Để môi trường sống thêm xanh

(Mặt trận) -Để hạn chế rác thải nhựa, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung huy động mọi nguồn lực để giảm thiểu tình trạng rác thải nhựa thải ra môi trường và nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này.

Lan tỏa Mô hình Khu dân cư kiểu mẫu

Hòa Bình: Xóa nhà dột nát giúp người nghèo ổn định cuộc sống

MTTQ các cấp huyện Châu Thành củng cố khối đại đoàn kết

 Người dân trên địa bàn TP Hạ Long tham gia dọn dẹp rác thải nhựa.

Rác thải nhựa chính là những chất rất khó phân hủy bao gồm chai lọ, túi nilon, những vật dụng nhựa như đồ chơi trẻ em, các loại bao bì bằng nhựa polyethylene.Theo báo cáo của World Bank mỗi năm tại Việt Nam có trên 3,1 triệu tấn rác thải nhựa là lượng rác thải đổ ra môi trường.

Tại nhiều diễn đàn về phòng chống rác thải nhựa, Việt Nam đã đề xuất nhiều sáng kiến, mô hình để giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm do rác thải nhựa. Đồng thời, các tỉnh, địa phương trên cả nước đều đưa ra những kế hoạch hành động quyết liệt nhằm hạn chế tối đa những sản phẩm nhựa dùng 1 lần, tăng cường thu gom, phân loại, tái chế, tái sử dụng nhằm thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, những hội nghị, bàn làm việc không giấy tờ, sử dụng những chai đựng nước bằng thủy tinh tại công sở, nơi làm việc là những việc làm thiết thực mà cán bộ, công chức, viên chức thực hiện suốt thời gian qua. Bên cạnh đó, với sự vào cuộc của nhiều đơn vị, tổ chức, các đoàn thể chính trị - xã hội, những mô hình thu gom, phân loại rác thải được nhiều người dân, gia đình thực hiện ngay tại chính gia đình mình.

Hưởng ứng phong trào phòng chống rác thải nhựa, Hội phụ nữ các cấp đều triển khai và nhân rộng các mô hình “Phân loại rác thải tại gia đình”, “Phụ nữ nói không với rác thải nhựa”, “Biến rác thành tiền”. Trong 5 năm qua, các cấp Hội đã tổ chức 105 lớp tập huấn kiến thức bảo vệ môi trường, phòng chống rác thải nhựa; hướng dẫn phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình cho trên 10.000 cán bộ chi, tổ, hội viên nòng cốt các đoàn thể khu dân cư và hội viên phụ nữ.

Đồng thời, Hội phụ nữ các địa phương cũng tổ chức 80 lớp tập huấn chuyển giao kiến thức và kỹ thuật phân loại cho trên 9.200 cán bộ hội viên, phụ nữ, tập trung vào các nội dung: Thực trạng và tác hại của rác thải nhựa, các giải pháp nhằm phòng chống rác thải nhựa, hạn chế sử dụng túi nilon đựng thực phẩm, quy trình phân loại rác, kỹ thuật ủ phân hữu cơ...

 Chi hội phụ nữ thôn Đông Hải, xã Đông Xá, huyện Vân Đồn thực hiện thu gom, phân loại rác thải nhựa.

Từ năm 2019 - 2021, Hội LHPN tỉnh đã ký chương trình phối hợp với Hội Nông dân tỉnh để thực hiện một số hoạt động thuộc Dự án “Xây dựng mô hình cộng đồng quản lý, thu gom và xử lý rác thải nhựa vùng ven biển vịnh Hạ Long” và đạt được nhiều kết quả khả quan. Theo đó, đã thành lập được 4 mô hình thu gom ve chai tại 4 phường triển khai dự án là Hà Phong, Hồng Hà, Hồng Hải và Tuần Châu.

Cùng với đó, tổ chức cáclớp tập huấn kiến thức cho thành viên 4 nhóm thu mua ve chai, hộ dân tham gia phân loại và xử lý rác; 5lớp tập huấn vềkiến thức, kỹ năng phân loại rác 3R (giảm thiểu – tái chế - tái sử dụng) và xử lý rác tại hộ gia đình cho 184người là hộ dân và các chi, tổ trưởng tại TP Hạ Long; 1 lớp huấn kiến thức phân loại rác và sử dụng sản phẩm thay thế đồ nhựa dùng 1 lần cho 70 cán bộ, công chức, người lao động của các cơ quan các ban Đảng, đoàn thể tỉnh. Ngoài ra, còn thành lập gian hàng giới thiệu sản phẩm thay thế đồ nhựa 1 lần tại chợ Hạ Long 1; trang bị 482 thùng rác gia đình, 280 thùng rác tái chế, 1.335 kg túi đựng rác sinh học; 200 túi chế phẩm sinh học để xử lý rác, 80 thùng rác tái chế cho cán bộ công chức cơ quan Khối Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh...

Để phát triển du lịch bền vững, kể từ ngày 1/9/2022, huyện Cô Tô đã thí điểm áp dụng quy định khách du lịch không mang chai, túi nilon, các vật dụng các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường khi đi du lịch tại đây. Theo đó, cán bộ, công chức, mỗi người dân trên địa bàn huyện đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, nói không với các sản phẩm nhựa dùng 1 lần, sử dụng thay thế bằng các vật liệu thân thiện với môi trường; tham gia tích cực các hoạt động bảo vệ môi trường như phân loại rác thải tại nguồn, sử dụng tiết kiệm năng lượng, nhiên, vật liệu... Đồng thời, huyện Cô Tô yêu cầu các hãng vận chuyển khách và công ty lữ hành hướng dẫn cho du khách ngay từ khi bán vé và khi đến cầu cảng Vân Đồn trước khi ra đảo Cô Tô để lại chai nhựa, túi nilon cùng những vật dụng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa, trong 3 năm triển khai thử nghiệm chương trình giảm thiểu rác thải nhựa tại khu vực vịnh Hạ Long với nội dung “Không sử dụng các sản phẩm từ nhựa dùng 1 lần trong các hoạt động dịch vụ, du lịch trên vịnh Hạ Long”, chương trình đã nhận được sự ủng hộ của các đơn vị lữ hành, kinh doanh du lịch, người dân và du khách. Đã có 204 doanh nghiệp, hộ kinh doanh tàu du lịch; 15 doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ Kayak, đò chèo tay và 51 doanh nghiệp, hộ nuôi trồng thủy sản ký cam kết không sử dụng sản phẩm từ nhựa dùng 1 lần trong hoạt động dịch vụ du lịch trên vịnh.

Từ đó, đã giảm được 90% rác thải nhựa dùng 1 lần phải thu gom tại các điểm tham quan trên vịnh. Các điểm dịch vụ trên vịnh cơ bản không còn kinh doanh các sản phẩm từ nhựa dùng 1 lần. Các tàu du lịch, khách tham quan cũng tuân thủ quy định không mang và sử dụng các sản phẩm từ nhựa dùng 1 lần khi đi tham quan. Đồng thời, lượng phao xốp trên các công trình nổi của các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch trên vịnh đã giảm được 94%...

Hiện nay, phong trào chống rác thải nhựa đã có sự lan tỏa mạnh mẽ, thay đổi dần nếp nghĩ, cách làm không chỉ cán bộ, công chức, viên chức mà còn của nhân dân trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan, đơn vị đã hạn chế sử dụng nước đóng chai, sản phẩm nhựa dùng một lần trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác của đơn vị. Người dân giảm thiểu sử dụng túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần; tăng cường phân loại rác thải tại nguồn, tham gia tái chế rác thải nhựa. Các hoạt động này đã giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái; góp phần quan trọng trong việc tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.

Vân Anh