Để có thêm những khu dân cư sạch, đẹp

(Mặt trận) -Sau 3 năm thực hiện Đề án “Phụ nữ Sóc Sơn phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình và khởi nghiệp từ rác hữu cơ giai đoạn 2021-2023”, đến nay, môi trường sống trên địa bàn huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực.

Phú Thọ: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Thanh Hóa: Hỗ trợ người nghèo “an cư” đón tết

Mặt trận Tổ quốc huyện Cai Lậy huy động tốt nguồn lực chăm lo an sinh xã hội

Đặc biệt, việc thực hiện đề án đã giúp nhân dân nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, tích cực tham gia phân loại, xử lý rác hữu cơ, tạo cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp cho nhiều khu dân cư.

 Hội viên phụ nữ thôn Đường 2, xã Phù Lỗ (huyện Sóc Sơn) chăm sóc đường hoa. Ảnh: Nguyễn Tùng

Xử lý rác thành phân hữu cơ

Hiện tại, xã Phù Linh (huyện Sóc Sơn) đang dồn lực xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Trên các tuyến đường làng, ngõ xóm, hội viên phụ nữ tất bật tham gia trồng hoa, chăm sóc cây xanh, thu gom rác thải.

Chị Nguyễn Thị Én, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Vệ Linh (xã Phù Linh) cho hay, để có được diện mạo nông thôn sạch, đẹp, chi hội đã phát động tới toàn thể hội viên triển khai Đề án “Phụ nữ Sóc Sơn phân loại rác thải tại hộ gia đình và khởi nghiệp từ rác hữu cơ giai đoạn 2021-2023”. “Mưa dầm thấm lâu, đến nay, phong trào đã lan tỏa ra toàn thôn Vệ Linh, với 738 hộ dân tham gia phân loại rác thải hữu cơ tại nguồn; 460/738 hộ đã được hướng dẫn cách xử lý rác thải làm phân bón cho cây trồng”, chị Én chia sẻ.

Tương tự, tại xã Phù Lỗ, phong trào thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt cũng đi vào nền nếp. Phó Chủ tịch UBND xã Phù Lỗ Đoàn Văn Thắng cho biết, từ khi Hội Liên hiệp phụ nữ xã triển khai mô hình, tình trạng vứt rác thải sinh hoạt ra đường làng, ngõ xóm giảm hẳn, môi trường trong khu dân cư được cải thiện... Kết quả này cũng góp phần đưa địa phương trở thành một trong 3 xã đầu tiên của huyện Sóc Sơn về đích nông thôn mới nâng cao và đang phấn đấu hoàn thành xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu vào cuối năm 2023.

Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Sóc Sơn Nguyễn Thị Thu Hương, để ngăn chặn hiện tượng vứt rác thải sinh hoạt bừa bãi, đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng gây ô nhiễm môi trường, Hội đã triển khai điểm Đề án “Phụ nữ Sóc Sơn phân loại rác thải tại hộ gia đình và khởi nghiệp từ rác hữu cơ giai đoạn 2021-2023” ở xã Đông Xuân và xã Phú Cường. Các xã, thị trấn còn lại triển khai làm điểm ở một số thôn. Sau 3 năm triển khai, phong trào đã lan tỏa đến 26/26 xã, thị trấn, thu hút gần 10.000 hộ hội viên tham gia, bằng 30,4% tổng số hộ hội viên. Đối với các xã: Phù Linh, Phù Lỗ, Đức Hòa, Đông Xuân, Nam Sơn, số gia đình hội viên thực hiện phân loại, xử lý rác hữu cơ tại nguồn đạt 50%. Đề án góp phần giảm 60% lượng rác hữu cơ thải ra môi trường…

Tiếp tục nhân rộng phong trào

Vừa qua, tại Hội nghị sơ kết Đề án "Phụ nữ Sóc Sơn phân loại và xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình và khởi nghiệp từ rác hữu cơ giai đoạn 2021-2023", Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Sóc Sơn Nguyễn Nam Hà yêu cầu các cấp Hội Phụ nữ trong huyện tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của đề án một cách sâu rộng; khắc phục một số tồn tại, hạn chế, như: Vẫn còn hội viên coi việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm của chính quyền và công ty môi trường; một số địa phương chưa lan tỏa đến các hội, đoàn thể khác; số hộ gia đình hội viên thực hiện phân loại rác thải trong sinh hoạt chưa cao…

Về vấn đề này, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Sóc Sơn Nguyễn Thị Thu Hương cho biết, Hội đã ký biên bản liên tịch với UBND huyện trong phối hợp chỉ đạo thực hiện đề án và triển khai tới 100% số xã, thị trấn. Một số biện pháp sẽ được thực hiện là phát tờ rơi hướng dẫn biện pháp phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình; tổ chức hội nghị tập huấn kỹ thuật sản xuất chế phẩm IMO... Ngoài ra, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện còn trao tặng 425 thùng rác cho hội viên, tặng gần 1 tấn chế phẩm sinh học IMO khô cho 1.000 hộ dân, với mục đích là ngày càng có nhiều người dân biết cách sử dụng chế phẩm IMO trong xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình...

Đặc biệt, trong giai đoạn 2, đề án được nâng tầm thành đề án của Huyện ủy Sóc Sơn để có sự chỉ đạo sâu sát, toàn diện hơn. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sóc Sơn Nguyễn Nam Hà cho hay: “Chúng tôi giao cho Hội Liên hiệp phụ nữ tham mưu, xây dựng văn bản chỉ đạo cả hệ thống chính trị trong huyện vào cuộc, trong đó các hội, đoàn thể, như: Phụ nữ, nông dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thanh niên, cựu chiến binh làm nòng cốt thực hiện. Tại các đảng bộ xã, thị trấn, Huyện ủy yêu cầu các đảng viên tiên phong thực hiện, sau đó tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành viên trong gia đình tham gia. Huyện ủy cũng lấy kết quả triển khai của các địa phương, đơn vị làm căn cứ bình xét, đánh giá thi đua hằng năm”.

Chắc chắn rằng, với sự tham gia chỉ đạo của Huyện ủy, phong trào phân loại, tái chế rác thải tại nguồn trên địa bàn huyện Sóc Sơn sẽ ngày càng lan tỏa trong cộng đồng, góp phần có thêm những làng quê sáng, xanh, sạch, đẹp.

Hiện tại, tổ phụ nữ khởi nghiệp của Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Sóc Sơn tại xã Mai Đình đã sản xuất chế phẩm sinh học IMO khô cung cấp cho thị trường. Đến nay, tổ đã xuất bán được gần 1.000kg, trị giá gần 40 triệu đồng. Tổ phụ nữ khởi nghiệp tại các xã Bắc Sơn, Phù Lỗ… cũng bắt đầu có các sản phẩm bán ra thị trường.

Tuấn Quang