Đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam', góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội

(Mặt trận) - Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” chính là phát huy sức mạnh của gần 100 triệu người Việt Nam, sức mạnh của lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, truyền đi thông điệp chung sức đồng lòng, vươn lên bứt phá để phục hồi và phát triển kinh tế; đáp ứng yêu cầu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Quốc hội, Chính phủ, nhu cầu của các doanh nghiệp và kỳ vọng của các tầng lớp nhân dân.

Lan tỏa Mô hình Khu dân cư kiểu mẫu

Hòa Bình: Xóa nhà dột nát giúp người nghèo ổn định cuộc sống

MTTQ các cấp huyện Châu Thành củng cố khối đại đoàn kết

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn dẫn đầu Đoàn công tác khảo sát việc bán sản phẩm hàng Việt tại hệ thống siêu thị Co.opMart Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. 

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết tâm, quyết liệt, hiệu quả của Đảng, Nhà nước, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc tích cực, thống nhất hành động của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, các địa phương, các tầng lớp nhân dân, Việt Nam đã ngăn chặn, kiểm soát, đẩy lùi dịch Covid-19. Tuy nhiên tình hình dịch trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, gây suy thoái kinh tế toàn cầu, làm đình trệ hoạt động sản xuất, thương mại, nhất là ở các nước đối tác lớn của Việt Nam. Đất nước đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng có trong nhiều năm qua, dịch bệnh ảnh hưởng sâu rộng đến mọi lĩnh vực của đời sống, kinh tế - xã hội, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể.

Trong bối cảnh đó, tiêu dùng trên thị trường nội địa nổi lên như một điểm sáng, trở thành điểm tựa cho tăng trưởng, duy trì sự phát triển của doanh nghiệp, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng và an sinh xã hội. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng, thực hiện hiệu quả phương án phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới, gắn liền với các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, tinh thần chống dịch bệnh trong thời gian vừa qua phải được tiếp tục phát huy, nhân lên tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, vì sự phát triển bền vững của đất nước.

Tiềm năng to lớn của thị trường nội địa đã được thử thách qua đại dịch Covid-19; ngay cả trong tình huống phức tạp, ở cả những khu vực thuộc diện cách ly, hàng hóa vẫn dồi dào, đủ cung ứng cho nhân dân; nhiều doanh nghiệp tiên phong trong ủng hộ phòng, chống dịch, đổi mới, sáng tạo trong việc cung ứng, phân phối hàng hóa, sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng, kịp thời chuyển đổi sản xuất hàng hóa phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh. Điều đó khẳng định sự lớn mạnh, sức sáng tạo, trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp Việt, đó cũng chính là thực hiện hiệu quả chủ trương của Bộ Chính trị về tổ chức thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Hơn 10 năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, bộ, ngành, nhiều tổ chức, cơ quan, đơn vị, các tầng lớp nhân dân đã chung tay, tích cực tổ chức, thực hiện Cuộc vận động. Các phương tiện thông tin đại chúng đã thực hiện tốt nhiệm vụ cung cấp thông tin đến người dân, giúp cho các tầng lớp nhân dân tiếp cận được những thông tin cơ bản về Cuộc vận động, nhất là những thông tin về chất lượng hàng hóa, sản phẩm, địa chỉ cung ứng tin cậy.

Khu vực doanh nghiệp có nhiều đổi mới, sáng tạo, bằng những việc làm thiết thực như nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, coi trọng khâu bảo hành sản phẩm và thực hiện các cam kết với người tiêu dùng, tăng cường thông tin, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng, phát triển hệ thống bán buôn, bán lẻ, thường xuyên thực hiện các chương trình khuyến mại, tri ân khách hàng; ngày càng khẳng định vị trí quan trọng trong nền kinh tế của đất nước, hằng năm đóng góp ngân sách nhà nước hơn 12%, tương đương trên 60% GDP nền kinh tế. Mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ năm 2009 đến nay tăng trưởng hơn 10% mỗi năm, cao gấp 1,5 đến 2 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân của GDP cùng kỳ.

Đảng, Nhà nước đã và đang có những chủ trương, chính sách quyết liệt, rõ ràng, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp phát triển như: Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát.

Cuộc vận động tiếp tục được sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức, cơ quan, đơn vị, sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp đã chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất, quản lý, tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý; nhiều sản phẩm thực sự chinh phục được người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu tới một số nước trên thế giới, góp phần hoàn thành và hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm nhập siêu, tiến tới xuất siêu trong những năm gần đây, bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, không còn hiện tượng sốt giá, thiếu hàng vào các dịp lễ, Tết, mùa vụ.

Là thành viên nòng cốt của Cuộc vận động, Bộ Công thương đã cụ thể hóa những nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động thành các hoạt động, chương trình, mở ra đường hướng, nhu cầu, cơ chế hợp tác, tạo ra sự liên kết  bền vững trong cộng đồng doanh nghiệp, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, cũng như kết nối hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm các đối tác cung cấp các dịch vụ ngân hàng, hạ tầng, giải pháp công nghệ, cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu ngay cả với doanh nghiệp vừa và nhỏ trên thị trường nội địa.

Thông qua Cuộc vận động, hoạt động kết nối cung cầu trong thời gian qua đã được nhiều cấp, nhiều ngành triển khai rộng khắp và hiệu quả. Qua hơn 10 năm triển khai Cuộc vận động đã có hơn 1.000 Hội nghị kết nối cung cầu của các Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được tổ chức, có sự tham gia của hầu hết các doanh nghiệp sản xuất với các nhà phân phối lớn. Đây là cơ sở quan trọng để  khi dịch bệnh xảy ra, chuỗi liên kết cung ứng đã kịp thời “kích hoạt”, nhanh chóng gia tăng lượng dự trữ hàng hóa gấp nhiều lần bình thường, đáp ứng nhu cầu hàng hóa ở mỗi địa phương. Đồng thời cũng là nguồn lực cho phép các Sở Công thương  chuẩn bị sẵn “phương án tác chiến”, kết nối giữa sản xuất và phân phối; cập nhật các kịch bản ứng phó với dịch bệnh theo 5 cấp độ.

Thực tế nhiều thập kỷ qua cho thấy, khi thị trường thế giới có biến động, như suy giảm nhu cầu trong cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính quốc tế năm 2008, hay bị gián đoạn nguồn cung và nhu cầu do đại dịch Covid-19 như hiện nay, thì thị trường nội địa như một bức tường thành kiên cố, bao quanh và bảo vệ vững chắc nền kinh tế. Với sự năng động và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, cùng sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước, thị trường nội địa Việt Nam là không gian đủ rộng cho doanh nghiệp khai thác, vượt qua khó khăn trước những rủi ro, biến động từ bên ngoài.

Trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại CPTPP, EVFTA, IPA, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã bước sang một giai đoạn mới, đòi hỏi cách làm mới với quyết tâm lớn hơn. Trước hết cần phải nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động, tận dụng thời cơ, phát huy thế mạnh, đối phó với thách thức, khó khăn khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt và khốc liệt hơn.

Thông qua thiết kế chính sách và hỗ trợ về nguồn lực của cơ quan quản lý nhà nước để doanh nghiệp xây dựng cho được hệ thống sản xuất và phân phối trong nước thật sự vững mạnh; đồng thời triển khai mạnh mẽ, sáng tạo và hiệu quả hơn nữa chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, tìm kiếm mở rộng thị trường, liên kết, hợp tác đầu tư; cung cấp thông tin, xây dựng mạng lưới phân phối; và đặc biệt là phải xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm về hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, doanh nghiệp đội lốt, lợi dụng uy tín hàng Việt Nam, dán mác hàng Việt Nam trên hàng hóa có xuất xứ nước ngoài để tiêu thụ, trục lợi.

Công tác tuyên truyền phải thường xuyên, rộng khắp, đi sâu phát hiện, nhân rộng các điển hình tốt. Ban Chỉ đạo các cấp phải quan tâm, đánh giá kết quả thực hiện Cuộc vận động thật sự đầy đủ, thực chất. Cùng với đó, các doanh nghiệp, người sản xuất không ngừng đổi mới, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, khơi dậy bản lĩnh, ý chí, sức sáng tạo của người Việt Nam trong sản xuất, kinh doanh, chú trọng xây dựng thương hiệu hàng Việt, phấn đấu hàng hóa Việt Nam phải đảm bảo các điều kiện về bảo vệ môi trường, an toàn, chất lượng cao, cạnh tranh về giá thành, mẫu mã, chinh phục được người tiêu dùng Việt Nam, chiếm lĩnh thị trường trong nước, thâm nhập sâu vào thị trường quốc tế.

Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” chính là phát huy sức mạnh của gần 100 triệu người Việt Nam, sức mạnh của lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, truyền đi thông điệp chung sức đồng lòng, vươn lên bứt phá để phục hồi và phát triển kinh tế; đáp ứng yêu cầu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Quốc hội, Chính phủ, nhu cầu của các doanh nghiệp và kỳ vọng của các tầng lớp nhân dân.

Lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, tình nghĩa đồng bào càng thể hiện rõ hơn bao giờ hết mỗi khi đất nước lâm vào tình thế khó khăn. Hưởng ứng Lời kêu gọi “Toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19” của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, từ ngày 17/3/2020 đến nay, số tiền, hiện vật mà các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, đồng bào ta ở nước ngoài ủng hộ, đăng ký ủng hộ qua hệ thống Mặt trận các cấp được gần 2.000 tỷ đồng góp phần cùng Đảng, Nhà nước tập trung phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội. 

Trần Thanh Mẫn
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam
Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”