Để nhà nhà đều đón Xuân an vui, sum vầy

(Mặt trận) -Nhằm tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, những hộ bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 được vui xuân, đón tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Đảng bộ, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh Bạc Liêu đã và đang nỗ lực vận động các nguồn lực hỗ trợ nhiều phần quà ý nghĩa.

Lan tỏa Mô hình Khu dân cư kiểu mẫu

Hòa Bình: Xóa nhà dột nát giúp người nghèo ổn định cuộc sống

MTTQ các cấp huyện Châu Thành củng cố khối đại đoàn kết

Đón xuân đầm ấm

Mùa xuân năm nay thật sự có ý nghĩa đối với bà Nguyễn Thị Huệ (ấp Ninh Lợi, xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình) khi được đón Tết trong ngôi nhà mới từ sự hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ tỉnh và Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết tỉnh với sự đóng góp công sức của người thân, bà con lối xóm. Bà Huệ chia sẻ: “Trong khó khăn mới thấy hết sự quan tâm đầy trách nhiệm của địa phương, đơn vị, các tổ chức từ thiện đối với người nghèo như gia đình tôi. Xin cảm ơn những nhà tài trợ đã giúp gia đình tôi có nơi an cư vững chắc. Đây là niềm vui, niềm hạnh phúc rất lớn mà gia đình tôi có được trong năm mới này”.

Cùng chung niềm vui với bà Huệ, 50 gia đình khác vừa được triển khai xây nhà đại đoàn kết với tổng kinh phí trên 2,5 tỷ đồng. Với sự khẩn trương, tất bật của Mặt trận các cấp, sự phối hợp tích cực của địa phương, hầu hết những ngôi nhà Đại đoàn kết thắm đượm nghĩa tình đều kịp bàn giao trước Tết. Tương tự, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh hiện cũng đã và đang “chạy nước rút” bàn giao gần 10 căn nhà tình thương cho hội viên phụ nữ gặp khó khăn về nhà ở. Bà Trương Hồng Trang - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết: “Mỗi ngôi nhà được bàn giao đã tiếp thêm động lực cho chúng tôi làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, kêu gọi sự ủng hộ của toàn xã hội để giúp đỡ các gia đình có chỗ ở ổn định, vươn lên trong cuộc sống”.

Không để gia đình nào không có Tết

Phát huy vai trò tập hợp khối đại đoàn kết, nhân đạo, từ thiện, là cầu nối giữa những tấm lòng hảo tâm với người nghèo, thời điểm này, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh cũng đang chủ động đẩy mạnh công tác kêu gọi vận động nguồn lực để chăm lo Tết cho người nghèo, người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tính đến thời điểm này, Mặt trận các cấp đã vận động và trao về các địa phương 3.530 suất quà, tùy theo từng đối tượng, hoàn cảnh, mỗi suất quà sẽ có giá trị từ 0,3 - 1,2 triệu đồng. Để đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch COVID-19, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chỉ đạo Mặt trận các cấp tổ chức trao quà trực tiếp đến các địa bàn xã, đặc biệt là không tập trung đông người.

Tết năm nào cũng vậy, các đồng chí lãnh đạo cấp tỉnh và huyện luôn dành thời gian trực tiếp đến trao tặng những phần quà ý nghĩa và ân cần thăm hỏi đời sống các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các đồng chí lão thành cách mạng, thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách và người có công với cách mạng. Qua đó, thể hiện sự tri ân sâu sắc đối với thế hệ cha anh đi trước đã đóng góp một phần xương máu cho độc lập, tự do của dân tộc. Các phường, xã cũng rà soát, nắm chắc tình hình đời sống của Nhân dân, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 để hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng.

Cũng với tinh thần hướng về người nghèo, nhất là nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin, Hội Chữ thập đỏ các cấp trong tỉnh đã tổ chức rà soát, lập danh sách các trường hợp cần giúp đỡ, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, kêu gọi sự chung tay, giúp đỡ của các tổ chức xã hội, các cá nhân, mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh. Được biết, thông qua sự giúp đỡ của các tổ chức xã hội, các mạnh thường quân, các cấp Hội Chữ thập đỏ đã vận động tặng gần 350 suất quà (mỗi suất trị giá từ 0,5 - 1,2 triệu đồng) để tặng công nhân, lao động nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, nạn nhân chất độc da cam… Không chỉ các địa phương, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội còn tăng cường các biện pháp quản lý, thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách an sinh xã hội. Những ngày qua, liên tục rất nhiều hoạt động của các đơn vị, doanh nghiệp, các câu lạc bộ, nhóm thiện nguyện cũng đã thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa như: Xuân yêu thương, Nụ cười mùa xuân, Tết sum vầy… để chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” với gia đình chính sách.

Rất nhiều cảm xúc từ những hoạt động thiết thực thể hiện tinh thần “tương thân, tương ái”, “uống nước nhớ nguồn” qua những món quà ý nghĩa được trao tận tay, những ngôi nhà kiên cố còn thơm mùi sơn mới trong niềm hân hoan của cả người cho lẫn người nhận. Truyền thống nghĩa tình của dân tộc Việt Nam đang ngày càng được phát huy và lan tỏa sâu rộng để “người người có tết, nhà nhà có tết” vui vẻ, đầm ấm.

Hoàng Uyên – Tiến Đạt