Điện Biên: Hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững

(Mặt trận) -Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã đạt được những kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh; đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân được nâng lên; bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều khởi sắc.

Lan tỏa Mô hình Khu dân cư kiểu mẫu

Hòa Bình: Xóa nhà dột nát giúp người nghèo ổn định cuộc sống

MTTQ các cấp huyện Châu Thành củng cố khối đại đoàn kết

 Người dân xã Chung Chải, huyện Mường Nhé kiểm tra chu kỳ sinh trưởng của cây dổi thuộc mô hình hỗ trợ sản xuất.

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện, bảo đảm đúng đối tượng, nội dung chính sách, tiến độ và đạt mục tiêu của chương trình đề ra. Các địa phương đã chủ động triển khai các hoạt động; kịp thời nắm bắt tình hình để chỉ đạo, đôn đốc, giải quyết các vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Quá trình thực hiện đã được sự phối hợp của các ngành, các cấp và người dân. Do vậy chỉ tiêu về công tác giảm nghèo của tỉnh đều đạt hoặc vượt.

Một số dự án đã và đang mang lại lợi ích cho đối tượng thụ hưởng. Điển hình như thực hiện Dự án 5 về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo. Trong giai đoạn này, có 4.495 hộ nghèo và 187 hộ cận nghèo được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở. Riêng trong năm 2023, dự kiến có 1.083 hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ; trong đó hỗ trợ xây mới là 999 hộ; hỗ trợ sửa chữa là 84 hộ. Với sự vào cuộc quyết liệt, đến hết tháng 4/2023, tổng số hộ nghèo, cận nghèo đã được hỗ trợ nhà ở là 135 hộ; trong đó xây mới 122 hộ, sửa chữa 13 hộ.

Thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo, đến nay tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 30,35% (năm 2022) xuống còn 26,57% (giảm 8,33% và đạt 52,06% mục tiêu kế hoạch đến năm 2025). Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo giảm trên 5,5%; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 5% (đạt mục tiêu hằng năm theo kế hoạch). Đến nay, các huyện nghèo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản; 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của hộ nghèo, không trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, giúp đỡ của cộng đồng.

Đặc biệt, đối với các chiều thiếu hụt về văn hóa, y tế, giáo dục… được các địa phương quan tâm thực hiện hiệu quả. Đơn cử chiều thiếu hụt về việc làm, đến nay 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm; 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người dân tộc thiểu số. Có khoảng 2.100 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, vùng nghèo, vùng khó khăn được hỗ trợ kết nối việc làm thành công. Tương tự, chiều thiếu hụt trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo đã có chuyển biến tích cực: Tỷ lệ trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt 92,3%; tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp và tỷ lệ học sinh 6-10 tuổi học tiểu học đạt 99,9%; tỷ lệ người trong độ tuổi từ 15 - 60 đạt chuẩn biết chữ mức độ I là 96,9%. Tỷ lệ người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và tỷ lệ người lao động thuộc vùng nghèo, vùng khó khăn qua đào tạo đạt 60%; 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp có nhu cầu được hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề phù hợp.

Tuy đã đạt được những mặt tích cực song thời gian tới các cấp, ngành cần nỗ lực giải quyết những khó khăn, hạn chế như: Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn cao; còn chênh lệch lớn về thu nhập giữa các hộ, nhóm hộ, các vùng, các dân tộc; tình trạng thiếu đất canh tác nông nghiệp; người nghèo, hộ nghèo còn lúng túng để tự lựa chọn phương thức thoát nghèo; một số xã còn khó khăn, lúng túng trong lựa chọn các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững.

Thành Đạt