Đẩy lùi rác thải nhựa, xây dựng môi trường sống xanh

(Mặt trận) -Trong năm thứ tư triển khai thực hiện, phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa” do Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang phát động đã lan tỏa sâu rộng, nhận được sự ủng hộ, tham gia tích cực của đông đảo người dân.

Lâm Đồng: Đồng bào dân tộc thiểu số vui mừng đón Xuân trong nhà mới

Xuân ấm trong những ngôi nhà mới

Phù Yên chăm lo Tết cho hộ nghèo

 Mô hình thu gom rác thải nhựa bán gây quỹ tại thị trấn Vĩnh Lộc (huyện Chiêm Hóa). Ảnh: Đỗ Sang.

Mô hình thùng rác gia đình là cách làm hiệu quả được Ủy ban MTTQ thị trấn Sơn Dương thực hiện để hưởng ứng phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa”. Đến nay, phong trào đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của người dân trong phân loại rác thải và hạn chế đưa rác thải nhựa ra môi trường. Từ một tổ dân phố đầu tiên ra mắt khi phong trào được phát động, đến nay 25/25 tổ dân phố trên địa bàn thị trấn đều đã triển khai trên 1.500 thùng rác tại các hộ gia đình. Với việc người dân tự giác phân loại rác thải, trên địa bàn không còn tình trạng xả rác thải bừa bãi, rác thải được phân loại, qua đó giúp các đơn vị thu gom dễ dàng xử lý.

Ngoài thị trấn Sơn Dương, ghi nhận tại nhiều địa phương cho thấy, phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa” đã nhận được sự đồng thuận hưởng ứng của người dân với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo. Triển khai mô hình tự quản “Phân loại rác thải tại nguồn”, Ủy ban MTTQ phường An Tường (TP Tuyên Quang) đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ gia đình ký cam kết tự thu gom, phân loại rác thải tại hộ gia đình. Cùng với công tác tuyên truyền, tại các khu dân cư, Ban Công tác Mặt trận chủ trì phối hợp với các tổ chức đoàn thể hướng dẫn người dân xây bể ủ rác hữu cơ tại hộ gia đình đối với hộ có đất vườn; phối hợp với Hợp tác xã vận tải và dịch vụ môi trường Thanh Bình đảm nhận dịch vụ thu gom rác thải cho nhân dân vào các ngày trong tuần tại các khu dân cư. Sau 3 năm thực hiện, phường An Tường thành lập 19 mô hình tự quản về phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải nhựa với 85 nhóm tại 11/11 khu dân cư. Định kỳ hàng tuần các tổ dân phố trên địa bàn tổ chức cho nhân dân vệ sinh đường phố, thu gom rác thải, nhờ vậy cảnh quan môi trường các khu dân cư luôn sạch sẽ, phong quang.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang Lê Ngọc Tân cho biết, đến nay, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh đã xây dựng trên 2.000 mô hình tổ tự quản về bảo vệ môi trường, xử lý rác thải và chống rác thải nhựa ở khu dân cư. Tại các địa phương nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả đã được MTTQ các cấp xây dựng và nhân rộng tiêu biểu như mô hình “Gạch sinh thái”, tại xã Hùng Mỹ, Xuân Quang, Nhân Lý, Yên Lập (Chiêm Hóa), Đông Thọ, Văn Phú, Phú Lương... (Sơn Dương), người dân tận dụng từ các chai nhựa, tạo ra những viên gạch sinh thái để xây dựng các công trình ghế ngồi, tường rào, bồn cây; mô hình thu gom rác thải nhựa gây quỹ tại một số xã trên địa bàn tỉnh, người dân, các tổ tự quản gom các loại rác thải nhựa, định kỳ đem bán phế liệu gây quỹ ủng hộ cho người nghèo tại thị trấn Yên Sơn, Tứ Quận, Chân Sơn (Yên Sơn), xã Thái Long, Đội Cấn (TP Tuyên Quang)...

Qua công tác tuyên truyền, vận động của MTTQ các cấp, người dân tại các khu dân cư đã tích cực hưởng ứng, tự nguyện đóng góp kinh phí để xây dựng mới 2.330 hố, bể xử lý rác thải. Từ rác thải nhựa, các địa phương đã làm được trên 6.000 viên gạch sinh thái; xử lý trên 16,5 tấn rác thải, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, xây dựng gần 640 công trình, mô hình gạch sinh thái từ rác thải nhựa với tổng trị giá ước trên 7,6 tỷ đồng.

Vũ Mạnh