Để bảo vệ và mở rộng ‘vùng xanh’

(Mặt trận) - TPHCM đang triển khai diện rộng việc thiết lập và bảo vệ “vùng xanh” trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác triển khai “vùng xanh” ở một số địa phương còn gặp khó khăn do hạn chế về nhân lực, ý thức của một bộ phận người dân chưa tốt.

Lan tỏa Mô hình Khu dân cư kiểu mẫu

Hòa Bình: Xóa nhà dột nát giúp người nghèo ổn định cuộc sống

MTTQ các cấp huyện Châu Thành củng cố khối đại đoàn kết

 Tài xế giao hàng tại “vùng xanh” phải bảo đảm quy định phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: VGP/Nguyễn Kim

Quyết định vẫn là ý thức người dân

Sau khi UBND TPHCM ban hành văn bản về việc thiết lập và bảo vệ “vùng xanh” trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố, các quận, huyện và TP. Thủ Đức đồng loạt triển khai nhiều giải pháp để nỗ lực bảo vệ và mở rộng “vùng xanh”.

Theo ghi nhận của phóng viên, “vùng xanh” ở các khu vực được rào chắn cẩn thận, bảo đảm 1 lối đi vào - 1 lối đi ra riêng biệt. Tại mỗi lối ra vào đều niêm yết nội quy với đầy đủ các nội dung như: Yêu cầu nghiêm túc thực hiện nguyên tắc 5K, người ngoài không tự ý vào khu vực, giao nhận hàng phải được phun khử khuẩn, chấp hành nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 12 của Thành ủy TPHCM…

Tại hẻm 607 Tân Sơn, Phường 12, quận Gò Vấp, loa phát thanh liên tục thông tin đến người dân về các quy định tại “vùng xanh”. Theo đó, người dân chỉ được ra ngoài trong trường hợp mua thuốc, lương thực thực phẩm hoặc có việc khẩn cấp, tuyệt đối không tự ý ra vào nếu không được sự cho phép của lực lượng trực chốt.

Đặc biệt, khu vực “vùng xanh” có bố trí bàn giao nhận hàng, dung dịch sát khuẩn để phục vụ nhu cầu của người dân. Tất cả hoạt động chỉ diễn ra ở chốt chặn để bảo đảm việc giãn cách, khử khuẩn.

“Có người trực chốt thì sẽ kiểm soát được tốt hơn, nếu không có người thì một bộ phận người dân vẫn lơ là. Ở đây, chúng tôi trực từ sáng đến chiều tối, còn ban đêm sẽ rào chắn lại. Tôi thấy “vùng xanh” có hiệu quả hay không vẫn phụ thuộc vào ý thức của người dân, còn chúng tôi luôn cố gắng làm hết sức để bảo vệ “vùng xanh”, anh Dương Minh Đức, thành viên tổ trực chốt tại hẻm 607, Phường 12, quận Gò Vấp cho biết.

Tại Phường 7, quận Tân Bình, anh Lương Minh Tâm cùng các thành viên trong Khu phố 1 đang tất bật hỗ trợ người dân tại “vùng xanh”. Đây là khu vực chốt tự quản của 9 tổ dân phố 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10 nên hoạt động giao nhận hàng khá nhiều.

“Để bảo vệ 'vùng xanh', ngoài việc trực chốt, chúng tôi sẽ cầm loa đến từng hộ gia đình để tuyên truyền. Tất cả mọi người phải đồng hành cùng nhau thì mới mang lại thành công vì trên thực tế không phải người dân nào cũng có ý thức tốt”, anh Tâm cho biết.

Cùng chung quan điểm, bà Vũ Thị Xuân - Chủ tịch UBND Phường 12, quận Tân Bình nói: “Vừa phòng nhưng cũng phải chống, nhiều người cho rằng“vùng xanh” không có dịch nên tự ý nới lỏng quy định. Việc trực chốt là để nhắc nhở, hạn chế vi phạm còn chủ yếu vẫn dựa vào ý thức của người dân. Bản thân người dân thực hiện tốt thì mới bảo vệ được những người xung quanh và cả cộng đồng”.

Khó khăn trong tổ chức “vùng xanh” là hạn chế về nhân lực

Hiện tại, các địa phương ở TPHCM đã huy động tối đa nguồn lực để phục vụ công tác phòng, chống dịch, từ việc lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine đến thực hiện chính sách an sinh xã hội… Do đó, việc thiếu hụt nhân lực tham gia bảo vệ “vùng xanh” đang là thực trạng chung tại đây.

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện các “vùng xanh” lớn đã được bố trí lực lượng trực chốt để kiểm soát. Còn ở “vùng xanh” nhỏ, do thiếu lực lượng nên chủ yếu rào chắn và để người dân tự quản.

Ông Nguyễn Đức Hiếu - Chủ tịch UBND Phường 14, quận Tân Bình cho biết, đội ngũ cán bộ, công chức của phường chỉ hơn 30 người nhưng phải đảm nhận nhiều nhiệm vụ nên khá áp lực trong công tác tổ chức “vùng xanh”.

Phường 14 hiện có 8 khu phố, riêng khu phố 6 thuộc diện xanh hóa 100% và trong 117 tổ dân phố thì có khoảng 100 tổ dân phố là “vùng xanh”.

Tính đến ngày 13/8, phường đã thực hiện tiêm chủng cho hơn 12.000 người, đạt tỉ lệ hơn 73%. Hiện phường đứng thứ 2 trong tổng số 15 phường về tỉ lệ tiêm vaccine.

“Khó khăn là điều không thể tránh khỏi nhưng bằng mọi cách chúng tôi vẫn cố gắng bảo vệ và mở rộng các “vùng xanh”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Tại Phường 12, quận Tân Bình, Chủ tịch UBND phường Vũ Thị Như Xuân cho biết, nhân lực hạn chế cũng là vấn đề phường gặp phải trong việc thiết lập và bảo vệ “vùng xanh”.

“Nhân lực trực chốt “vùng xanh” chủ yếu là Tổ COVID cộng đồng nhưng ở Phường 12, Tổ COVID do các cô chú lớn tuổi, mới chỉ tiêm vaccine mũi 1 đảm nhiệm, nên phường đang vận động thêm người dân trong “vùng xanh” tham gia trực chốt”, bà Xuân cho hay.

Phường 12 đang nỗ lực nâng số “vùng xanh” từ 7 lên gấp đôi trong thời gian tới. Theo thống kê đến ngày 13/8, phường đã tiêm vaccine cho khoảng 52% dân số, tương ứng với hơn 16.000 người.

Với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, cùng với việc bảo vệ và mở rộng “vùng xanh”, các địa phương đang khẩn trương triển khai nhiều hoạt động để chăm lo đời sống của người dân trong các “vùng xanh”. Bên cạnh phiếu mua hàng, trung tâm an sinh xã hội, các đoàn thể (phụ nữ, đoàn thanh niên, cựu chiến binh…) của phường cũng phối hợp với các Mạnh Thường Quân cung cấp lương thực thực phẩm cho người dân “vùng xanh”.