(Mặt trận) -“Ban Công tác Mặt trận (CTMT) khu vực Phú Thắng đã nỗ lực vận động, huy động các nguồn lực xã hội để chăm lo hộ nghèo, cận nghèo. Đồng thời, động viên nhân dân đoàn kết, tương trợ nhau phát triển sản xuất, góp phần giảm nghèo bền vững” - ông Phạm Thanh Toàn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN phường Tân Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ nhận xét về Ban CTMT khu vực Phú Thắng.
|
Cán bộ Ban CTMT khu vực và phường Tân Phú thăm hỏi tìm hiểu đời sống bà con khu vực. |
Theo ông Nguyễn Công Đệ, Trưởng Ban CTMT khu vực, Phú Thắng là khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn, do có nhiều dự án quy hoạch kéo dài, ảnh hưởng đến việc sản xuất, mua bán, đời sống người dân. Năm 2015, khu vực còn 11 hộ nghèo. Hằng năm, Ban CTMT khu vực đề ra chỉ tiêu giúp 2-3 hộ thoát nghèo. Đến nay, khu vực chỉ còn 2 hộ nghèo, do bệnh tật, già yếu mất sức lao động.
Chúng tôi cùng các cán bộ Mặt trận phường và khu vực Phú Thắng đến thăm một số hộ nghèo, cận nghèo được chính quyền, Mặt trận hỗ trợ, từng bước ổn định cuộc sống. Trong đó, gia đình anh Đặng Hồng Sang trước đây thuộc diện hộ nghèo, căn nhà cũ lụp xụp, hư hỏng nhiều nhưng không có khả năng xây sửa lại. 4 năm trước, con trai anh là Nguyễn Hồng Phú bị hoại tử xương đùi, phải điều trị tốn kém. Anh Sang kể: “Năm 2019, gia đình tôi được hỗ trợ cất căn nhà trị giá 40 triệu đồng. Ngoài ra, Mặt trận quận cũng hỗ trợ 5 triệu đồng cho cháu trị bệnh. Cán bộ Mặt trận phường và khu vực đều ưu tiên dành tặng quà dịp lễ, Tết... Đợt dịch COVID-19, gia đình được tặng gạo, nhu yếu phẩm; địa phương làm hồ sơ để gia đình nhận đầy đủ tiền hỗ trợ của Nhà nước. Hiện nay, 2 vợ chồng làm hồ ngày cũng được khoảng 300.000 đồng. Cuộc sống cũng bớt khó khăn hơn trước”. Theo ông Nguyễn Công Đệ, Trưởng ban CTMT khu vực, ngoài nguồn hỗ trợ thường xuyên, trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, khu vực vận động xã hội hóa được 25 phần quà, gồm gạo và nhu yếu phẩm để kịp thời san sẻ, động viên người dân trong thời điểm khó khăn.
Song song với các hoạt động chăm lo an sinh xã hội, cất nhà, giải quyết việc làm, các đoàn thể khu vực lập hồ sơ và giới thiệu cho đoàn viên, hội viên vay vốn đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao mức sống. Chú Lê Văn Tư, hội viên nông dân kể, gia đình chú có 2 công đất vườn, chủ yếu trồng cóc, chôm chôm đã lâu, cây đã lão. Do đất nằm trong khu vực quy hoạch, gia đình không đầu tư cải tạo được. 4 năm nay, chú được Hội Nông dân hỗ trợ vay 50 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi vịt xiêm. Nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, việc chăn nuôi bắt đầu có hiệu quả. Chú Lê Văn Tư phấn khởi nói: “Tôi vừa xuất bán 750kg vịt, giá 60.000 đồng/kg, trừ chi phí, lãi khoảng 25 triệu đồng sau 3 tháng nuôi. Trung bình mỗi năm tôi xuất khoảng 3 lứa, lợi nhuận 60-75 triệu đồng”.
Gia đình bà Nguyễn Thị Thạc trước kia thuộc diện hộ cận nghèo. Khoảng 5 năm nay, gia đình bà được địa phương hỗ trợ vay vốn 45 triệu đồng để giải quyết việc làm, bà đã đầu tư chăn nuôi trâu. Bà Thạc kể: “Từ số vốn vay ban đầu, gia đình tôi mua 1 con trâu nái. Đầu năm, tôi vừa xuất bán 1 trâu thịt được 35 triệu đồng. Hiện còn 1 con trâu nái và 2 con nghé. Theo nhẩm tính, mỗi năm, mô hình nuôi trâu mang về cho nhà tôi mức thu nhập khoảng 60-70 triệu đồng. Vợ chồng tôi còn có thu nhập từ việc phụ hồ, bán vé số… Cuộc sống nay đã ổn định hơn trước”.
Từ những nỗ lực của cán bộ khu vực, số hộ nghèo trên địa bàn giảm đáng kể, chỉ còn 2 hộ nghèo. Ông Nguyễn Công Đệ, Trưởng ban CTMT khu vực, cho biết: “Hiện nay, khu vực còn 2 hộ nghèo, 6 hộ cận nghèo. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân đoàn kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất nhằm nâng cao mức sống, giảm nghèo. Đồng thời, duy trì nâng chất các mô hình kinh tế hiệu quả, tạo điều kiện về vốn vay để thu hút thêm đoàn viên, hội viên, nhân dân tham gia… Qua đó, giúp người dân tăng thu nhập, giảm nghèo, nâng cao mức sống”.
Đồng Tâm