Điện Biên: Nâng cao chất lượng Ban Công tác Mặt trận cơ sở

(Mặt trận) -Việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Điện Biên những năm qua đã xác định đúng vai trò, vị trí của Ban Công tác Mặt trận cơ sở trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các cuộc vận động và phong trào thi đua ở địa phương. Qua đó, góp phần khơi dậy lòng yêu nước, phát huy dân chủ và nội lực của cộng đồng dân cư, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương.

Khẳng định vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới

Phú Thọ: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Thanh Hóa: Hỗ trợ người nghèo “an cư” đón tết

 Ban Công tác Mặt trận bản Tả Kố Khừ (xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé) tuyên truyền, vận động người dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa. Ảnh: C.T.V

Hiện nay tỉnh Điện Biên có 1.445 ban Công tác Mặt trận cơ sở. Những năm qua, ban Công tác Mặt trận cơ sở đã phối hợp với trưởng thôn, bản, tổ trưởng dân phố đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các chủ trương của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tạo chuyển biến trong nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của mỗi người dân; từng bước hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật. Tổ chức cho nhân dân tham gia các hoạt động tự quản, tổ hòa giải, tổ an ninh nhân dân, câu lạc bộ trợ giúp pháp lý... Giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân ngay từ thôn, bản, tổ dân phố; góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu dân cư. Các ban Công tác mặt trận cơ sở vận động nhân dân phát huy dân chủ, giữ vững kỷ cương, xây dựng quy ước, hương ước, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Ðiểm nổi bật là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã lan toả sâu rộng và được nhân dân tự giác hưởng ứng. “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân” hàng năm thực sự trở thành ngày hội của nhân dân các dân tộc ở khu dân cư. Từ các phong trào thi đua, đến nay toàn tỉnh có 100.769 hộ được công nhận gia đình văn hóa (chiếm 73,6%); 1.008 khu dân cư thành lập được đội văn nghệ, 304 khu dân cư có câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình, 47 khu dân cư có mô hình gia đình hạnh phúc, 70 khu dân cư có mô hình chăm sóc, bảo vệ trẻ em và 179 khu dân cư thành lập được các câu lạc bộ thể dục thể thao.

Cùng với đó, ban Công tác Mặt trận cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, thuyết phục bà con xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại, xây dựng ý chí vươn lên chiến thắng đói nghèo, làm giàu chính đáng cho gia đình, xã hội. Ban đã phối hợp các tổ chức đoàn thể vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế trang trại, dịch vụ; học nghề để tạo việc làm. Tích cực triển khai các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động đã mang lại nhiều kết quả thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Ðiển hình như thông qua Quỹ “Vì người nghèo” các cấp đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa 10.295 ngôi nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo; hàng nghìn lượt hộ nghèo được hỗ trợ cây, con giống; hàng nghìn suất học bổng, xe đạp được trao cho học sinh nghèo. Các ban Công tác mặt trận cơ sở đã phối hợp vận động nhân dân đóng góp hơn 226.000 ngày công lao động, hiến 250.836m2 đất, góp trên 55,9 tỷ đồng để xây dựng các công trình giao thông, lớp học, nhà văn hóa, góp phần hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Ðể nâng cao chất lượng hoạt động của ban Công tác Mặt trận cơ sở thời gian tới cần khắc phục một số hạn chế, khó khăn. Ðó là một số ban Công tác Mặt trận cơ sở chưa thực sự sát dân, gần dân, hiểu dân, lắng nghe dân để nắm bắt và phối hợp giải quyết kịp thời những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các phong trào, các cuộc vận động ở một số khu dân cư hiệu quả chưa cao, chưa có chiều sâu, còn mang tính chung chung, hình thức; công tác nắm bắt tình hình nhân dân có lúc, có nơi chưa kịp thời, chưa sát. Công tác giám sát chỉ dừng lại ở mức độ “theo dõi - phát hiện”, nội dung kiến nghị chưa cụ thể, chưa theo sát việc giải quyết của các cơ quan liên quan đến nội dung đã kiến nghị, nên hiệu quả công tác giám sát chưa cao.

Thành Ðạt