Đoàn kết xây dựng quê hương

(Mặt trận) -Những ngày này, ở khắp các khu dân cư (KDC) trên địa bàn huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang rất dễ bắt gặp hình ảnh người dân cùng với chính quyền địa phương thực hiện nhiều công trình, phần việc ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 92 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2022), góp phần xây dựng cộng đồng dân cư ngày càng đoàn kết, phát triển.

Hà Giang: Xuân đến sớm với người dân khu tái định cư sau lũ Quang Bình

Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Bình Thuận phát huy vai trò trong xây dựng nông thôn mới

Yên Bái: 100% hộ dân bị thiệt hại về nhà do bão số 3 có nhà mới trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ

 Người dân tuyến kênh Hậu Giang 3, xã Hiệp Hưng chung sức, đồng lòng xây dựng nên tuyến đường đẹp nhất huyện.

“Khó vạn lần dân liệu cũng xong” 

Chỉ trong một ngày chủ nhật, tuyến đường giao thông nông thôn có chiều dài 1,2km trước đó gồ ghề, khó đi, được gần 100 người dân trong ấp Mỹ Thành, cùng chính quyền địa phương xã Tân Phước Hưng giặm vá lại bằng phẳng (tuyến đường đẹp đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông). Tổng kinh phí thực hiện trên 15 triệu đồng, tất cả đều được người dân đồng tình đóng góp để mua cát đá, xi măng sửa chữa.

Ông Nguyễn Văn Sang, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tân Phước Hưng, cho biết: “Phải nói rằng, tinh thần đoàn kết của người dân rất cao, khi địa phương tổ chức họp triển khai cách thức sửa chữa con lộ thì bà con trong ấp đều thống nhất cao. Người góp tiền, người thì góp công để mua vật tư, thức ăn, nước uống nên chỉ trong 1 ngày ra quân giặm vá, tuyến lộ đã hoàn thành theo kế hoạch. Gíup người dân thuận tiện trong việc đi lại và giao thương hàng hóa được dễ dàng với xã Hiệp Hưng của huyện và thành phố Ngã Bảy”.

Khi đường thông, lề thoáng, người dân trong huyện Phụng Hiệp cũng thường xuyên hơn trong việc chăm sóc cảnh quan môi trường xung quanh, nhất là hoa kiểng, hàng rào cây xanh trước nhà.

Từ 1,2km trên, tới nay mô hình “Tuyến đường đẹp đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông” lan tỏa ra xã Hiệp Hưng, nối liền ra 3 ấp Lái Hiếu, Quyết Thắng và Quyết Thắng A, chiều dài tuyến trên 6km. Nơi đây không chỉ được chú ý bởi cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp mà đêm xuống, hàng trăm bóng đèn đường tỏa sáng khắp xóm, giúp cho việc đi lại của người dân thuận tiện, đặc biệt là tình trạng mất an ninh trật tự và trộm cắp tài sản không còn xảy ra.

Bà Trần Thị Đảm Đang, ở ấp Quyết Thắng A, xã Hiệp Hưng, phấn khởi cho biết: “Nhận thấy hiệu quả mang lại từ việc trồng hoa kiểng cho tới xây dựng đèn đường chiếu sáng nên khi được địa phương vận động, người dân chúng tôi ai nấy đều đồng thuận cao. Đi xin hoa kiểng về trồng trước nhà, nơi nào còn thiếu thì địa phương hỗ trợ thêm, cứ như thế mà làm, cho tới nay được huyện xếp hạng nhất trong cuộc thi mô hình có cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp hồi đầu tháng 10 vừa qua”.

“Không để ai bị bỏ lại phía sau”

Bên cạnh xây dựng cảnh quan môi trường, thời gian qua, các cấp MTTQ trong huyện còn giúp đỡ cho các hộ nghèo tiếp cận các chính sách để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Như gia đình anh Phạm Ngọc Thịnh, ở xã Phương Bình, sau khi được địa phương hỗ trợ vốn 65 triệu đồng từ mô hình hỗ trợ sinh kế, anh đã lựa chọn mô hình nuôi dê để khởi nghiệp.

Từ hai cặp dê giống ban đầu, sau 2 năm chăm sóc, đàn dê của anh đã phát triển trên 50 con. Năm qua, anh xuất bán gần 500kg dê thịt, giá 90.000-110.000 đồng/kg, trừ hết chi phí và công chăm sóc, anh lợi nhuận gần 50 triệu đồng. Những đồng lời có được anh tiếp tục mở rộng chuồng trại, đồng thời trồng thêm cỏ vôi để phát triển mô hình nuôi dê thương phẩm, phấn đấu thoát nghèo trong năm tới.

Anh Phạm Ngọc Thịnh chia sẻ: “Cũng nhờ địa phương hỗ trợ cho gia đình tôi được số vốn nên tôi quyết định đầu tư vào mô hình nuôi dê. Chủ yếu lấy công làm lời nên ít tốn chi phí đầu tư. Mô hình nuôi dê dễ thực hiện, dê đẻ lứa thứ hai trở về sau thì sau khi trừ hết chi phí một con lời được 4 triệu đồng. Dự định, năm tới khi kinh tế ổn định sẽ hoàn trả lại vốn để địa phương hỗ trợ cho hộ khác; ngoài ra, anh em nào muốn phát triển mô hình nuôi dê tôi sẵn sàng giúp đỡ con giống cũng như hướng dẫn cách nuôi hiệu quả để cùng nhau phát triển, ổn định cuộc sống”.

Song song đó, đầu năm đến nay, MTTQ các cấp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương đã vận động xây dựng, sửa chữa trên 60 cây cầu, 20km lộ giao thông nông thôn, xây mới 80 căn nhà đại đoàn kết, tổng trị giá hơn 20 tỉ đồng. Tổ chức hỗ trợ mô hình sinh kế cho 160 hộ vay với số tiền trên 1 tỉ đồng để các hộ có thêm điều kiện mua bán nhỏ, nuôi heo, trồng rau. Qua đó, giúp gần 40 hộ gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần cùng với huyện Phụng Hiệp xây dựng và giữ vững 7 xã nông thôn mới, 2 thị trấn văn minh đô thị. Trong kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của hệ thống MTTQ các cấp trong việc tuyên truyền, vận động, tạo được sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.

Còn với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, những ngày qua, cùng với cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ huyện Phụng Hiệp đã thành lập Đoàn đến thăm hỏi, tặng nhu yếu phẩm cùng 1 triệu đồng/hộ cho gần 50 hộ gia đình nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bị ảnh hưởng mưa lớn và triều cường dâng tại 15 xã, thị trấn, kịp thời chia sẻ khó khăn, giúp các hộ gia đình có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Vân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Phụng Hiệp, cho biết thêm: “Những hoạt động ý nghĩa chào mừng ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, qua đó góp phần động viên Nhân dân tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Ngoài ra, thông qua các hoạt động ý nghĩa như thế sẽ là dịp để các đồng chí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, MTTQ được trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, thắt chặt mối quan hệ với Nhân dân, tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

T.L