biện xã hội, tham gia đóng góp ý kiến để xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; phối hợp tổ chức tốt các cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân.

Bên cạnh đó, gắn với yêu cầu, nhiệm vụ và bám sát tình hình thực tiễn trong từng giai đoạn, Mặt trận các cấp thành phố đã chủ động lựa chọn những nội dung có trọng tâm, trọng điểm, những vấn đề mà nhân dân quan tâm, kiến nghị để giám sát như: cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, công tác phòng, chống dịch Covid-19, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19; quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo trên địa bàn thành phố Hà Nội; công tác đền bù giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô… Nhờ đó, các cuộc giám sát, phản biện xã hội tăng cường cả chất lượng và số lượng.

Các hoạt động an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, đối tượng chính sách xã hội, chăm lo cho đoàn viên, hội viên được triển khai ngày càng bài bản, hiệu quả. Mặt trận vừa vận động các nguồn lực ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” các cấp vừa hướng dẫn, kết nối để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm trực tiếp triển khai giúp đỡ cho người nghèo và các địa phương; chủ trì hiệp thương để mỗi đoàn thể chính trị - xã hội nhận giúp đỡ các hộ gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững theo địa chỉ cụ thể.

Trong nhiệm kỳ, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp thành phố đã vận động được trên 313 tỷ đồng. Toàn thành phố trích trên 315 tỷ đồng hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn xây dựng và sửa chữa 4.578 nhà đại đoàn kết, hỗ trợ 25.546 học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được đi học. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của thành phố xuống còn 0,03%, hộ cận nghèo còn 0,7%. Trước những yêu cầu, nhiệm vụ phát sinh từ thực tiễn, Mặt trận các cấp đã nhanh chóng, kịp thời ra lời kêu gọi, tập hợp sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”, tham gia ủng hộ Quỹ Cứu trợ vào từng thời điểm cụ thể, được các tầng lớp nhân dân, các tôn giáo, đồng bào các dân tộc và người Việt Nam ở nước ngoài đồng tình hưởng ứng, tạo thành phong trào rộng lớn và có hiệu quả thiết thực...

Ích nước, lợi dân, linh hoạt, hiệu quả, thích ứng với tình hình mới

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương, Đại hội MTTQ Việt Nam TP Hà Nội lần thứ XVIII đặt ra mục tiêu tổng quát đó là: Tiếp tục xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động, kịp thời tổng hợp và định hướng dư luận xã hội theo quan điểm của Đảng. Bên cạnh đó, thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tăng cường dân chủ, đẩy mạnh giám sát và phản biện xã hội, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; tăng cường đồng thuận, phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại, góp phần giữ vững hòa bình, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì dân giàu, nước mạnh, công bằng, văn minh.

“Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam TP Hà Nội khóa XVIII, nhiệm kỳ 2024-2029 cũng đề ra 10 chỉ tiêu cụ thể và 3 khâu đột phá đó là: Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam các cấp thành phố theo hướng ích nước, lợi dân, linh hoạt, hiệu quả, thích ứng với tình hình mới. Phát huy vai trò nòng cốt chính trị của MTTQ Việt Nam trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại. Nâng cao chất lượng giám sát và phản biện xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, thực hành dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh”, bà Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh.

Nhìn lại những thành tựu đã qua, trong nhiệm kỳ 5 năm, có đến gần 2 năm cả nước phải đối mặt với dịch bệnh Covid-19. Nhiều hoạt động của xã hội bị đình trệ, trong đó, có cả những cuộc vận động, phong trào của Mặt trận. Nhưng khó khăn làm sáng tỏ bản lĩnh của người làm công tác Mặt trận. Hình ảnh những cán bộ Mặt trận xông pha vào “vùng đỏ” chống dịch là biểu tượng đẹp cho nhiệt huyết, sự tận tâm của người làm công tác Mặt trận. Để rồi từ đó, không những chúng ta vượt qua, mà Mặt trận tiếp tục đồng hành với các cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong khôi phục kinh tế - xã hội và có những thành tựu như hôm nay. Đó là điểm tựa vững chắc để cả hệ thống Mặt trận và các tổ chức thành viên bước vào giai đoạn mới, tập trung nhiệm vụ xây dựng Thủ đô ngày càng văn hiến, văn minh, hiện đại.

“Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Mặt trận đã chủ trì hiệp thương, phối hợp với các tổ chức thành viên vận động nhân dân huy động nguồn lực, hiến đất, hiến công xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, xây dựng các cộng đồng dân cư văn minh và hạnh phúc. Song song với tuyên truyền, vận động, Mặt trận các cấp trên địa bàn Thủ đô đã triển khai hiệu quả nhiệm vụ giám sát và đánh giá sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Đến nay, 100% các xã, huyện trên địa bàn thành phố được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20 xã nông thôn mới kiểu mẫu, hoàn thành sớm một năm nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới”

Tuệ Phương