Đẩy lùi rác thải nhựa, bảo vệ môi trường sống xanh

(Mặt trận) -Sau hơn 3 năm triển khai, phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa” đã có sức lan tỏa sâu rộng, huy động được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường.

Lâm Đồng: Đồng bào dân tộc thiểu số vui mừng đón Xuân trong nhà mới

Xuân ấm trong những ngôi nhà mới

Phù Yên chăm lo Tết cho hộ nghèo

 Mô hình làm gạch sinh thái tại xã Phú Bình, huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang). Ảnh: Đỗ Sang.

Tại huyện Chiêm Hóa, qua triển khai thực hiện phong trào đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân đối với việc tự phân loại rác thải, giảm tải và hạn chế đưa rác thải nhựa ra môi trường. Hiện nay trên địa bàn các xã, thị trấn đã xây dựng và duy trì hiệu quả các tổ, nhóm tự quản bảo vệ môi trường. Hàng tháng, các tổ tự quản thống nhất một ngày cố định vận động các hộ gia đình ở các khu dân cư tham gia dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm, chăm sóc các tuyến đường hoa.

Đặc biệt, mô hình phân loại rác thải tại nguồn đã được triển khai hiệu quả với trên 80% các hộ gia đình trên địa bàn có thùng đựng rác vô cơ và hố xử lý rác hữu cơ. Đối với rác hữu cơ, các hộ gia đình tận dụng ủ men vi sinh làm phân bón, đối với rác vô cơ, vỏ chai ni lông sẽ thu gom tận dụng làm gạch sinh thái.

Đến nay, phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa” đã lan tỏa rộng khắp và nhận được sự đồng thuận hưởng ứng của người dân. Từ phong trào này đã xuất hiện nhiều mô hình sáng tạo được xây dựng để bảo vệ môi trường sống xanh, thân thiện với môi trường. Tiêu biểu như mô hình tự quản “Thùng rác gia đình” tại thị trấn Sơn Dương; mô hình “gạch sinh thái”, tận dụng từ các chai nhựa và nhồi những vật liệu như túi nilon mềm hoặc cứng, hộp xốp, cốc nhựa dùng một lần, vỏ bao bì, giấy bọc nhựa, ống hút, vỏ bánh kẹo, ly nhựa, làm sạch phơi khô, cắt nhỏ rồi nhét chặt vào các vỏ chai nhựa tạo ra những viên gạch sinh thái đa sắc màu xã Phú Bình, huyện Chiêm Hóa; mô hình “Ngôi nhà kế hoạch nhỏ” của Liên đội trường Tiểu học Phan Thiết, TP Tuyên Quang để gây quỹ giúp đỡ các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn từ việc thu gom rác thải nhựa…

Ông Nguyễn Hưng Vượng - Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang cho biết, sau hơn 3 năm triển khai phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa” đã mang lại hiệu quả thiết thực. Công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải, giữ gìn vệ sinh môi trường được đồng thuận triển khai thực hiện đã góp phần thay đổi hành vi, thói quen của người dân trong sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, giảm thiểu tối đa việc ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra.

Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 2.400 mô hình tổ tự quản bảo vệ môi trường. Qua công tác tuyên truyền của MTTQ, nhiều hộ dân ở các khu dân cư đã đồng tình, tích cực hưởng ứng, tình nguyện đóng góp kinh phí để xây dựng mới 2.330 hố, bể xử lý rác thải. Từ rác thải nhựa tái chế, các địa phương đã làm được trên 6.000 viên gạch sinh thái; xử lý trên 16,5 tấn rác thải, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật…

Thời gian tới, ông Nguyễn Hưng Vượng cho rằng, MTTQ và các tổ chức thành viên cần lựa chọn những cách làm phù hợp để triển khai thực hiện hiệu quả phong trào. Cụ thể như Hội Phụ nữ tiếp tục triển khai hiệu quả mô hình gạch sinh thái, xây dựng tuyến đường hoa; Hội Nông dân làm tốt mô hình thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật và hướng dẫn ủ rác thải hữu cơ làm phân bón; Đoàn thanh niên làm tốt mô hình đổi rác thải nhựa lấy cây xanh, đổi rác thải nhựa lấy đồ dùng học tập… để phong trào ngày càng thu hút sự hưởng ứng vào tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Vũ Mạnh