Để phong trào đứng vững trong lòng dân

(Mặt trận) - Ngày 11/3, tại Hà Nội, Bộ Công an phối hợp với Ban Dân vận Trung ương và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm Chương trình phối hợp số 09/CTr-BCA-MTTW về đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới; 5 năm thực hiện Chương trình hành động số 22-CTr/ĐUCA-V28 và 2 năm triển khai Chương trình phối hợp số 38-CTr/BDVTW-BCA về thực hiện công tác dân vận.

Thái Nguyên dồn lực xóa nhà tạm, nhà dột nát

Phước Đông: Quyết tâm xây dựng thành công xã nông thôn mới kiểu mẫu

Quảng Trị: Đẩy mạnh huy động nguồn lực chăm lo cho người nghèo

Tham dự Hội nghị có bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an; ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Điểu K’ré, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an; cùng đại diện lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội và đại biểu từ 63 điểm cầu trên cả nước.

Khen thưởng kịp thời, thường xuyên để giữ vững phong trào

Báo cáo về kết quả 5 năm Chương trình phối hợp số 09/CTr-BCA-MTTW về đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới; 5 năm Chương trình hành động số 22-CTr/ĐUCA-V28 và 2 năm Chương trình phối hợp số 38-CTr/BDVTW-BCA về thực hiện công tác dân vận, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, công tác triển khai, thực hiện đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự phối hợp chính quyền, lực lượng Công an phối hợp với Ban Dân vận, MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên các cấp đẩy mạnh, gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các phong trào thi đua yêu nước khác và đạt nhiều kết quả quan trọng.

Nhiều mô hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ và điển hình “Dân vận khéo” được xây dựng, củng cố và nhân rộng, phát huy sức mạnh, tiềm lực to lớn của toàn dân trong công tác giữ gìn an ninh chính trị và phòng ngừa, tấn công trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định, sau 5 năm thực hiện Chương trình phối hợp số 09/CTr-BCA-MTTW đã tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị.

“Thông qua vận động, tình hình tội phạm, an ninh trật tự, an toàn xã hội có nhiều kết quả đáng khích lệ, huy động được sự ủng hộ và vào cuộc của nhân dân xây dựng hệ thống an ninh vững chắc của đất nước trong giai đoạn hiện nay”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định.

Cũng theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, việc thực hiện chương trình phối hợp số 09/CTr-BCA-MTTW và Chương trình phối hợp số 38-CTr/BDVTW-BCA đã tạo được sự gắn kết giữa Đảng, chính quyền, nhất là lực lượng công an với nhân dân thông qua Diễn đàn công an đối thoại với nhân dân và Diễn đàn lắng nghe ý kiến nhân dân tố giác tội phạm ở khu dân cư và địa bàn xã phường do Mặt trận tổ chức. Đặc biệt là sự gắn kết giữa lực lượng công an và lực lượng vũ trang trong thực hiện nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định, MTTQ Việt Nam sẽ tiếp tục cùng với Bộ Công an đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ liên quan đến phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, từ đó củng cố vững chắc hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tiếp tục phối hợp nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, tổ chức diễn đàn lắng nghe ý kiến của nhân dân…

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị MTTQ Việt Nam và Bộ Công an cần phối hợp với chính quyền các cấp để đưa ra các giải pháp cụ thể, đặc biệt là các địa bàn chiến lược ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc để chủ động, không để bất ngờ đối với các tình huống;  đặc biệt là phát huy vai trò của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội trong tuyên truyền, vận động nhân dân đối với việc phòng ngừa, phát hiện, tố giác và cảm hóa, giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư; phát huy vai trò làm chủ của người dân trong xây dựng, nhân rộng các mô hình tự quản.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị MTTQ các cấp sẽ tiếp tục giám sát các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến phòng, chống tội phạm ở khu dân cư; tích cực tham gia góp ý vào các kế hoạch, đề án liên quan đến phòng, chống tội phạm.

“Hàng năm, vào Ngày hội Đại đoàn kết, Mặt trận các cấp sẽ phối hợp với Công an nhằm biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực vào phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Việc khen thưởng phải kịp thời, thường xuyên để giữ vững phong trào”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn gợi mở.

Nâng cao chất lượng các mô hình tự quản

Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai khẳng định, các mô hình, phong trào, điển hình tiên tiến và các cách làm hay, sáng tạo trong quá trình thực hiện Chương trình phối hợp số 09, Chương trình hành động số 22 và Chương trình phối hợp số 38 đã góp phần nâng cao chất lượng công tác dân vận, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.  Những mô hình tự quản đều hướng đến cuộc sống của người dân và được người dân quan tâm, tự giác tham gia. Đây là yếu tố quyết định để phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đạt được hiệu quả và đứng vững được trong lòng nhân dân.

Thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong thực hiện chương trình phối hợp, đó là vẫn còn nơi này nơi kia thực hiện mang tính hình thức, bà Trương Thị Mai đề nghị cần quan tâm đến yếu tố vững chắc của các mô hình, những kết quả đã đạt được trong các chương trình phối hợp.

Theo Trưởng Ban Dân vận Trung ương, trong thời gian tới, cần tiếp tục nâng cao nhận thức các cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị về công tác dân vận; về Kết luận 44, thực hiện Chỉ thị 09 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc để xây dựng thế trận lòng dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bà Trương Thị Mai cũng lưu ý, tiếp tục dành sự quan tâm đến chất lượng của các hình thức tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải từ gia đình đến cộng đồng dân cư theo hướng hợp lòng dân, vừa sức dân vì lợi ích, yêu cầu của cuộc sống nhân dân.

“Phải  quan tâm thực sự đến cuộc sống của người dân, đến lợi ích hợp pháp, chính đáng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, từ đó tạo động lực để người dân tham gia vào sự phát triển của đất nước.” Trưởng Ban Dân vận Trung ương đề nghị.

Bên cạnh đó, bà Trương Thị Mai cũng lưu ý cần tăng cường phối hợp giữa lực lượng công an với quân đội, MTTQ, ban bộ, ngành, đoàn thể; xây dựng, phát huy vai trò của lực lượng nòng cốt trên địa bàn cơ sở; thường xuyên duy trì tổ chức các ngày hội Toàn dân bảo vệ ANTQ; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận từ đó xây dựng mối quan hệ mật thiết, tăng cường lòng tin của nhân dân đối với Đảng.

Động viên, khuyến khích nhân dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc

Khẳng định nhiệm vụ đặt ra cho công tác bảo vệ ANTT thời gian tới rất nặng nề, đòi hỏi cần tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của các lực lượng làm công tác dân vận và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đề nghị lực lượng CAND, Ban Dân vận, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp cần tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc tổ chức quán triệt, triển khai, thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; tiếp tục phối hợp tham mưu với Đảng, Nhà nước những chủ trương, giải pháp về công tác dân vận và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; xây dựng thế trận an ninh nhân dân, nền an ninh nhân dân vững chắc.

Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị, cần tăng cường phối hợp tham mưu, đổi mới nội dung, hình thức, công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ bảo đảm thiết thực, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng lĩnh vực, địa bàn. Tập trung xây dựng, củng cố phong trào ở các địa bàn chiến lược, tuyến biên giới, biển đảo, khu vực tập trung đông đồng bào tôn giáo, dân tộc thiểu số, địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT. Phát triển phong trào theo hướng xã hội hoá, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, lấy phương châm tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hoà giải về ANTT đến từng cơ quan, đơn vị, nhà trường, khu dân cư, gia đình; xây dựng khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường an toàn về ANT...

Bộ trưởng Tô Lâm cũng lưu ý, thời gian tới cần tập trung nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hóa các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận, công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ. Có chính sách động viên, khuyến khích kịp thời đối với quần chúng nhân dân tích cực tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ…

Tại Hội nghị, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tặng Bằng khen cho 64 tập thể, 126 cá nhân trong lực lượng Công an các cấp; Bộ Công an tặng Bằng khen cho 61 tập thể, 115 cá nhân thuộc MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên ở Trung ương và các địa phương trong triển khai Chương trình phối hợp số 09/CTr-BCA-MTTW.