Để bà con vùng biên không còn “sợ thoát nghèo”

(Mặt trận) -Một bộ phận không nhỏ người dân vùng biên sợ thoát nghèo sẽ mất đi những quyền lợi được thụ hưởng từ chính sách của Nhà nước. Để người dân thay đổi tư duy này, thời gian qua huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều giải pháp.

Lâm Đồng: Đồng bào dân tộc thiểu số vui mừng đón Xuân trong nhà mới

Xuân ấm trong những ngôi nhà mới

Phù Yên chăm lo Tết cho hộ nghèo

 Mô hình phát triển kinh tế thoát nghèo tại xã Tam Chung (Mường Lát).

Xã Quang Chiểu có nguồn nhân lực dồi dào, cũng như điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi, song việc triển khai phát triển các mô hình phát triển kinh tế ở địa phương lại gặp rất nhiều khó khăn. Công tác xuất khẩu lao động dù có chuyển biến nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, nhiều người còn tâm lý ngại xa gia đình. Cùng với đó, trình độ dân trí thấp, một bộ phận người dân vẫn nặng tư tưởng muốn dựa dẫm vào chính sách nên chưa mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; chưa dám vay vốn ngân hàng để phát triển kinh tế...

Phó Chủ tịch UBND xã Quang Chiểu Vi Văn Thứ khẳng định, tâm lý sợ thoát nghèo tưởng nghịch lý nhưng đã và đang tồn tại ở một bộ phận người dân. Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 29-9-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ một trong những căn nguyên khiến Mường Lát vẫn là huyện nghèo là do vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và người dân còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, tự ti, cam chịu. Sau gần 1 năm Đảng bộ và Nhân dân xã Quang Chiểu triển khai Nghị quyết 11, việc nâng cao nhận thức tự chủ trong Nhân dân đã có những chuyển biến nhất định. Đặc biệt, là thành quả bước đầu trong chương trình XDNTM. Hiện nay, xã Quang Chiểu đạt 38/57 tiêu chí thành phần, 8/19 tiêu chí đạt chuẩn, tăng 3 tiêu chí so với năm 2022. Trên địa bàn xã hiện có 5 bản đạt chuẩn NTM.

Theo ông Thứ, một trong những chuyển biến đáng ghi nhận đó là tư duy của một bộ phận người dân, đặc biệt là lớp trẻ đã có sự thay đổi, không còn tâm lý sợ thoát nghèo. Minh chứng từ việc nhiều hộ dân đã dám nghĩ, dám vay vốn để phát triển kinh tế. Như gia đình anh Lò Văn Liệu ở bản Pùng - một hộ có hoàn cảnh éo le là một ví dụ. Anh Liệu thuộc đối tượng hưởng chế độ tàn tật, không có khả năng lao động, mình chị Hà Thị Pẹn vợ anh quanh quẩn với mấy sào đất rẫy. Vợ chồng anh Liệu chưa bao giờ nghĩ tới chuyện thoát nghèo. Anh Liệu cho biết, nếu thoát nghèo thì sẽ mất đi quyền lợi về chính sách, nhiều khoản phải đóng góp mà gia đình anh không thể lo liệu được. Tuy nhiên, từ sự vận động của cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Lát, Hội Phụ nữ xã Quang Chiểu, gia đình anh đã mạnh dạn vay 52 triệu đồng để chị Pẹn đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan. Hằng quý, chị Pẹn gửi tiền về cho anh Liệu trả nợ, chăm lo gia đình, con cái học hành.

Hay như trường hợp gia đình ông Vi Văn Khoa ở khu phố Tén Tằn, thị trấn Mường Lát chẳng hạn. Sau nhiều năm quanh quẩn với vài sào đất ruộng cùng đàn gà, đàn vịt, không tìm được hướng thoát nghèo, ông đã mạnh dạn tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Lát để 2 con trai đi xuất khẩu lao động. Đến nay, gia đình ông đã thoát được nghèo, có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại nhà với thu nhập ổn định...

Đánh giá về việc người dân đã mạnh dạn hơn trong việc vay vốn đầu tư sản xuất thoát nghèo, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Lát Nguyễn Đức Thượng cho rằng: Mường Lát là huyện đặc thù về địa hình và dân cư, nên việc vận động tuyên truyền người dân vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội là hết sức khó khăn. Đặc biệt là trình độ nhận thức của người dân trong việc tự lực, tự cường sản xuất phát triển kinh tế, tăng thu nhập, tích lũy còn hạn chế. Một bộ phận người dân còn trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, không mạnh dạn vay vốn đầu tư thoát nghèo. Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã cùng với các tổ chức đoàn thể ở cơ sở tích cực tuyên truyền để người dân mạnh dạn việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng, nhờ đó đã có sự chuyển biến nhất định. Tính đến ngày 31-7-2023, kết quả thực hiện hỗ trợ đầu tư tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách đã có sự tăng trưởng, tổng dư nợ đạt 276 tỷ đồng, với 5.220 hộ còn dư nợ.

Bí thư Huyện ủy Mường Lát Hà Văn Ca khẳng định, qua gần 1 năm thực hiện Nghị quyết số 11, Mường Lát đã có những chuyển biến nhất định, trong đó phải kể đến chương trình XDNTM. Đến nay, bình quân đạt 6,14 tiêu chí/xã, tăng 1,28 tiêu chí so với đầu năm 2023.

Theo ông Ca, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại trong suy nghĩ của người dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong thực hiện Nghị quyết số 11. Để tạo được sự chuyển biến, Ban Thường vụ Huyện ủy đã giao cho Ủy ban MTTQ và các đoàn thể xây dựng nội dung này thành một phong trào trên địa bàn huyện với mục tiêu xóa bỏ được tâm lý sợ thoát nghèo, không muốn thoát nghèo, cũng như tập quán canh tác, thói quen sinh hoạt lạc hậu của một bộ phận người dân.

Để thực hiện được những mục tiêu trên, thời gian tới huyện Mường Lát sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp của MTTQ và các đoàn thể trong thực hiện công tác giảm nghèo bền vững gắn với XDNTM. Tăng cường công tác đối thoại với người dân, chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận của Nhân dân để có những định hướng kịp thời. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân về việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tăng cường công tác tuyên truyền những tấm gương điển hình tiên tiến của cá nhân, tập thể trong thực hiện giảm nghèo nhằm khơi dậy tính tự lực, tự cường, ý chí thoát nghèo trong Nhân dân.

Đình Giang