Điểm sáng trong công tác Mặt trận ở Phú Tân

(Mặt trận) -Với vai trò là cầu nối giữa “ý Đảng, lòng dân”, UBMTTQVN xã Phú Thạnh (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) đã có nhiều hoạt động thiết thực trong việc huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới (NTM), hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn… Qua đó, góp phần tích cực thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Lâm Đồng: Đồng bào dân tộc thiểu số vui mừng đón Xuân trong nhà mới

Xuân ấm trong những ngôi nhà mới

Phù Yên chăm lo Tết cho hộ nghèo

 Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, Nhân dân tin tưởng nên đã tích cực tham gia góp sức xây dựng quê hương

Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, thời gian qua, UBMTTQVN xã Phú Thạnh đã triển khai sâu rộng trong hệ thống Mặt trận các ấp và các thành viên cùng thực hiện. Chủ tịch UBMTTQVN xã Phú Thạnh Lý Thị Lệ Hằng cho biết: “Phong trào “Dân vận khéo” và “Dân vận khéo trong xây dựng NTM” là điểm nhấn quan trọng của MTTQ thời gian qua. Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: Vận động Nhân dân tham gia xây dựng NTM, vệ sinh môi trường, hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn...

Từ các phong trào thi đua đã xuất hiện một số tập thể và cá nhân điển hình trong thực hiện các mô hình tiêu biểu, như: UBMTTQVN xã Phú Thạnh vận động nông dân cho mượn 5.200m2 đất nông nghiệp để trồng cây dược liệu và bào chế thuốc nam cung cấp cho các nhà thuốc trong và ngoài địa phương. Đặc biệt, phối hợp cùng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo xã thực hiện mô hình “Cây ATM gạo”.

Trưởng ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã Phú Thạnh Đỗ Văn Tranh cho hay, gần 4 năm qua, nguồn gạo phát ra tại “Cây ATM gạo” khoảng 15 tấn, duy trì do nhiều nơi đóng góp và ban trị sự vận động. Theo tình hình đời sống người dân chuyển biến, “Cây ATM gạo” giảm tần suất phát ra, chuyển từ hàng ngày sang hàng tuần và hiện nay là hàng tháng. Thời gian phát cố định vào ngày 14 (âm lịch), mỗi hộ nhận khoảng 5kg gạo, chủ yếu là hộ nghèo, người già yếu, bệnh tật…

Ngoài ra, còn có điển hình là bà Trần Thị Vệ, một người nhiệt huyết trong công tác từ thiện - xã hội tại địa phương. Dù tuổi cao, nhưng bà Vệ luôn tận tâm với hoạt động từ thiện, giúp đỡ nhiều phụ nữ nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, bà còn là đội trưởng đội hậu cần, hỗ trợ nấu ăn cho các đội từ thiện. Mỗi lượt ra quân, nhóm phụ nữ do bà đảm nhận lo đủ các món cơm chay, cháo, bánh canh, nước giải khát…

Bà Vệ còn vận động người thân đóng góp nhu yếu phẩm cho hộ nghèo, tham gia đóng góp “Nồi cháo ngày rằm”. Bà còn là người khởi xướng, cùng những người bạn tâm huyết thành lập nhóm từ thiện thường xuyên nấu ăn, phát cơm miễn phí tại bệnh viện, chùa vào dịp lễ đạo. Ngoài ra, bà Vệ còn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào do địa phương phát động.

Điển hình: “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Gian hàng 0 đồng”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”… Nhiều cách “làm theo Bác” được bà Vệ phát động, hướng dẫn chị em tham gia, như: Ống heo tiết kiệm, hũ gạo tình thương, tương trợ chi phí giúp người bệnh, hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế… đã được cộng đồng dân cư ghi nhận.

Bên cạnh việc vận động các tổ chức, cá nhân tham gia công tác xã hội, trong năm 2023, UBMTTQVN xã Phú Thạnh còn huy động các nguồn lực để giúp đỡ người nghèo vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống ổn định, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội. Chủ tịch UBMTTQVN xã Phú Thạnh Lý Thị Lệ Hằng cho biết, năm 2023, Ban Vận động Quỹ Vì người nghèo của xã đã tiếp nhận Quỹ Cây mùa Xuân gần 160 triệu đồng. Lũy kế trong năm 2023, vận động Quỹ Vì người nghèo gần 2 tỷ đồng. Qua đó, cấp phát cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn vui Xuân, đón Tết với tổng số tiền trên 114 triệu đồng; cất mới 22 căn nhà Đại đoàn kết, với số tiền trên 1,44 tỷ đồng.

Cao điểm nhất là thực hiện công trình, phần việc chào mừng kỷ niệm 55 năm thành lập huyện Phú Tân (tháng 12/1968 - 12/2023), đồng thời góp phần hoàn chỉnh hệ thống cầu nông thôn để xã Phú Thạnh sớm đạt các tiêu chí về xây dựng NTM nâng cao. UBMTTQVN xã Phú Thạnh đã tổ chức vận động kinh phí, nguồn lực để xây dựng cầu Lộ Sau K16, cầu gỗ Kênh Ngang II, cầu giáp ranh Phú Thành; dặm vá tuyến đường Kênh Ngang II, đường K16, đường ấp Phú Cường A... Đặc biệt, vận động người dân đóng góp nhân lực, vật lực để bê-tông đoạn đường cộ 18, dài 1.840m, đường cộ 15… Tổng trị giá các công trình gần 2,5 tỷ đồng.

Kết quả của những công trình ý nghĩa cho thấy sự đoàn kết, thống nhất trong tư tưởng và hành động của cả hệ thống chính trị, mà đi đầu là MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, xây dựng được thế trận lòng dân, làm cho “dân hiểu, dân tin, dân đồng hành”. Qua đó, góp phần cùng các cấp, ngành thực hiện chính sách an sinh xã hội, quan tâm, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

M.P